Dấu ấn Bác Hồ ở Rio de Janeiro, câu chuyện Xuân Son và sợi dây kết nối Việt Nam - Brazil
Theo Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh, dù cách xa về địa lý, nhưng Việt Nam và Brazil vẫn có nhiều điểm đồng, hiểu những thế mạnh của nhau và sử dụng những thế mạnh đó bổ sung cho nhau.
Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva mới đây đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Brazil, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trên các lĩnh vực chiến lược.
Nhân dịp này, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Brazil, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brazil nhằm đánh giá về ý nghĩa và kết quả của chuyến thăm cũng như chỉ ra triển vọng hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn tới.
Điều đặc biệt của chuyến thăm
NĐT: Thưa Đại sứ, Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva tới Việt Nam lần này?
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Phải khẳng định rằng chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva tới Việt Nam lần này có tầm quan trọng và ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước.
Thứ nhất, chuyến thăm diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước và 80 năm Quốc khánh của Việt Nam. Tổng thống Brazil là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong năm 2025.
Thành phần đoàn tháp tùng Tổng thống Brazil cũng rất đa dạng, gồm nhiều Bộ trưởng, các Nghị sĩ ở cả hai viện và đông đảo giới doanh nhân, doanh nghiệp lớn của Brazil.

Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Brazil, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brazil.
Thứ hai, trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Brazil đã có cuộc hội đàm quan trọng với Chủ tịch nước Lương Cường, hội kiến với Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Brazil và cùng Phó Chủ tịch nước thăm Bảo tàng lịch sử Việt Nam.
Trong các cuộc tiếp xúc, hai bên đều bày tỏ vui mừng trước sự phát triển ngày càng vững mạnh của quan hệ song phương, đặc biệt đánh giá cao việc hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào tháng 11/2024 và sự chia sẻ tầm nhìn phát triển quan hệ trong những năm tới.
Mối quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Brazil được thiết lập dựa trên nền tảng của hơn 35 năm quan hệ ngoại giao và khát vọng chung trong việc tăng cường quan hệ song phương thông qua đối thoại và hợp tác cùng có lợi. Đây chính là biểu tượng của tình hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Brazil, những giá trị và nguyên tắc chung của quan hệ quốc tế, đặc biệt là bảo vệ hòa bình, tôn trọng luật pháp và hợp tác cùng phát triển.
Thứ ba, kết quả của chuyến thăm rất đáng mừng khi hai nước đã cụ thể hóa nội hàm của khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược với 6 trụ cột chính. Không chỉ thông qua Tuyên bố chung, hai nước còn ký Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2025-2030 và một loạt văn kiện hợp tác quan trọng.
NĐT: Tham gia một số hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Lula da Silva, xin Đại sứ chia sẻ những ấn tượng, cảm nhận cá nhân về không khí và giá trị của chuyến thăm?
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Là nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brazil, tôi vinh dự được Chủ tich nước Lương Cường mời tham dự buổi tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước Tổng thống Lula và đoàn đại biểu cấp cao.
Tôi rất ấn tượng về nội dung bài diễn văn chào mừng của Chủ tịch nước Lương Cường và bài diễn văn đáp từ của Tổng thống Lula cũng như không khí đầm ấm, thân thiện trong buổi chiêu đãi.
Cả hai vị nguyên thủ đều nhắc lại sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn trẻ từng có thời gian sống và làm việc tại thành phố Rio De Janeiro của Brazil vào năm 1912 trên hành trình tìm đường cứu nước, nhấn mạnh đó là dấu mốc giao lưu đầy ý nghĩa từ rất sớm trong lịch sử quan hệ giữa hai dân tộc.
Tổng thống Lula bày tỏ xúc động trong thời gian sinh sống 3 tháng tại Rio De Janeiro, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bài báo về câu chuyện của vị lãnh đạo công đoàn - da đen và là người Pernambuco - José Leandro da Silva, trong đó mạnh mẽ lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bảo vệ tinh thần đoàn kết quốc tế, đồng thời nhấn mạnh dù ở những nơi khác nhau trên thế giới, vẫn tồn tại những giá trị quan trọng gắn kết hai dân tộc với nhau.

