Dấu ấn người lính nơi biên cương - Kỳ 1: Biên giới vững, nhà nhà chắc
A Lưới gắn với hình ảnh thành trì biên cương vững chãi và bình yên. Nơi dải đất tiền tiêu của Tổ quốc, Bộ đội Biên phòng ngày đêm cầm chắc tay súng, đồng thời sát cánh cùng người dân địa phương khiến đất 'trở mình' phát triển và 'ươm mầm' thế hệ tương lai.
Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh là lực lượng nòng cốt trong hành trình vượt mọi gian nan, bền bỉ “khơi thông”, tạo chuyển biến trong nhận thức, để đồng bào các dân tộc thiểu số trên dải đất tiền tiêu Tổ quốc phát huy vai trò chủ thể, nội lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, chung sức, đồng lòng cùng xây dựng biên giới Việt – Lào hòa bình, ổn định, hữu nghị đặc biệt, hợp tác và phát triển trong tình hình mới.
“Đòn bẩy” để người dân phát huy vai trò chủ thể
Khi sương núi dần tan trong nắng sớm, chúng tôi theo chân Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy tăng cường xã Trung Sơn và cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân, ông Hồ Văn Ôn, tổ trưởng cùng một số thành viên tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, tuần tra đến cột mốc 646 (thuộc Đồn BPCK Hồng Vân quản lý). Con thuyền đậu bên chân cầu A Lin sẵn sàng nhổ neo. Ngược dòng A Lin tầm gần tiếng đồng hồ, sau đó tiếp tục đi bộ men theo bờ suối gần nửa giờ đồng hồ, mới đến khu vực mốc quốc giới. Cột mốc uy nghi, vững chãi. Cách đường biên, cột mốc xa xa (khoảng cách đúng quy định, không “chen” vào khu vực cấm canh tác) nương sắn, nương chuối, nương ngô…, nối nhau tít tắp, bình yên, khiến những nụ cười nhẹ nhõm.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng và mọi người nhớ lại: Tháng 4/2022, các anh đã hối hả lên cột mốc này, để kiểm tra, và vận động bà con, sau khi nhận thông tin có 7 hộ dân với 17 nhân khẩu dựng lán tạm, sản xuất gần đường biên, cột mốc trong phạm vi cấm canh tác. Lúc đó, cũng những vạt ngô, vạt sắn mơn mởn, phủ xanh triền đồi. Nhưng, diện tích một phần nương rẫy của 7 hộ dân đang sản xuất nơi đây đã vi phạm vào hành lang an toàn thuộc quy định cấm canh tác gần đường biên, cột mốc của hai quốc gia Việt Nam - Lào, khiến ai nấy suy tư trĩu nặng. Người dân đã vô tình vi phạm về xâm canh.
Lúc đó, nắng gay gắt, mồ hôi ướt đầm lưng áo, nhưng bước chân của BĐBP và các thành viên tổ tự quản vẫn dọc theo triền đồi, nương rẫy, tìm gặp người dân canh tác đang trở về nghỉ ngơi tại những túp lán dựng tạm. Bà con “trả lời” sự giải thích của BĐBP về việc canh tác tại khu vực cấm là vi phạm, cần chấm dứt, bằng im lặng. Sự im lặng như một “bức tường”, mà muốn lay chuyển được, không hề dễ. Vậy là, ròng rã thời gian sau đó, Thiếu tá Dũng, Thiếu tá Nguyễn Thanh Thái, Chính trị viên phó; Trung tá Mai Quốc Trung và các đồng đội Đồn BPCK Hồng Vân, nhiều lần lặn lội trở lại khu vực canh tác, tiếp tục kiểm tra, vận động 7 hộ dời hoạt động canh tác ra khỏi khu vực cấm; hướng dẫn bà con nhận biết dấu hiệu đường biên giới Quốc gia để không vi phạm vượt biên, xâm canh, xâm cư sang đất bạn… Đồng thời, nhờ sự phối hợp của già làng Hồ Văn Hạnh, đến nhà “thủ thỉ” với các hộ.
Già làng Hạnh xúc động kể câu chuyện vận động người dân: “Tôi nhắc lại trận lũ lụt lớn cuối năm 2021 khiến chiếc cống trên địa bàn thôn bị ngập; con suối Pa Dứa ngắn, triền đồi dốc, nước đổ về nhanh, chảy xiết, dâng cao, cầu tạm bị cuốn trôi. BĐBP là lực lượng chủ công phối hợp chính quyền và các lực lượng khác bất kể ngày đêm thông cống, “nắn” dòng, kịp cứu nhiều ngôi nhà ven suối, ven cống không bị sập. Tôi nói, mỗi khi nhà dột nát, đồng bào cần, BĐBP không quản đội nắng, đội mưa mà giúp. Tất cả mọi việc mà BĐBP làm đều mang lại sự tốt đẹp cho bà con, thôn, bản, cho cả mảnh đất biên giới này. BĐBP thực hiện nhiệm vụ giữ gìn bảo vệ biên giới bình yên. Biên giới vững thì nhà nhà chúng ta mới chắc. Mỗi người dân muốn nhà chắc, phát triển kinh tế, thì phải chủ động cùng BĐBP bảo vệ biên giới, trong đó chấp hành các quy định là một cách thiết thực. Tôi cùng Thiếu tá Dũng đi lui, đi tới nhà bà con nhiều lần. Cuối cùng, bà con thuận lòng”; vậy là ký cam kết. Bây giờ, cả 7 hộ đã tự nguyện hoàn trả mặt bằng thuộc hành lang an toàn đường biên, lùi diện tích canh tác ra khỏi khu vực cấm, để đảm bảo an ninh biên giới của hai quốc gia.
