Dấu ấn kinh tế - quốc phòng nhìn từ Tổng công ty Hợp tác kinh tế - Bài 2: Giúp bạn là tự giúp mình (Tiếp theo và hết)

Trong suốt gần 40 năm hình thành và phát triển, Tổng công ty Hợp tác kinh tế (COECCO), Quân khu 4 luôn bám sát chủ trương đúng đắn của Đảng và Quân đội ta: Giúp bạn là tự giúp mình. Đó không đơn thuần là khẩu hiệu, mà là đường lối chiến lược mang tầm nhìn quốc gia, gắn bó chặt chẽ giữa lợi ích kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng và nghĩa tình quốc tế thủy chung, son sắt với nước bạn Lào.

Nghĩa tình không biên giới

Làm kinh tế ở vùng biên giới không giống như bất cứ nơi nào khác. Muốn phát triển bền vững, không thể chỉ đơn thuần xây dựng nhà máy hay mở rộng sản xuất. Đảng ủy, Ban Quản lý điều hành Tổng công ty nhận thức rõ rằng, chìa khóa để phát triển bền vững không chỉ nằm ở những con số kinh tế mà còn ở sự gắn kết chặt chẽ với người dân địa phương, đặc biệt là nhân dân Lào anh em. Ngoài trao các mô hình kinh tế, những người lính COECCO còn bền bỉ hướng dẫn từng hộ gia đình cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi, biến những bất lợi của thiên nhiên vùng biên giới thành cơ hội phát triển. Những dự án trồng cây dong riềng, cây dược liệu, chăn nuôi trâu, bò sinh sản... đã trở thành sinh kế cho hàng nghìn hộ gia đình nơi biên giới khó khăn này. Hủ tục du canh du cư dần được xóa bỏ khi chất lượng cuộc sống của bà con được nâng lên, biên giới ngày thêm ổn định và phát triển.

Trước năm 2008, cụm bản Xẳn Luổng, huyện Khoune, tỉnh Xiangkhouang (Lào) chìm trong đói nghèo triền miên. Những cánh đồng khô cằn, những mái nhà xiêu vẹo lặng lẽ trong sương sớm, cuộc sống của người dân bấp bênh theo từng mùa lúa, mùa ngô. Tỷ lệ hộ nghèo nơi đây chạm ngưỡng 80%, cái nghèo như sợi dây vô hình trói chặt bao thế hệ. Với phương châm “giúp bạn là tự giúp mình”, Đảng ủy Tổng công ty đã chỉ đạo mở rộng hợp tác, đầu tư vào Lào không chỉ dừng lại ở lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản, xây dựng công trình mà còn trực tiếp tham gia vào chương trình phát triển nông nghiệp, hỗ trợ người dân canh tác, thu mua nông sản, xây dựng các cụm bản phát triển.

Anh Phìa Xồng, một người dân bản Xẳn Luổng, xúc động kể: “Từ khi có COECCO về giúp đỡ, bà con chúng tôi có con giống, có cây trồng, có hướng đi đúng đắn để phát triển kinh tế. Gia đình tôi được hỗ trợ nuôi trâu, bò, lợn, gà. Nhờ có máy xay xát, chúng tôi vừa làm kinh tế, vừa tận dụng thức ăn để chăn nuôi. Mỗi năm xuất bán, thu nhập cũng được 100-150 triệu kíp.” Giờ đây, Xẳn Luổng không còn là bản nghèo ngày nào. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5%, nhiều gia đình đã có của ăn của để, thu nhập hàng trăm triệu kíp mỗi năm.

Nhân viên COECCO hướng dẫn bà con nhân dân Lào trồng cây dong riềng.

Nhân viên COECCO hướng dẫn bà con nhân dân Lào trồng cây dong riềng.

Giai đoạn 2005-2015, COECCO được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ khảo sát, lập dự án 12 cụm bản và trực tiếp thi công xây dựng 7 cụm bản phát triển theo chương trình hợp tác xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, ổn định và phát triển toàn diện trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tại các tỉnh Borikhamxay, Xiangkhouang, Xaisomboun (Lào). Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban Quản lý điều hành Tổng công ty đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng; nghiên cứu triển khai phát triển các dự án kinh tế nông nghiệp, dược liệu, xây dựng các nhà máy chế biến nông sản; tổ chức hướng dẫn nhân dân canh tác, thu mua nông sản cho nhân dân, qua đó tạo việc làm, thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân trên các địa bàn. Với sự kết hợp hài hòa giữa vùng nguyên liệu phong phú và hệ thống chế biến đồng bộ, COECCO mở ra một hướng đi triển vọng, góp phần đánh thức tiềm năng to lớn của vùng đất biên giới giàu tài nguyên này.

Thượng tướng Thongloi Silivong, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào khẳng định: “Các dự án COECCO đã đầu tư đạt được hiệu quả hợp tác cao, đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-chính trị-xã hội, ngân sách, tạo được nhiều việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống cho nhân dân. Bên cạnh đó, COECCO đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng, đường sá, trường học, bệnh viện, đồng thời tích cực xây dựng, phát triển các cụm bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo ký kết giữa hai nước. COECCO còn triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội, dân vận, đối ngoại đạt hiệu quả cao. Những kết quả đó đã góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nhà nước”.