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước (Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh đứng thứ hai, hàng thứ nhất từ phải sang).
Hai nhà lãnh đạo và những người tham dự chiêu đãi đều rất ấn tượng và vỗ tay nồng nhiệt khi các nghệ sĩ, ca sĩ, vũ công Việt Nam có những phần trình diễn đậm đà bản sắc dân tộc của cả Việt Nam và Brazil. Tôi quan sát thấy nhiều khách mời trong đoàn Brazil dùng điện thoại để ghi lại các tiết mục văn nghệ đó.
Một điều đặc biệt khác đối với tôi là việc gặp cầu thủ bóng đá Nguyễn Xuân Son mang quốc tịch Việt Nam gốc Brazil. Xuân Son là một biểu tượng sống động về sự kết nối trong thể thao và lớn hơn là sự giao thoa về con người, giá trị và tinh thần giữa Việt Nam và Brazil.
Nhận thức chung và cam kết của hai nước
NĐT: Thưa Đại sứ, đâu là kết quả nổi bật mà hai nước đã đạt được trong chuyến thăm này? Trong số các thỏa thuận được ký kết, ông đánh giá đâu là lĩnh vực hợp tác quan trọng nhất đối với tương lai quan hệ Việt Nam - Brazil?
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Kết quả nổi bật của chuyến thăm thể hiện qua các nhận thức chung và cam kết của hai nước trên cả bình diện song phương và đa phương.
Về phương diện song phương, tôi cho rằng nổi bật nhất chính là kinh tế khi hai nước nhấn mạnh hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng của hợp tác song phương và thừa nhận còn nhiều tiềm năng để khai thác phát triển hơn nữa.
Đáng chú ý là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều thách thức, khó khăn, hai nước đã quyết tâm đưa quan hệ kinh tế - thương mại tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với mục tiêu đạt 15 tỷ USD vào năm 2030.
Đặc biệt, trong chuyến thăm, Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đã công bố quyết định của Brasil công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Bên cạnh đó, Brazil cũng quyết định dỡ bỏ lệnh cấm về cá rô-phi, mở cửa thị trường Brazil cho một số loại tôm, theo tiêu chuẩn quốc tế và để ngỏ cơ hội đối với mặt hàng cá tra, ba-sa.
Nhiều khía cạnh hợp tác rất mới cũng được hai bên nhìn nhận như khoa học – công nghệ và sáng tạo, biến đổi khí hậu và môi trường, chuyển đổi năng lượng, cam kết với chủ nghĩa đa phương và quản trị toàn cầu.
Trên bình diện đa phương, hai nước đã cùng khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương, tôn trọng đầy đủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, đồng thời nhắc lại nhu cầu cấp bách về việc cải tổ quản trị toàn cầu, đặc biệt là tính cấp bách của việc cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bao gồm việc mở rộng số lượng ủy viên thường trực và không thường trực để tăng cường sự hiện diện của các nước đang phát triển từ các khu vực không có đại diện hoặc có ít đại diện như châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh.
Việt Nam tái khẳng định sự ủng hộ đối với nguyện vọng có một ghế thường trực của Brazil tại Hội đồng Bảo an sau khi được cải cách.

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Tổng thống Brazil.
Hai nước đã cụ thể hóa khuôn khổ quan hệ mới bằng Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2025-2030, bao gồm sáu trụ cột chính: (i) Chính trị, quốc phòng, an ninh và thách thức toàn cầu; (ii) Kinh tế - thương mại và đầu tư; (iii) Khoa học - công nghệ và sáng tạo; (iv) Biến đổi khí hậu và môi trường; (v) Giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch và ngoại giao nhân dân; (vi) Lãnh sự và hỗ trợ cộng đồng.
Việc triển khai các mục tiêu nêu trong Kế hoạch trên sẽ đưa quan hệ Đối tác Chiến lược phát triển toàn diện và thực chất, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển cũng như phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước.
NĐT: Quan hệ Việt Nam - Brazil đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Theo Đại sứ, đâu là những động lực chính thúc đẩy quan hệ hai nước? Và xin Đại sứ khái quát những thành tựu chính trong quan hệ hai nước?
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Quan hệ hai nước đã có những bước phát triển nhanh trong những năm qua, nhất là từ khi hai nước ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2007 nhân chuyến thăm Brazil của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.
Ngay sau đó, kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Lula vào năm 2008 đã thúc đẩy quan hệ hơn nữa mối quan hệ Đối tác Toàn diện. Đặc biệt là hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào tháng 11/2024 trong chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nhìn lại một chặng đường dài, tôi cho rằng động lực chính thúc đẩy sự phát của quan hệ Việt Nam - Brazil chính là việc Chính phủ và nhân dân hai nước ngày càng hiểu biết và tin cậy nhau hơn đồng thời đều coi trọng việc thúc đẩy quan hệ phát triển đi vào chiều sâu và thực chất.
Dù địa lý xa cách nhau, nhưng hai nước vẫn có nhiều điểm đồng, hiểu những thế mạnh của nhau và sử dụng những thế mạnh đó bổ sung cho nhau.
Gắn kết 2 khu vực xích lại gần nhau
NĐT: Việt Nam là thành viên tích cực của ASEAN, còn Brazil là nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ. Theo ông, hai nước có thể đóng vai trò cầu nối như thế nào giữa hai khu vực?
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Phải nói rằng qua chuyển thăm lần này, hai bên càng hiểu rõ hơn về vai trò của Việt Nam trong ASEAN và của Brazil trong Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).
Việc hai nước củng cố, thắt chặt mối quan hệ sẽ đóng vai trò cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với Mercosur, giữa Brazil với ASEAN cũng như giữa hai khu vực.
Đáng chú ý, Tổng thống Lula da Silva đã khẳng định trong nhiệm kỳ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch MERCOSUR (từ tháng 7/2025), Brazil sẽ thúc đẩy một thỏa thuận cân bằng giữa Mercosur với Việt Nam, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil.
NĐT: Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam – Brazil cũng như giũa nhân dân hai nước?
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Nhìn về triển vọng trong vài thập kỷ tới, tôi tin tưởng chắc chắn rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục "đơm hoa kết trái", ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, không những mang lại lợi ích cho hai nước mà còn cho cả hai khu vực Đông Nam Á, Mỹ La-tinh và trên thế giói. Sự tin tưởng này dựa trên ba nhân tố cơ bản sau:
Thứ nhất, hai nước đã thiết lập mối quan hệ Đối tác Chiến lược và được cụ thể hóa bằng Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2025-2030.
Thứ hai, giữa hai nước còn nhiều cơ hội và tiềm năng hợp tác, có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau và tận dụng thế mạnh của nhau cùng phát triển.
Thứ ba, Chính phủ hai nước đang quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ/ngành, giới doanh nghiệp hai nước triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận, văn bản hợp tác đã ký, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.