Dấu ấn chuyển đổi số
Hòa vào dòng chảy của chuyển đổi số quốc gia, năm 2024 với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, công tác chuyển đổi số của tỉnh bứt phá mạnh mẽ, làm thay đổi nhận thức, tư duy, hành động, tạo tiền đề xây dựng kinh tế số, chính quyền số và xã hội số.
Chuyển đổi toàn diện và thực chất
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, không khí rộn ràng khắp các phố phường, dạo quanh một vòng thành phố Sơn La, từ chợ đến các cửa hàng, siêu thị, gặp gỡ và trò chuyện cùng mọi người về dự định chuẩn bị tiền mặt chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, câu trả lời của nhiều người đó là “Tết này nói không với tiền mặt”.
Thanh toán đơn hàng bánh kẹo chỉ với thao tác trên điện thoại trong vài phút, chị Hoàng Thị Dung, phường Chiềng Lề, Thành phố, chia sẻ: Những năm trước, vào dịp tết, nhu cầu tiền mặt để mua sắm rất cao. Vài năm trở lại đây, mọi thứ đã được giải quyết chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh. Hiện nay, mọi cửa hàng, siêu thị đều chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Từ nhà hàng, siêu thị, chợ dân sinh đến quán vỉa hè, đều có mã QR để thanh toán. Lì xì cũng đã có app ngân hàng, ví điện tử kèm theo thiệp chúc online rất đa dạng, đẹp mắt. Mọi thứ đều được thực hiện nhanh gọn, nên tôi không cần mang theo tiền mặt trong người.
Nếu như những năm trước, anh Phan Văn Dương, nhân viên văn phòng đã nhiều lần phải xếp hàng ở ATM để rút tiền tiêu tết, thì năm nay, anh hầu như chỉ thanh toán online qua các ứng dụng Internet Banking, hoặc ví điện tử. Anh Dương, chia sẻ: Ngày nay, sự phát triển của các ứng dụng thanh toán đã giúp người dân không cần tiền mặt vẫn có thể mua sắm tết thông qua mô hình chợ 4.0, hay mua vé tàu, vé xe, máy bay, đặt phòng du lịch online, thậm chí lì xì online.
Chuyển đổi số toàn diện và thực chất đạt được những kết quả tích cực, đó chính là sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ngành trong triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số theo Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hằng năm, Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch hoạt động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số. Đồng thời, tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Sơn La; Hội thảo khoa học về “Chuyển đổi nhận thức và phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nền móng chuyển đổi số tại tỉnh Sơn La”; tổ chức Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La”; triển khai các hoạt động Ngày chuyển đổi số tỉnh Sơn La.
Các lĩnh vực về chuyển đổi số đã được các cấp, các ngành, huyện, thành phố triển khai khá đồng bộ; trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần hiện đại hóa nền hành chính và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 100% các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 17; thành lập Ban chỉ đạo, tổ chuyển đổi số cộng đồng để chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Quyết tâm bứt phá
Kinh tế số là một trong 3 trụ cột của chuyển đổi số được tỉnh ta quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngày 4/5/2024, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 811/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Sơn La năm 2024-2025, với mục tiêu sử dụng các nền tảng số quốc gia sẵn có để tạo hạ tầng nền tảng, đồng bộ, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số nhanh và hiệu quả. Triển khai sử dụng các nền tảng số quốc gia và phát triển các nền tảng số của địa phương để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Tại thành phố, phát triển kinh tế số và xã hội số được triển khai hiệu quả, Thành phố thành lập 792 tổ chuyển đổi số cộng đồng, 52 tổ chuyển đổi số trong các trường học, 2 tổ chuyển đổi số tại Chợ Trung tâm và Chợ 7/11. Các tổ chuyển đổi số đã phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân cài đặt, sử dụng các phần mềm dịch vụ số, như VneID, Sơn La Smart, ví điện tử và tiếp cận dịch vụ công trực tuyến... mang lại hiệu quả tích cực, nâng số lượng người dân hiểu, đăng ký cài đặt, sử dụng các phần mềm dịch vụ số ngày càng nhiều.
Với một địa phương có thế mạnh nông sản như Sơn La, việc livestream bán hàng đã trở thành công cụ hiệu quả để thu hút khách hàng, tăng doanh thu. Từ năm 2021 đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, tổ chức 9 lớp tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm nông sản trên nền tảng mạng xã hội (Tiktok, Zalo, Facebook) và các nền tảng thương mại điện tử trên địa bàn các huyện: Yên Châu, Mộc Châu và thành phố Sơn La. Qua đó, giúp nhiều HTX, nông dân tiếp cận được công nghệ, chủ động tổ chức livestream tại vườn, bán nông sản khá hiệu quả. Nhiều nông dân không chỉ biết bán sản phẩm, mà còn kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin của khách hàng với nông sản địa phương.
Với những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại, Sơn La coi chuyển đổi số là con đường để tăng tốc trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, các nền tảng quản trị số, dữ liệu số kiến thiết cho chuyển đổi số phát triển. Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Sơn La đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia; liên thông, đồng bộ cả 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã.
Đến nay, toàn tỉnh có 2.001 dịch vụ công trực tuyến; trong đó, có 322 dịch vụ công trực tuyến một phần, 1.679 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Duy trì hoạt động của 2.448 tổ chuyển đổi số cộng đồng, với 15.101 thành viên; đã tổ chức hướng dẫn nhân dân kích hoạt thành công 539.304 tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2; tỷ lệ số hộ có điện thoại thông minh đạt 96,36%...
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân tại các vùng đặc biệt khó khăn, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Xây dựng, nâng cấp hoàn thiện các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; thúc đẩy phát triển kinh tế số; đề xuất đưa một số chỉ tiêu quan trọng về chuyển đổi số vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm để giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện.
Những kết quả đã đạt được là động lực để tỉnh ta tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số phù hợp với xu thế, điều kiện và tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV về phát triển tỉnh Sơn La xanh, nhanh và bền vững.