Dấu ấn kinh tế thế giới tuần 19-25/5/2025: Ông Trump lại mang thuế quan ra dọa, trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán mạnh

Một số thông tin kinh tế thế giới đáng chú ý trong tuần từ ngày 19 đến ngày 25/5/2025 do VnEconomy điểm lại...

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters.

Đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác tiếp tục diễn ra, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần qua lại cảnh báo có thể áp thuế quan mạnh tay lên hàng hóa châu Âu. Trong khi đó, việc Mỹ bị hạ điểm tín nhiệm và Hạ viện nước này phê chuẩn dự luật giảm thuế đã dẫn tới một đợt bán tháo mới trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ.

Dưới đây là một số thông tin kinh tế thế giới đáng chú ý trong tuần từ ngày 19 đến ngày 25/5/2025 do VnEconomy điểm lại:

Ông Trump cảnh báo châu Âu và Apple về thuế quan

Ngày 23/5/2025 (thứ Sáu), trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết rằng đàm phán thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) “không đi đến đâu” và Mỹ “thấy rất khó thương lượng với EU”; đồng thời, ông Trump đưa ra ý tưởng “áp thẳng thuế quan 50% lên EU từ ngày 1/6/2025”. Ngày Chủ nhật (25/6), ông Trump cho biết Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã gọi điện cho ông, đề nghị hoãn việc áp thuế quan 50% đến ngày 9/7/2025 và ông đã nhất trí.

Về Apple, ông Trump có một bài đăng trên Truth Social hôm thứ Sáu nói rằng điện thoại iPhone bán ở Mỹ phải được sản xuất ở Mỹ và nếu không, hãng này “phải trả thuế quan ít nhất 25%”.

Hạ viện Mỹ phê chuẩn dự luật giảm thuế, trái phiếu kho bạc Mỹ bị xả

Ngày thứ Sáu (23/5), Hạ viện Mỹ thông qua dự luật thuế và chi tiêu của Đảng Cộng hòa, trong đó gia hạn phần lớn chương trình giảm thuế năm 2017 của ông Trump, tăng một số khoản chi tiêu như Quốc phòng, đồng thời cắt giảm một số khoản chi khác cho phúc lợi xã hội. Dự luật này được cho là có thể khiến nợ công của Mỹ tăng thêm 3-4 nghìn tỷ USD trong vòng 1 thập kỷ tới. Cùng với đó, việc tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s hạ điểm tín nhiệm của Mỹ trước đó một tuần tiếp tục gây lo ngại lớn về triển vọng tài khóa của Chính phủ Mỹ.

Mối lo này khiến giới đầu tư bán mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ trong tuần vừa rồi, nhất là các trái phiếu kỳ hạn dài. Lợi suất của kỳ hạn 30 năm vì thế đã có ba phiên liên tiếp vượt 5%, cao nhất kể từ tháng 11/2023.

Nhật Bản tiến hành vòng đàm phán thương mại thứ ba với Mỹ

Ngày 23/5/2025, Bộ trưởng phụ trách vấn đề phục hồi kinh tế của Nhật Bản, ông Akazawa Ryosei, đã có cuộc gặp với giới chức Mỹ tại Washington để tiến hành vòng đàm phán thương mại thứ ba. Hai bên nhất trí tiếp tục tham vấn chặt chẽ ở mức cao và dự kiến Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba sẽ có cuộc thảo luận sâu hơn với Tổng thống Donald Trump về thương mại và thuế quan khi họ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 tại Canada vào tháng tới.

Phát biểu trước báo giới sau vòng đàm phán, ông Ryosei cho biết đàm phán cần được đẩy mạnh nhưng Nhật Bản không vội vã. Nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nhật và nói rằng đạt một thỏa thuận nhanh chóng không phải là mục tiêu duy nhất.

Trung Quốc tiếp tục nỗ lực kích thích kinh tế dù đạt thỏa thuận hòa hoãn với Mỹ

Hôm thứ Ba (20/5) Trung Quốc hạ một loạt lãi suất chủ chốt và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm về 3% từ 3,1% trước đó. Lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm cũng giảm tương tự, về 3,5% từ 3,6%. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại một số ngân hàng thương mại lớn giảm 0,25 điểm phần trăm.

Các động thái giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nói trên đều nằm trong một gói kích thích kinh tế bằng chính sách tiền tệ mà Bắc Kinh công bố vào đầu tháng 5. Theo giới phân tích, tỷ giá nhân dân tệ phục hồi và ổn định cho phép Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù vậy, họ cho rằng Bắc Kinh vẫn cần mở rộng chính sách tài khóa. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có vẻ không muốn mở rộng hơn nữa chính sách tài khóa khỏi kế hoạch ngân sách đã công bố trong năm nay, nhất là sau khi đã đạt được thỏa thuận “đình chiến” thương mại trong 90 ngày với Mỹ.

