Dấu ấn chuyển mình của thị trường chứng khoán Việt Nam
Năm 2021 là năm đánh dấu sự chuyển mình thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều dấu ấn đậm nét, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng chia sẻ.
Năm đặc biệt
Đánh giá thị trường chứng khoán năm 2021, ông Trần Văn Dũng nhận định, năm 2021 đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của kinh tế xã hội và thị trường chứng khoán cũng không phải là ngoại lệ.
“Cả thị trường phải chuyển sang trạng thái bình thường mới. Ủy ban chứng khoán và các Sở giao dịch đã lên kế hoạch bảo đảm thị trường hoạt động ổn định thông suốt trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi trụ sở của các Sở giao dịch chứng khoán thành viên thị trường bị phong tỏa” - Người đứng đầu Ủy ban chứng khoán nói.
Năm 2021 còn đặc biệt khi thanh khoản của thị trường tăng rất mạnh thâm chí là đột biến khiến hệ thống của Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) bị nghẽn lệnh trong thời gian 6 tháng.
“Những cũng đặc biệt khi chúng ta chứng kiến sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị trong đó có Bộ Tài chính và ngành chứng khoán trong quá trình khắc phục tình trạng nghẽn lệnh của HoSE” – ông Trần Văn Dũng nhấn mạnh.
Năm 2021 thanh khoản thị trường đã tăng 3,6 lần so với năm 2020. Đáng chú ý trong 9 tháng liên tục vào cuối năm thì giá trị giao dịch bình quân của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt trên 23.000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD).
Năm 2020 chỉ số thị trường đã ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt. Đến năm 2021 chỉ số VN-Index lại tiếp tục tạo dấu mốc mới khi đã có lúc vượt trên 1.500 điểm, và kết thúc vào cuối năm VN-Index đã tăng khoảng 35% so với đầu năm 2020.
“Nhìn tổng hòa năm 2021, bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 như ngành hàng không, du lịch, thì các doanh nghiệp niêm yết vẫn phát triển khá tốt, với mức lợi nhuận của toàn ngành là tăng được 33%, và chúng ta cũng nhìn thấy năm 2021 khá thành công về huy động vốn cho cả ngân sách nhà nước lẫn cho doanh nghiệp” - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá.
Theo ông Trần Văn Dũng, thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ, ngân sách nhà nước đã huy động 318.000 tỷ đồng, với mức lãi suất thấp nhất từ trước đến nay (2,9%) và kỳ hạn huy động bình quân dài nhất từ trước đến nay (gần 14 năm).
Đối với các doanh nghiệp thì các công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết trên thị trường nói chung là huy động vốn rất thành công, mức huy động là 2,3 lần so với năm 2020.
Có thể thấy năm 2021 đã năm đánh dấu sự chuyển mình trên thị trường chứng khoán, chúng ta cũng nhìn thấy sự thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), bắt đầu tiến trình cơ cấu lại hoạt động theo hướng chuyên nghiệp.
“Tôi nghĩ rằng với những thành công đã kể, thị trường chứng khoán Việt Nam đã được ghi nhận là một trong những thị trường chứng khoán thành công trên thế giới trong năm 2021” - ông Trần Văn Dũng đánh giá.
Yếu tố thành công
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán Việt Nam có được thành công như đã nêu là nhờ rất nhiều yếu tố.
Trước hết là yếu tố nền tảng, các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam nhờ vào sự chỉ đạo rất là quyết liệt của Đảng, của Chính phủ, trong việc thực hiện mục tiêu kép: “vừa thích ứng, linh hoạt trong chống dịch, vừa củng cố và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của nền kinh tế”
“Theo đó, nền kinh tế của chúng ta cuối năm đã đạt mức tăng trưởng 2,58%, một trong những quốc gia có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới” - người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói.
Dù rất quyết liệt trong công tác điều hành của Chính phủ và của Bộ Tài chính đối với thị trường chứng khoán, nhưng Chính phủ và của Bộ Tài chính vẫn nhất quán điều hành thị trường theo quan điểm “an toàn, hiệu quả trong mọi hoàn cảnh” và ‘tôn trọng quy luật cung-cầu của thị trường” - ông Trần Văn Dũng chia sẻ đồng thời nhận định, đây là một điểm nhấn rất là quan trọng trong chính sách của Bộ Tài chính.
“Cùng với đó, Bộ Tài chính đã ban hành rất sớm các chính sách khuyến khích cho thị trường chứng khoán phát triển, đặc biệt là các chính sách giảm phí giao dịch trên thị trường chứng khoán” - ông Dũng nói.
Nhờ các chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Bộ Tài chính chúng ta đã thực hiện khá thành công việc xây dựng giải pháp thay thế cho hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh trong việc chống nghẽn lệnh và xử lý linh hoạt các tình huống phức tạp, tạo cho thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả - ông Trần Văn Dũng chia sẻ.
Ngoài các yếu tố đã nêu trên, theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn cần nhắc đến Luật Chứng khoán mới chính thức có hiệu lực từ năm 2021.
“Đây là nền tảng để cho Bộ tài chính, Ủy ban chứng khoán nhà nước xử lý các vấn đề trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là việc thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm được nghiêm minh hơn, và chuẩn mực hơn” - ông Trần Văn Dũng nhấn mạnh.
Khẳng định vai trò kênh dẫn vốn trung và dài hạn
Hướng tới năm 2022 và những năm tiếp theo, theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán sẽ được tập trung phát triển theo hướng bền vững, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế, như Nghị quyết của Đảng đã nêu ra.
Theo đó trong năm 2022, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung phát triển thị trường chứng khoán hướng tới mục tiêu bền vững và dài hạn. Cho nên cùng với phát triển về mặt quy mô, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đặt trọng tâm nhiều hơn vào chất lượng và sự bền vững của thị trường.
“Tinh thần dài hạn, bền vững và minh bạch đã được thể hiện trong dự thảo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030 đã được Ủy ban Chứng khoán công bố” - ông Trần Văn Dũng nói.
Đáng chú ý, trong năm 2022, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tập trung “ổn định hoạt động của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam, và bắt đầu tiến trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh theo hướng chuyên nghiệp hóa, theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt và đã được thể hiện trong thông tư của Bộ Tài chính”.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán cũng đặt quyết tâm xây dựng và khai trương được thị trường trái phiếu giao dịch riêng lẻ.
“Như chúng ta đã biết, đây là một thị trường rất là tiềm năng nhưng cũng còn rất nhiều việc phải làm để có thị trường có thể hoạt động ổn định và bền vững. Chúng ta cần phải xử lý, để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư và để phát triển đồng bộ các thị trường tài chính ở Việt Nam” - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán lưu ý.
“Năm 2022 công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Vì đây là yếu tố rất là quan trọng để bảo đảm cho thị trường được hoạt động công khai, minh bạch, công bằng, có kỷ cương, kỷ luật. Đồng thời đây cũng là việc quan trọng để giữ và củng cố được lòng tin của nhà đầu tư ở trong nước cũng như là trên thị trường thế giới” - ông Trần Văn Dũng nhấn mạnh.