Dấu ấn đảng viên 'Binh đoàn xanh'- Bài 1: Đảng viên tiên phong thực hiện mô hình 'Gắn kết hộ'
Gần 40 năm đứng chân trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng của Binh đoàn 15 - 'Binh đoàn xanh' đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Sự nỗ lực ấy góp phần không nhỏ vào củng cố hệ thống tổ chức đảng, chính quyền địa phương ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và khu vực biên giới vững chắc, đồng thời xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện 'mẫu mực, tiêu biểu'.
18 năm qua, mô hình “Gắn kết hộ” - một sáng kiến đặc sắc của Binh đoàn 15 về công tác dân vận và xây dựng Đảng ở cơ sở - đã giúp nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS thoát nghèo, vươn lên làm giàu, tạo ra mối quan hệ quân dân mật thiết, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và khu vực phòng thủ biên giới vững chắc.
Kết quả đó có đóng góp không nhỏ của các cán bộ, đảng viên ở cơ sở và họ cũng chính là những người tiên phong trong thực hiện mô hình này.
Ia Đal vươn lên từ gian khó
Hơn 10 năm trước, xã Ia Đal (huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) được thành lập trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên, dân số của xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), cách trung tâm TP Kon Tum hơn 100km về phía Tây Nam. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do kinh tế chậm phát triển, cơ sở vật chất chưa được bảo đảm, sản xuất nông nghiệp chưa hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt là các hộ đồng bào DTTS.
Nhớ lại thời điểm khó khăn, anh Bùi Văn Hạnh, dân tộc Mường, công nhân Đội sản xuất số 7, Chi nhánh 716, Binh đoàn 15, kể: “Khi đó, tôi mới hơn 20 tuổi, từ quê hương huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) vào làm công nhân theo chính sách tuyển dụng của Binh đoàn đối với người DTTS. Vì vùng đất mới nên khó khăn lắm, vùng biên giới vắng bóng người, đi lại toàn đường đất, người dân còn rất nghèo.
Sau hơn một năm, tôi lấy vợ người cùng quê, cũng làm công nhân cao su, được Chi nhánh cấp đất, hỗ trợ làm nhà, ổn định cuộc sống. Gia đình tôi cũng kết nghĩa “Gắn kết hộ” với một gia đình người Kinh cùng Chi nhánh để giúp nhau trong lao động và bảo đảm cuộc sống”.
![Lãnh đạo Công ty 715 (Binh đoàn 15) trao đổi, động viên các cặp “Gắn kết hộ”.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_16_51423638/35d1cdfff4b11def44a0.jpg)
Lãnh đạo Công ty 715 (Binh đoàn 15) trao đổi, động viên các cặp “Gắn kết hộ”.
Vừa đảm nhiệm cương vị Trưởng thôn 8, đại biểu HĐND xã Ia Đal, vừa giữ chức Đội trưởng Đội sản xuất số 7, Chi nhánh 716 nên Thiếu tá QNCN Kiều Bá Oanh nắm rất rõ tình hình địa phương cũng như đơn vị mình quản lý.
Trong những năm gần đây, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng các tổ chức chính trị-xã hội, các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn, đời sống của người dân xã Ia Đal đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một số chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào DTTS đã được triển khai, góp phần cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng và nâng cao đời sống của người dân.
Theo anh Oanh, thôn 8 có hơn 100 hộ dân, trong đó 85% là người DTTS, chủ yếu là người Thái và Khơ Mú làm công nhân cao su của Chi nhánh. Đội đảm nhiệm quản lý, khai thác hơn 1.700ha cao su, giáp với 16km đường biên giới nước bạn Campuchia. Nhờ được hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ nên người dân địa phương cũng như công nhân của Đội hiện nay cơ bản đều có điều kiện kinh tế tốt hơn, đời sống được nâng lên, thu nhập bình quân từ 7 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, Thiếu tá QNCN Kiều Bá Oanh được mời tham gia sinh hoạt ở chi bộ ghép của thôn 7, thôn 8 nên những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương đến với công nhân rất kịp thời.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Hoàng Xuân Thắng, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Chi nhánh 716 cho biết, đơn vị đã có nhiều giải pháp để giữ chân người lao động kể cả trong thời điểm kinh tế khó khăn, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, giá mủ cao su xuống thấp, đồng thời tăng cường các đảng viên của đảng bộ, các chi bộ tham gia vận động, tuyên truyền, cùng với địa phương bảo đảm ổn định tình hình chính trị địa bàn, cũng như có biện pháp giúp đỡ cải thiện đời sống kinh tế của nhân dân, người DTTS, để họ gắn bó, yên tâm lao động sản xuất, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới của Binh đoàn.
