Cuộc chiến thuế quan trị giá 1.400 tỷ USD đầy rủi ro của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Donald Trump đang đứng trước quyết định áp thuế quan toàn diện lên 3 đối tác thương mại hàng đầu là Mexico, Canada và Trung Quốc. Đây được xem là động thái mạnh mẽ nhất của ông trong việc sử dụng thuế quan như một công cụ kinh tế, một chiến lược mà ông từng ca ngợi là 'điều tuyệt vời nhất từng được phát minh'.

Ông Donald Trump phát biểu tại Maryland, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Donald Trump phát biểu tại Maryland, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Việc áp thuế lên 1.400 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu có thể là phép thử lớn nhất đối với cách tiếp cận thương mại của Tổng thống Trump, đồng thời cũng là đặt cược lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông. Chiến lược này có thể ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là chi phí sinh hoạt của người dân. Trong khi ông Trump tin rằng thuế quan là một công cụ đàm phán hữu hiệu, thì nhiều chuyên gia kinh tế lại cảnh báo về những tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Rủi ro của thuế quan đối với nền kinh tế Mỹ

Nhiều chuyên gia nhận định rằng thuế quan của Tổng thống Trump có thể phản tác dụng, khiến giá tiêu dùng tại các cửa hàng tạp hóa tăng cao, gây biến động thị trường chứng khoán hoặc làm giảm việc làm trong một cuộc chiến thương mại toàn diện. Bà Mary Lovely, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, gọi đây là "bàn phản lưới nhà lớn nhất từ trước đến nay". Bà cho rằng chính sách này có thể làm chậm nền kinh tế và gia tăng lạm phát.

Tờ Wall Street Journal cũng chỉ trích mạnh mẽ động thái của ông Trump, gọi đây là "cuộc chiến thương mại dại dột nhất trong lịch sử". Theo bài xã luận của tờ báo này, lý do Tổng thống Trump đưa ra để biện minh cho mức thuế cao đối với hàng hóa của Canada và Mexico là "vô lý", đồng thời cảnh báo về nguy cơ thất bại của chiến lược này.

Thế giới đã thay đổi hơn trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump

Tổng thống Trump từng áp dụng thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên nhưng hầu như không gây ra tình trạng lạm phát đáng lo ngại. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã khác xa so với giai đoạn trước đây. Trong lần này, ông Trump dự định áp thuế lên lượng hàng hóa trị giá 1.400 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với mức 380 tỷ USD trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Thời điểm trước đây, tình trạng lạm phát không phải là vấn đề quá lớn đối với nền kinh tế Mỹ. Nhưng với hiện nay, giá cả tại Mỹ đã tăng cao trong nhiều lĩnh vực, từ thực phẩm đến xe hơi. Người tiêu dùng và các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hiện đang “nhạy cảm” hơn rất nhiều với những biến động giá cả, do đó, tác động từ chính sách thuế quan của ông Trump có thể nghiêm trọng hơn nhiều.

Nguy cơ phản tác dụng với nền kinh tế Mỹ

Nhà Trắng khẳng định mức thuế quan mới của Tổng thống Trump sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng áp thuế lên Canada và Mexico có thể dẫn tới hỗn loạn chuỗi cung ứng, khiến giá cả gia tăng.

Bà Christine McDaniel, cựu quan chức thương mại dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho rằng mức thuế cao tới 25% có thể gây ra "sự tàn phá đối với nền kinh tế Bắc Mỹ, nơi mà Mỹ phụ thuộc vào". Đặc biệt, ngành công nghiệp ô tô có thể chịu ảnh hưởng nặng nề, khi các bộ phận xe hơi phải di chuyển qua biên giới nhiều lần trước khi xe được bán ra thị trường. Theo ước tính của Wolfe Research, giá một chiếc ô tô có thể tăng thêm 3.000 USD do thuế quan.

Áp lực giá cả tại các cửa hàng tạp hóa

Một trong những mối lo ngại lớn nhất từ thuế quan của Tổng thống Trump là tác động đến giá cả hàng hóa thiết yếu. Mexico là nguồn cung cấp trái cây và rau quả nước ngoài lớn nhất cho Mỹ, trong khi Canada dẫn đầu về ngũ cốc, thịt và đường. Nếu mức thuế quan mới được áp dụng, giá cả tại các cửa hàng tạp hóa của nước Mỹ có thể tăng mạnh.

Bà Mary Lovely cho rằng mức thuế quan này chắc chắn sẽ đẩy giá hàng hóa lên cao, đặc biệt là thực phẩm và vật liệu xây dựng. Bà nhận định rằng giá cả có thể không tăng ngay lập tức nhưng sẽ tăng dần theo thời gian, ảnh hưởng đến người tiêu dùng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngoài ra, ngành công nghiệp dầu mỏ cũng đang lo lắng trước nguy cơ giá xăng tăng cao. Canada là nguồn cung cấp dầu nước ngoài lớn nhất của Mỹ, do đó, thuế quan có thể đẩy giá nhiên liệu lên cao, đặc biệt là ở khu vực Great Lakes, Midwest và Rockies. Vì lý do này, Nhà Trắng đã phải giảm thuế đối với năng lượng nhập khẩu từ Canada xuống còn 10% thay vì 25%.

Tác động đến tăng trưởng kinh tế Mỹ

Thuế quan của ông Trump không chỉ ảnh hưởng đến giá cả tiêu dùng mà còn có thể tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo nhà kinh tế trưởng Gregory Daco của tổ chức EY, các mức thuế mới cùng với các biện pháp trả đũa từ Mexico, Canada và Trung Quốc, có thể làm giảm 1,5 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của Mỹ vào năm 2025 và 2,1 điểm phần trăm vào năm 2026.

Ông Daco cảnh báo rằng thuế quan có thể tạo ra "cú sốc đình lạm", tức là sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng, đồng thời gây biến động lớn trên thị trường tài chính.

Nguy cơ Fed tiến hành can thiệp

Một yếu tố quan trọng khác không kém phần quan trọng tác động đến nền kinh tế Mỹ là phản ứng của Fed. Nếu thuế quan có thể khiến lạm phát tăng cao, Fed có thể phải duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn so với những gì được kỳ vọng trước đó. Điều này sẽ gây áp lực lên nền kinh tế và có thể khiến chi tiêu tiêu dùng giảm sút.

Mặc dù, Tổng thống Trump có thể đạt được thỏa thuận vào phút chót để tránh những tác động tiêu cực, nhưng việc tăng thuế quan lên mức cao như vậy đối với nhiều loại hàng hóa vẫn là một nước đi mạo hiểm mà ngay cả ông Trump cũng chưa từng thử trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Ông Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại công ty kiểm toán RSM, cảnh báo rằng "chính quyền đang đùa với lửa" khi triển khai chính sách thuế quan này. Nếu Tổng thống Trump thực sự tiến hành mức thuế quan 1.400 tỷ USD, nền kinh tế Mỹ có thể phải đối mặt với những rủi ro lớn chưa từng có.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cuoc-chien-thue-quan-tri-gia-1400-ty-usd-day-rui-ro-cua-tong-thong-my-donald-trump-20250202213807553.htm