Dấu ấn mặt nạ Việt Nam tại triển lãm nghệ thuật châu Á ở Ấn Độ
Mặt nạ Việt Nam gây ấn tượng tại triển lãm nghệ thuật châu Á Pratirupa ở Ấn Độ, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa và kết nối di sản khu vực.

Mặt nạ truyền thống Ấn Độ được trưng bày tại triển lãm Pratirupa. (Nguồn: TTXVN)
Từ ngày 12-23/7, triển lãm Pratirupa: Mặt nạ trong sự giao thoa văn hóa châu Á diễn ra tại Bảo tàng Thủ công quốc gia ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ), trưng bày gần 100 mặt nạ nghi lễ và trình diễn đến từ nhiều quốc gia khu vực.
Trong không gian nghệ thuật đa sắc đó, mặt nạ dân gian Việt Nam đã góp phần khắc họa một diện mạo văn hóa riêng biệt, giàu chiều sâu và kết nối.
Không gian kết nối di sản châu Á
Triển lãm Pratirupa là sáng kiến chung của Bảo tàng Thủ công quốc gia Ấn Độ, Bảo tàng Nghệ thuật dân gian và Bộ lạc Purvasha, cùng Trung tâm Nghệ thuật Odi (bang Odisha, miền Đông Ấn Độ).
Với sự quy tụ các tác phẩm đến từ Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Sri Lanka và Myanmar, sự kiện hướng tới việc tái hiện chiều sâu tâm linh, nghi lễ và sân khấu truyền thống đặc trưng của từng nền văn hóa, đồng thời khơi gợi góc nhìn xuyên biên giới về sự tương đồng văn hóa giữa các quốc gia châu Á.

Các mặt nạ truyền thống châu Á được trưng bày tại triển lãm. (Nguồn: TTXVN)
Phát biểu tại lễ khai mạc, Trưởng Ban Văn hóa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Junhi Han nhấn mạnh: “Trong một thế giới đầy chia rẽ, triển lãm này là minh chứng cho sự gắn kết văn hóa sâu sắc của chúng ta. Những chiếc mặt nạ không chỉ là hiện vật văn hóa mà còn là biểu đạt của bản sắc, nghi thức và ký ức”.
Còn theo Giáo sư S.K.K. Basa, Chủ tịch Cơ quan Di tích quốc gia Ấn Độ, triển lãm Pratirupa là bước đi quan trọng trong việc bảo tồn nghệ thuật dân gian và bộ lạc, góp phần gìn giữ di sản phi vật thể của khu vực.
Những biểu tượng vượt thời gian
Mặt nạ là hình thức biểu đạt cổ xưa trong nhiều nền văn hóa châu Á, gắn liền với tín ngưỡng dân gian, trình diễn nghi lễ và sân khấu truyền thống. Trong bộ sưu tập tại triển lãm Pratirupa, người xem bắt gặp một thế giới biểu tượng phong phú – từ mặt nạ con người, linh hồn, quỷ dữ, thần linh đến động vật hay những hình dạng nhân hóa.

Nghệ sĩ biểu diễn với mặt nạ truyền thống Ấn Độ. (Nguồn: TTXVN)
Các mặt nạ được chia thành ba nhóm chính: nhóm mặt nạ thiêng dùng trong nghi lễ để xoa dịu các vị thần; nhóm mặt nạ tổ tiên mang ý nghĩa bảo hộ và gắn kết cộng đồng; và nhóm mặt nạ trình diễn, gắn liền với các hoạt động kể chuyện, sân khấu và lễ hội dân gian. Dù mục đích sử dụng có khác nhau, điểm chung của các mặt nạ là khả năng chuyển tải những lớp nghĩa đa chiều về thế giới quan, nhân sinh quan và thẩm mỹ của mỗi nền văn hóa.
Một điểm đặc sắc khác nằm ở chất liệu và kỹ thuật chế tác. Các nghệ nhân đã sử dụng những vật liệu gần gũi với môi trường sống như gỗ, giấy bồi, tre, đất nung và kim loại, qua đó thể hiện rõ ảnh hưởng của hệ sinh thái tới truyền thống mặt nạ của từng địa phương. Mỗi chiếc mặt nạ không chỉ là kết quả của kỹ năng thủ công tinh xảo, mà còn ẩn chứa tinh thần sáng tạo vượt thời gian.
Dấu ấn Việt Nam
Trong không gian đa dạng của triển lãm, mặt nạ Việt Nam hiện lên với vẻ mộc mạc mà giàu biểu cảm. Tác phẩm “Mặt nạ Lễ hội thu hoạch” đại diện cho văn hóa dân gian Việt, được giới thiệu như một biểu tượng gắn bó mật thiết với đời sống nông nghiệp truyền thống.

Công chúng chụp ảnh tại triển lãm. (Nguồn: TTXVN)
Chiếc mặt nạ được chạm khắc từ gỗ, mô phỏng gương mặt một cụ già với nếp nhăn sâu, thường xuất hiện trong các vở kịch dân gian vào dịp lễ hội mừng mùa màng bội thu.
Ẩn sau những đường nét giản dị là tầng lớp ý nghĩa sâu sắc, đó là hình ảnh của trí tuệ, sự viên mãn và niềm hân hoan, những giá trị nền tảng của cộng đồng nông nghiệp lúa nước Việt Nam.
Sự xuất hiện của mặt nạ Việt Nam tại Pratirupa không chỉ giúp quảng bá văn hóa truyền thống, mà còn mở ra cơ hội giao lưu, đối thoại giữa các nghệ nhân và khán giả quốc tế. Trong dòng chảy chung của nghệ thuật châu Á, chiếc mặt nạ Việt đã góp thêm một giọng nói riêng biệt, chân thực, bình dị mà không kém phần sâu lắng.
Bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản
Bên cạnh việc trưng bày nghệ thuật, Pratirupa còn mang thông điệp mạnh mẽ về bảo tồn và phục hồi các giá trị truyền thống đang dần mai một trong xã hội hiện đại. Trong một thế giới hối hả, nơi những nghề thủ công đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn đang dần bị lãng quên, triển lãm là lời nhắc nhở đầy cảm hứng về tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc văn hóa.

Một góc trưng bày các loại mặt nạ truyền thống của các nước châu Á. (Nguồn: TTXVN)
Pratirupa không đơn thuần là một cuộc trưng bày, mà còn là hành trình kết nối với cội nguồn, khám phá tinh thần dân tộc và mở rộng đối thoại liên văn hóa. Những chiếc mặt nạ dù đến từ bất kỳ quốc gia nào cũng đều góp phần kể nên một câu chuyện chung về nghệ thuật, nhân văn và khát vọng vươn xa của các nền văn hóa châu Á.
Việt Nam, với một dấu ấn nhỏ nhưng ý nghĩa tại sự kiện, tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong bản đồ văn hóa khu vực, nơi mỗi tác phẩm truyền thống đều có thể trở thành nhịp cầu nối những tâm hồn, những câu chuyện và những giá trị vượt thời gian.