Biên cương thoát nghèo
Khó có thể kể hết những đóng góp của các đơn vị thuộc Binh đoàn 15 đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, cùng sự thay đổi diện mạo, khởi sắc nông thôn mới, song điều dễ nhận thấy là các địa phương biên giới thuộc huyện Sa Thầy, Ia H'Drai, Ngọc Hồi (Kon Tum); huyện Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai (Gia Lai) đều có sự thay đổi đáng kể về điều kiện kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân, nhất là khi công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận được gắn bó mật thiết giữa địa phương với các công ty.
Có thể kể đến xã Ia Khai (huyện Ia Grai), trước đây, dân số chủ yếu là đồng bào DTTS, với tỷ lệ hơn 50% hộ nghèo, cận nghèo, số lượng đảng viên tại địa phương thấp nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn gặp nhiều khó khăn. Theo đồng chí Nguyễn Mai Lương, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Khai, có 3 đội sản xuất của Công ty 715 đứng chân trên địa bàn xã. Các đội sản xuất đã giải quyết việc làm cho người dân, chủ yếu là đồng bào DTTS và thực hiện tốt mô hình “Gắn kết hộ”, “Kết nghĩa giữa đơn vị sản xuất với làng” giúp nhân dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Địa phương có nhiều đảng viên người DTTS làm công nhân của Công ty 715 và có đảng viên của Công ty về hưu sinh hoạt tại địa phương. Một số cán bộ đội sản xuất về hưu cũng tham gia công tác tại chính quyền xã, do đó tạo hiệu quả lớn về công tác xây dựng Đảng tại cơ sở. Minh chứng rõ nhất là năm 2024, xã Ia Khai đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 47,8 triệu đồng.
Các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới thoát nghèo, có sự đóng góp, tiên phong của những đảng viên là công nhân ở các đội sản xuất và họ cũng tiên phong trong thực hiện, làm tốt mô hình “Gắn kết hộ”. Gia đình chị Rơ Lan H'Dít, công nhân Đội sản xuất số 3 (Công ty 715) ở làng Tung Chrúc, xã Ia Khai cũng nhờ gắn kết hộ với gia đình chị Lê Thị Hằng, đảng viên tiêu biểu xuất sắc 3 năm liền của Chi bộ Đội sản xuất số 3 mà đến nay gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ngoài quản lý vườn cây cao su theo chỉ tiêu Công ty giao, gia đình chị Rơ Lan H'Dít còn có cây cà phê, cây điều để nâng cao thu nhập.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Khuất Bá Cao, Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh Binh đoàn 15 cho biết, mô hình “Gắn kết hộ” ra đời từ năm 2006, xuất phát từ một đảng viên, đội trưởng một đội sản xuất của Công ty 74. Đây là mô hình kết nghĩa giữa hộ công nhân người Kinh với hộ công nhân người DTTS, nhằm trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, chăn nuôi, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.
Các cặp hộ gắn kết “như cây một gốc, như con một nhà”, “no đói có nhau”, “sướng khổ cùng nhau”, góp phần vào sự phát kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng của địa phương; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, Binh đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ.
Thực tế cho thấy, hoạt động “Gắn kết hộ” đã mang lại hiệu quả thiết thực nhiều mặt, cả về chính trị, kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh. Qua giao tiếp hằng ngày, hộ công nhân người Kinh, các đảng viên của chi bộ, đơn vị sẽ là cầu nối chuyển tải những nội dung về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương mà cán bộ đơn vị và địa phương chưa chuyển tải hết đến đồng bào.
Thông qua đó, nâng cao nhận thức, xây dựng cho đồng bào DTTS lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương. Không những giúp nhau trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất được đơn vị giao, các cặp hộ gắn kết còn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau xanh, phá bỏ vườn tạp để trồng cao su, cà phê, hồ tiêu đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhiều hộ đồng bào DTTS không những đã thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, với thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi năm.
Hiện nay, Binh đoàn 15 đang tiếp tục phát triển mô hình thông qua việc xây dựng Câu lạc bộ “Cặp hộ 4 tốt”, hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thu nhập bình quân đầu người đạt mức khá trở lên; tham gia giữ vững an ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh biên giới.
Từ 30 cặp hộ năm 2006, đến cuối năm 2024, Binh đoàn 15 đã có 4.269 cặp “Gắn kết hộ” giữa hộ người Kinh với hộ người DTTS tại chỗ và 100% cán bộ, công nhân đội sản xuất là đảng viên thực hiện mô hình “Gắn kết hộ”.
(còn nữa)