Dấu ấn 30 năm xây dựng và phát triển
Trên chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của các cấp, ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Cao Phong, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị trấn Cao Phong đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng thị trấn ngày càng giàu đẹp, phát triển với những bước tiến và thành tựu quan trọng về mọi mặt.
Trên chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của các cấp, ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Cao Phong, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị trấn Cao Phong đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng thị trấn ngày càng giàu đẹp, phát triển với những bước tiến và thành tựu quan trọng về mọi mặt.
Đồng chí Nguyễn Thế Anh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong chia sẻ: Để vượt qua những khó khăn bước đầu, các thế hệ lãnh đạo của thị trấn đã xác định đúng đắn và phát huy cao độ yếu tố nội sinh. Đó là nhận diện đúng tiềm năng, lợi thế cho yêu cầu phát triển căn bản và dài hạn. Quyết định chính trị đúng qua mỗi kỳ đại hội về cơ cấu KT-XH; lựa chọn diện, điểm để đột phá; xác định những bước đi cần ưu tiên, tạo dựng cơ sở vật chất kỹ thuật mới, nguồn lực mới, đáp ứng cho phát triển nhiều mặt của đời sống xã hội.
Từ xác định mục tiêu, định hướng rõ nét, thị trấn xác định sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa là điểm nhấn, mũi nhọn trong phát triển kinh tế, cây có múi là cây trồng chủ lực. Sau khi cam Cao Phong được công nhận chỉ dẫn địa lý, người dân thị trấn đã đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng nhiều giống rải vụ. Nhiều năm duy trì diện tích trên 800 ha, trong đó trồng ngoài địa bàn 250 ha, sản lượng đạt trên 15 nghìn tấn, đem lại thu nhập cao cho người dân. Đã có trên 70 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, 20 hộ thu nhập từ 3 - 9 tỷ đồng/năm từ trồng cam. Để bảo vệ chỉ dẫn địa lý thương hiệu cam Cao Phong, địa phương phối hợp tiếp tục tái canh cây có múi; tổ chức 7 lễ hội cam Cao Phong...
Song song với phát triển trồng trọt, chăn nuôi được nhiều hộ quan tâm, đầu tư mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Cùng với đó, kinh doanh dịch vụ cũng đem lại thu nhập cao với 546 hộ có cửa hàng, cơ sở kinh doanh. Nhiều hộ chủ động mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, mua máy móc, phương tiện vận tải tạo việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, khu du lịch quần thể hang động núi Đầu Rồng mở ra hướng phát triển kinh tế du lịch tiềm năng.
Để chủ động về nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, Quỹ tín dụng nhân dân được thành lập năm 1996 đến nay hoạt động hiệu quả; hỗ trợ vốn kịp thời cho các thành viên và nhân dân đầu tư phát triển kinh tế. Hiện quỹ có tổng nguồn vốn hoạt động trên 200 tỷ đồng.
Đồng chí Chủ tịch UBND thị trấn cho biết thêm: Cùng với phát huy nội lực, sự quan tâm đầu tư của trên và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Các tuyến đường nội thị và trên địa bàn các khu dân cư (KDC) được bê tông hóa. Nhiều cán bộ, nhân dân hiến trên 2.000m2 đất; nhân dân đóng góp trên 7,5 tỷ đồng bê tông hóa trên 10km đường giao thông trong KDC; xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp 13 lượt nhà văn hóa KDC với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng… Cảnh quan đô thị được quy hoạch và xây dựng xanh, sạch, đẹp.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt nhiều thành tựu. Chất lượng giáo dục được nâng cao (có 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II, 1 trường mức độ I). Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ, chăm sóc trẻ em tiếp tục được chăm lo. Thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Số lao động có việc làm tăng thêm hàng năm. Công tác giảm nghèo và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội thực hiện thường xuyên. Quan tâm thực hiện công tác đền ơn - đáp nghĩa, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định. Hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao phát triển. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh, toàn thị trấn có 92% hộ đạt gia đình văn hóa, 7/7 KDC đạt văn hóa.
Trong chặng đường 30 năm xây dựng, phát triển, thị trấn Cao Phong được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành T.Ư, tỉnh và huyện khen thưởng bằng nhiều hình thức, danh hiệu thi đua cao quý. Đặc biệt, các năm 2004, 2009, 2015 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, hạng nhì, hạng nhất. Năm 2007 và 2010 được Chính phủ tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua, 7 năm được UBND tỉnh tặng cờ dẫn đầu phong trào thi đua.
Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập là dịp Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thị trấn Cao Phong nhìn lại những việc đã làm được và tồn tại, hạn chế để kịp thời khắc phục. Đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của nhân dân, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng thị trấn Cao Phong ngày càng giàu đẹp, phát triển.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/191795/dau-an-30-nam-xay-dung-va-phat-trien.htm