Đảng viên trên mặt trận kinh tế

Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi mọi nhiệm vụ trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh. Đảng bộ Tổng công ty đã luôn chăm lo và đặc biệt coi trọng gắn xây dựng Đảng bộ với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có đạo đức, phẩm chất chính trị, vừa có năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đây được coi là khâu quan trọng, xuyên suốt trong mọi cấp, mọi ngành, mọi lực lượng, cả trước mắt và lâu dài. Từ Chi bộ Đảng ngày đầu thành lập với 35 đảng viên, đến nay, COECCO phát triển thành Đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở, có 9 đảng bộ, 10 chi bộ cơ sở; 41 chi bộ trực thuộc, với 678 đảng viên.

Đại tá Phạm Hùng Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tổng công ty Hợp tác kinh tế nhấn mạnh: “Mục tiêu xuyên suốt của COECCO là phát triển kinh tế phải gắn liền với thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; chú trọng công tác dân vận, đối ngoại. Để hoàn thành mục tiêu đó, Đảng ủy, Ban Quản lý điều hành Tổng công ty gắn vai trò, trách nhiệm của Bí thư, cấp ủy với nâng cao chất lượng công tác, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đối ngoại. Mỗi cán bộ, đảng viên đều là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng biên giới Việt-Lào ngày càng giàu đẹp, vững mạnh”.

Nhờ chăm lo xây dựng Đảng, mỗi bước tiến của COECCO đều in đậm dấu ấn của các thế hệ cán bộ, đảng viên là những người lính thời bình mang trong mình tinh thần Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế, thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, phẩm chất dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo. Thế hệ đầu tiên như đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Bí thư Chi bộ, Chỉ huy trưởng Công trường C-85 đã không quản gian khổ, mở tuyến đường dài 26km tại huyện Mahaxay, tỉnh Khammouane (Lào), vừa làm kinh tế, vừa giúp bạn xây dựng hạ tầng dân sinh. Thập niên 1990, khi mở rộng mô hình sản xuất sang khai khoáng, xây lắp, dịch vụ, đội ngũ cán bộ như đồng chí Hoàng Việt, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp và Đậu Thanh Đào, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Thi công xây lắp... đã đưa đội hình bám trụ tại huyện Nhommalath, tỉnh Khammouane, vùng đất biên giới còn đầy rẫy khó khăn, kiên trì từng viên gạch xây dựng nền móng cho hoạt động sản xuất đa ngành hiện nay. Hay gắn với thành công trong giai đoạn 1998-2009 là dấu ấn của đồng chí Đại tá, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Lê Đình Tứ, người đã từ vị trí Giám đốc đến Chủ tịch Hội đồng quản trị, một trong những lãnh đạo đưa ra tầm nhìn xây dựng, triển khai thành công mô hình công ty mẹ-công ty con, tìm ra hướng đi cho xây dựng đề án cụm bản phát triển trên đất nước bạn Lào và có những quyết sách đúng đắn trong triển khai hiệu quả các chương trình đầu tư lớn. Những đảng viên trẻ của giai đoạn sau đã tiếp bước truyền thống, nhiều người trở thành hạt nhân lãnh đạo tại các đơn vị sản xuất, trực tiếp giữ vững kỷ cương, kỷ luật, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh. Trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập COECCO, có 7 cán bộ, đảng viên của COECCO được Đảng, Nhà nước Lào tặng Huân chương Hữu nghị.

Khi bắt tay vào triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu kết hợp chế biến, các cán bộ, đảng viên của COECCO phải đối mặt với những khó khăn như địa hình hiểm trở, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, người dân quen canh tác theo phương thức truyền thống, các hủ tục địa phương. Mỗi sớm mai, trên chiếc xe máy phủ đầy bụi đất đỏ, Đại úy QNCN Trần Bá Khởi (Xí nghiệp Khăng Viêng, Công ty TNHH MTV Phát triển miền núi, COECCO) rong ruổi khắp các bản làng tỉnh Xiangkhouang, cùng đồng đội tận tình, kiên nhẫn hướng dẫn bà con từng kỹ thuật làm đất, gieo trồng, chăm sóc để cây cối sinh trưởng tốt nhất. Xa gia đình, xa quê hương, họ phải đối mặt với cái nắng gay gắt, những cơn mưa rừng bất chợt hay cả những ngày dài di chuyển trên những con đường gập ghềnh, lầy lội. Hơn 10 năm gắn bó với người dân vùng biên giới của Lào, Đại úy QNCN Trần Bá Khởi chia sẻ rằng, ngôn ngữ là một rào cản không nhỏ, nhưng với quyết tâm và tấm lòng nhiệt huyết, các anh em sang đây công tác đều kiên trì học tiếng nói, chữ viết, tìm hiểu rõ hơn phong tục, tập quán của người dân, từ đó tạo được sự tin tưởng và gắn kết.

Thành công của COECCO không chỉ được đo bằng những con số tăng trưởng hay công trình kinh tế mà còn thể hiện ở việc góp phần giữ vững vùng biên giới chiến lược, lan tỏa giá trị của tình hữu nghị đặc biệt Việt-Lào và khẳng định vai trò của kinh tế quốc phòng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là kết quả của một tầm nhìn dài hạn, toàn diện, nhân văn, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong hành trình xây dựng một đất nước phát triển bền vững, hòa bình, hữu nghị và tự cường.

Bài và ảnh: HOA LÊ - TRẦN DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-vung-buoc-duoi-co-dang/dau-an-kinh-te-quoc-phong-nhin-tu-tong-cong-ty-hop-tac-kinh-te-bai-2-giup-ban-la-tu-giup-minh-tiep-theo-va-het-828218