Dấu ấn của lòng đồng thuận
Với một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp cùng với thành tựu của nền nông nghiệp công nghệ cao đã được minh chứng thì người dân nông thôn Lâm Đồng luôn ở thế chủ động, sáng tạo và làm chủ thật sự trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM). Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lâm Đồng luôn xác định Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là cơ hội tạo nên sự bứt phá toàn diện trên mọi mặt đời sống nông thôn. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, công cuộc xây dựng NTM ở mảnh đất Nam Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn, in đậm dấu ấn từ sự đồng thuận của lòng dân.
Nông nghiệp nông thôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Xây dựng NTM là nền tảng để phát triển toàn diện, bền vững ngành nông nghiệp, giải quyết căn bản các vấn đề của nông dân, đặc biệt là đối với Lâm Đồng, địa phương có trên 60% dân số sống tại nông thôn và tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 40,3% tổng GRDP. Từ mô hình thí điểm đầu tiên vào năm 2009 tại 11 xã trên toàn quốc, trong đó có xã Tân Hội - huyện Đức Trọng, sau hơn 11 năm triển khai, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 104/111 xã đạt chuẩn NTM (tăng 62 xã so với năm 2015), chiếm tỷ lệ 4% tổng số xã. Cũng đã có 4 huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên đạt chuẩn huyện NTM; thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Đơn Dương đang triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và có sự đồng thuận cao của Nhân dân trong tỉnh. Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều cơ chế, chính sách của Trung ương được tỉnh vận dụng, cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và được người dân triển khai thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh xác định nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và xây dựng NTM là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, tăng thu nhập, giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều phong trào thi đua được tích cực triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó đã huy động được nguồn lực lớn trong Nhân dân và các thành phần kinh tế tham gia xây dựng NTM. Nhiều gương điển hình trong sản xuất giỏi, làm giàu, giảm nghèo bền vững, phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ xuất hiện ngày càng nhiều và đã được nhân rộng.
Xây dựng NTM được xem là một chương trình có quy mô lớn nhất và triển khai đồng bộ nhất trên tất cả các lĩnh vực ở nông thôn Lâm Đồng. Giai đoạn 2010 - 2020 đang chuẩn bị khép lại, đồng thời mở ra một giai đoạn mới hướng tới sự phát triển toàn diện, bền vững.
Sau giai đoạn 2009 - 2015 tạo tiền đề, có thể nói giai đoạn 2016 - 2020, khi chương trình xây dựng NTM chuyển sang thực hiện theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia, trên địa bàn tỉnh đã tạo ra được sự đột phá, với sự thay đổi đồng đều cả về chất lẫn lượng. Người dân nông thôn Lâm Đồng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng năng suất thấp, chấp nhận rủi ro để trồng cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, cùng với đó là mạnh dạn đầu tư để ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Sự thay đổi rõ nét ấy có thể được chứng minh thông qua những con số thống kê. Năng suất lao động tăng rõ nét, đạt 112,2 triệu đồng/lao động/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015; giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích đạt 180 triệu đồng/ha, tăng 33,6 triệu đồng so với năm 2015; tiếp tục khẳng định thế mạnh của địa phương trong lĩnh vực sản xuất NNCNC với 7 vùng quy hoạch sản xuất NNCNC, hơn 10 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp công nghệ cao và 165 chuỗi liên kết với 200 doanh nghiệp, hợp tác xã và 17.000 hộ dân. GRDP bình quân đầu người tăng nhanh từ 46 triệu đồng năm 2015 lên 71 triệu đồng năm 2020, cao hơn so với bình quân chung cả nước.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 6,67% năm 2015 xuống còn 1,35% năm 2020, bình quân giai đoạn giảm 1,0%/năm; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 19,11% xuống còn khoảng 4,8%, bình quân giai đoạn giảm 2,9%.
Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo Đam Rông giảm từ 37,1% cuối năm 2015 xuống còn 7,2% vào cuối năm 2020, bình quân giai đoạn giảm 6%/năm; trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 55,4% xuống còn khoảng 17,5%; bình quân giai đoạn giảm 7,6%. Trong 5 năm 2016 - 2020, bình quân mỗi năm có khoảng 3.100 hộ nghèo thoát nghèo; trong đó, có khoảng 1.800 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.
Cùng với đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người dân nông thôn cũng ngày được nâng cao. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng đồng bộ, phục vụ các hoạt động văn hóa của người dân một cách tốt nhất. Bên cạnh việc đổi mới theo chiều hướng hiện đại, những nét văn hóa nguồn cội của dân tộc Tây Nguyên vẫn được giữ gìn và phát huy. Nhiều địa phương đã biết khai thác giá trị truyền thống làm giàu cho cuộc sống hiện đại thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch ở nông thôn và đưa văn hóa bản địa gốc Tây Nguyên trở thành món ăn tinh thần của nhiều du khách thập phương khi đến với Lâm Đồng.
Bên cạnh sự thay đổi của người dân - chủ thể xây dựng NTM, có thể nói thành công của Lâm Đồng còn có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người trực tiếp làm công tác xây dựng NTM.
Để Nhân dân ủng hộ, đồng lòng vượt qua những khó khăn, thách thức trong xây dựng NTM trong từng giai đoạn cụ thể, đòi hỏi công tác tuyên truyền phải thật sự sâu rộng và đi vào thực chất. Đội ngũ cán bộ thường trực từ tỉnh đến cơ sở đã luôn biết lắng nghe tiếng nói của người dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, trăn trở với nỗi lo của người dân, từ đó mới tìm được nút thắt giải tỏa để tác động đến nhận thức của người dân, giúp họ chuyển biến để đạt đến mục tiêu chung cuối cùng của xây dựng NTM là vì đời sống của người dân.
Đến nay, Lâm Đồng là tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên và nằm trong tốp 10 cả nước trong công tác xây dựng NTM, cũng là tỉnh duy nhất trong toàn quốc thực hiện thí điểm xây dựng huyện NTM Đơn Dương trở thành huyện kiểu mẫu theo hướng nông nghiệp thông minh. Lâm Đồng cũng là 1 trong 26 tỉnh của cả nước không có nợ đọng NTM.
Có thể nói, nông thôn đã có từ bao đời nay, theo dòng chuyển biến của thời gian, phát triển của quê hương, đất nước, nông thôn cũng vì thế mà tự hoàn thiện mình để ngày một khang trang và tươi đẹp hơn. Tuy nhiên, lâu nay sự phát triển là tự phát và vận động theo nhu cầu, chưa có thống nhất về tiêu chí, chưa có sự đồng nhất về khuôn mẫu nên khi chương trình xây dựng NTM áp dụng theo các nhóm tiêu chí mục đích là để trong cái chung vẫn giữ được nét riêng, trong sự đổi thay và làm mới vẫn giữ được nét truyền thống. Mỗi cách làm đều có lợi thế riêng, phù hợp với cách làm của từng vùng, từng địa phương.
Tiêu chí là thước đo về đích, nhưng một xã hội đổi mới, một tỉnh đi đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao với những người dân nông thôn hiện đại, nhạy cảm với thời cuộc như Lâm Đồng thì các tiêu chí luôn đòi hỏi sự hoàn thiện. Đặc biệt là chất lượng đời sống của người dân cả về vật chất lẫn diện mạo tinh thần và tư tưởng phải luôn không ngừng được nâng cao. Đó chính là con đường đi, là đích đến của công cuộc xây dựng NTM tại Lâm Đồng.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202010/dau-an-cua-long-dong-thuan-3025791/