Dấu ấn Abe Shinzo

Khi Thủ tướng Abe Shinzo thông báo từ chức vì lý do sức khỏe vào ngày 28-8 vừa qua, rất nhiều người dân Nhật Bản và cả những người bạn của đất nước mặt trời mọc không giấu nổi sự tiếc nuối và hụt hẫng.

Nhắc đến Abe Shinzo, trước hết phải nhắc tới cam kết “làm hồi sinh” nền kinh tế Nhật Bản thông qua chính sách Abenomics mà ông đưa ra sau khi tái đắc cử Thủ tướng vào năm 2012, với 3 trọng tâm là thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng. Đến nay, Abenomics vẫn được coi là chính sách nhận được những cái nhìn trái chiều, song thực tế chứng minh rằng, chính sách cải cách kinh tế đầy táo bạo này ít nhiều đã đem lại những chuyển biến cho đất nước Nhật Bản. Theo đánh giá của các chuyên gia, Abenomics đã mở ra lối thoát để nền kinh tế Nhật Bản bước ra khỏi tình trạng đình trệ và giảm phát trầm trọng kéo dài trước đó. Và dù kể từ cuối năm 2018 đến nay, đà tăng trưởng của nền kinh tế thứ ba thế giới có dấu hiệu chững lại, song vẫn không thể phủ nhận những thành tựu khởi nguồn từ chính sách này.

 Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ảnh: Kyodo

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ảnh: Kyodo

Nhưng, điều dễ thấy nhất là trong thời gian ông Abe Shinzo đảm trách cương vị Thủ tướng, Nhật Bản đã trải qua một cuộc “thay da đổi thịt” về cơ sở hạ tầng trên toàn quốc theo hướng hiện đại hóa, hoạt động đầu tư-kinh doanh, thị trường tài chính được thúc đẩy, góp phần giúp nền kinh tế nước này chứng kiến những giai đoạn tăng trưởng nhất định. Cùng với đó, dấu ấn mà ông Abe Shinzo để lại trên hành trình chèo lái con thuyền Nhật Bản còn là những cải cách đáng chú ý trong các lĩnh vực lao động, du lịch, chính sách tiền tệ...

Về mặt đối ngoại, Thủ tướng Abe Shinzo được coi là “chủ công” trong nỗ lực tái định vị Nhật Bản trên bản đồ thế giới hiện đại, đồng thời định hình lại quan hệ chính trị đối ngoại, kinh tế đối ngoại của Nhật Bản với các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Australia, hay một số nước ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á... Và phải thừa nhận rằng, vai trò nổi bật của ông Abe Shinzo trong những “điểm nhấn” này giúp ông trở thành chính khách có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên trường quốc tế trong khoảng một thập kỷ qua.

"Abe Shinzo không hoàn thành hết mọi điều mà Nhật Bản cần, nhưng ông đã làm được nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nhật Bản nào trong nhiều thập kỷ qua"-ông Mike Green, chuyên gia về Nhật Bản thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định.

Cũng không thể không nhắc lại rằng, Thủ tướng Abe Shinzo là người có công vun vén, đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản bước vào một giai đoạn được đánh giá là tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Điều này trước hết được thể hiện ở việc lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, đặc biệt trong những năm gần đây. Cá nhân Thủ tướng Abe Shinzo đã hai lần thăm chính thức Việt Nam (năm 2013, 2017); hai lần đến Việt Nam tham dự Hội nghị APEC (năm 2006, 2017), đồng thời từng tiếp đón nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam sang thăm Nhật Bản. Cũng dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo, Nhật Bản trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và là nhà đầu tư có tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều thứ hai tại Việt Nam (tính theo số lũy kế)... Bên cạnh đó, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như nông nghiệp, lao động, giáo dục, du lịch, ứng phó với biến đổi khí hậu... cũng phát triển nhanh chóng.

Chia tay chính trường ở tuổi 65, Abe Shinzo không chỉ là vị Thủ tướng có thời gian tại vị lâu nhất lịch sử Nhật Bản mà còn được nhìn nhận như một trong những nhân vật nổi bật nhất nền chính trị nước này. Nhưng có lẽ, thành tựu lớn nhất mà ông có được là sự yêu mến và tín nhiệm của công chúng Nhật Bản. Chả thế mà truyền thông xứ sở mặt trời mọc có lần đã nói vui rằng: "Chỉ cần Abe Shinzo giơ tay tuyên bố ra tranh cử là ngay lập tức sẽ đắc cử!".

ANH VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/dau-an-abe-shinzo-633993