Giá xăng ở Mỹ rẻ nhất từ năm 2021

Trong kỳ nghỉ lễ tưởng niệm binh sỹ trận vong của Mỹ (Memorial Day) từ ngày thứ Bảy đến ngày thứ Hai (26/5) - thời điểm khởi động mùa lái xe cao điểm hàng năm ở nước này - người Mỹ được hưởng mức giá xăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Dữ liệu từ nền tảng GasBuddy, giá bán lẻ xăng bình quân toàn quốc ở Mỹ được dự báo ở mức 3,08 USD/gallon, tương đương khoảng 21.240 đồng/lít, vào Lễ Tưởng niệm năm nay. Đó sẽ là giá xăng thấp nhất kể từ đầu mùa hè năm 2021 và thấp hơn so với mức bình quân 3,58 USD/gallon vào cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói, giá xăng rẻ đang là một điểm sáng của nền kinh tế Mỹ, dù chiến tranh thương mại và mối lo về sự suy giảm tăng trưởng đang phủ bóng.

Châu Âu hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế vì thuế quan

Trong dự báo kinh tế mùa xuân hàng năm công bố ngày thứ Hai (19/5), Ủy ban châu Âu (EC) nhận định tổng sản phẩm trong nước (eurozone) của nhóm 20 quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro chỉ tăng trưởng 0,9% trong năm nay, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với mức dự báo tăng 1,3% đưa ra trong báo cáo mùa thu năm 2024. Cơ sở mà EC đưa ra cho việc điều chỉnh dự báo này là sức ép từ chính sách thuế quan khó lường của ông Trump. Dự báo này được đưa ra trước khi ông Trump dọa áp thuế quan 50% lên hàng hóa từ EU.

Nhu cầu “hầm trú ẩn” của giới đầu tư toàn cầu tăng trở lại

Những lời đe dọa mới về thuế quan của ông Trump và mối lo về nợ công và thâm hụt ngân sách của Mỹ đã thúc đẩy nhu cầu nắm giữ tài sản an toàn của nhà đầu tư toàn cầu trong tuần vừa rồi. Giá vàng vì thế đã bứt phá mạnh mẽ trong tuần qua, ghi nhận mức tăng khoảng 5%. Trái lại, đồng USD bị bán mạnh, với chỉ số Dollar Index giảm gần 2% cả tuần.

Hai hãng thép khổng lồ US Steel và Nippon Steel thiết lập quan hệ đối tác

Ngày 23/5/2025, ông Trump tuyên bố hãng thép US Steel của Mỹ và đối tác Nhật Nippon Steel đã thiết lập quan hệ đối tác, theo đó trụ sở của US Steel sẽ giữ nguyên ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania. Ông Trump cho biết vụ bắt tay này sẽ thu hút 14 tỷ USD vốn đầu tư vào Mỹ và tạo ra ít nhất 70.000 việc làm cho người Mỹ. “Phần lớn khoản đầu tư này sẽ được triển khia trong 14 tháng tới”, ông viết trong một bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 23/5.

Trước đó, Nippon Steel đã cố gắng để thâu tóm US Steel, nhưng Tổng thống Joe Biden đã chặn thỏa thuận này trong tuần cuối cùng ông cầm quyền. Việc ngăn US Steel về tay Nippon Steel là một điều hiếm hoi mà ông Trump có chung quan điểm với ông Biden. “Tôi không muốn US Steel rơi vào sở hữu của nước ngoài. Tất cả những gì Nippon Steel có thể làm là đầu tư vào đây”, ông Trump nói.

Mỹ áp thuế quan lên tới hơn 3.500% lên tấm pin mặt trời từ Đông Nam Á

Ngày 20/5/2025, Ủy ban Thương mại Mỹ (ITC) kết luận tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ 4 nước Đông Nam Á gồm Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam gây tổn hại tới các nhà sản xuất Mỹ. Trên cơ sở này, thuế quan với tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ một số nhà sản xuất Campuchia có thể lên mức tối đa 3.521%. Mức thuế quan bình quân là 396% với tấm pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam, 375% đối với Thái Lan và 34% đối với Malaysia.

Kết luận của ITC là một thắng lợi lớn cho các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hoạt động tại Mỹ. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc tăng thuế quan sẽ làm gia tăng chi phí thiết bị năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Đông Nam Á, từ đó gây áp lực lớn tới các công ty phát triển năng lượng tái tạo tại Mỹ.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dau-an-kinh-te-the-gioi-tuan-19-25-5-2025-ong-trump-lai-mang-thue-quan-ra-doa-trai-phieu-kho-bac-my-bi-ban-manh.htm