Trong cuộc gặp gỡ mới đây, tại nhà già làng Hạnh, những người đàn ông, phụ nữ dân tộc Pa Cô, Tà Ôi…, vẫn dáng vẻ lam lũ, vẫn những gương mặt sạm sương nắng, nhưng nụ cười tươi hơn bao giờ hết, lúc tự hào bộc bạch, bản thân họ đang bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới Quốc gia, qua việc chấp hành các quy định khi vào rừng kiếm lâm sản, lên rẫy canh tác…
Theo Đại tá Phạm Tùng Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh, những năm qua, dọc biên giới Việt Nam - Lào trên địa bàn A Lưới, hàng trăm hộ dân đã tự nguyện không canh tác, sản xuất tại khu vực cấm gần đường biên, cột mốc; không khai thác lâm sản trái phép, không qua lại phía bên kia biên giới bất hợp pháp. Họ trở thành cánh tay nối dài, cung cấp kịp thời những tin báo quan trọng, có giá trị, giúp BĐBP phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn khu vực biên giới. Đó là kết quả của biết bao nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm của BĐBP, trong đó 12 phó bí thư đảng ủy tăng cường xã và hơn 100 đảng viên đồn biên phòng (thuộc 4 đồn biên phòng đóng quân trên A Lưới) phụ trách hơn 500 hộ gia đình, lực lượng “cắm bản”, cán bộ các tổ công tác địa bàn, là lực lượng nòng cốt.
“Đồng đội của chúng tôi trên biên giới đã bền bỉ phối hợp với già làng, người có uy tín, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, vận động “khơi thông”, tạo chuyển biến trong nhận thức - “đòn bẩy” để người dân phát huy vai trò chủ thể. Các phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản biên giới; già làng, trưởng bản cùng dòng họ, con cháu đăng ký quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc; thanh niên xung kích bảo vệ đường biên…, được đẩy mạnh. Cùng với những “hạt nhân” là 43 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới/1.712 hộ gia đình, người dân khu vực biên giới ngày càng phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể trong thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” - Đại tá Phạm Tùng Lâm chia sẻ.
Đất “trở mình”
Đại tá Phạm Tùng Lâm nói rằng, để thực hiện chủ trương lớn của Đảng “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh thực hiện nhiều chương trình, đề án giúp đỡ Nhân dân 12 xã biên giới huyện A Lưới; đồng hành, giúp người dân biên giới xóa đói, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ biên giới Tổ quốc. Để công tác tham mưu, phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án ở khu vực biên giới, thời gian qua, BĐBP tỉnh đã rất chú trọng công tác tăng cường cán bộ đồn biên phòng, về 12 xã biên giới huyện A Lưới, giữ chức danh phó bí thư đảng ủy xã, phụ trách quốc phòng - an ninh, tham mưu phát triển kinh tế - xã hội; phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình, tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, tổ dân phố ở khu vực biên giới.
Đó là lực lượng sát cánh cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc; sâu sát, thấu hiểu những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của bà con, để từ đó đã có những tham mưu đúng, trúng, phù hợp khi triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả cao.
Khi dẫn chúng tôi len qua những bờ cỏ hẹp, càng gần đến rẫy ổi của gia đình chị Nguyễn Thị Thỉ ở thôn Pê ây 2 (xã Quảng Nhâm), bước chân Thượng tá Lê Xuân Thanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm; Thượng úy Nguyễn Văn Yên, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng; Thiếu tá Lê Khắc Tấn, cán bộ tổ công tác địa bàn, dường như hăng hái hơn. Các anh nói rằng, dù thường xuyên đồng hành dõi theo, giúp ngày công, giúp kỹ thuật chăm sóc rẫy ổi, nhưng chuyến đi nào cũng đong đầy cảm xúc. Bởi đây là tình cảm, tâm huyết của các đồng đội - mô hình sinh kế Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh tặng gia đình chị Thỉ. CBCS Đồn Biên phòng Nhâm có trách nhiệm tiếp tục “vun trồng”.
Rẫy ổi gần cả nghìn gốc, trải rộng bát ngát triền đồi. Đang cần mẫn làm cỏ, vun gốc, vợ chồng chị Thỉ ngừng tay, nụ cười lấp lánh mồ hôi. “Đã có vụ ổi bói. Khi lần đầu tiên thu hoạch hàng chục kg ổi “no tròn”, mang ra thị trấn A Lưới bán, vợ chồng mình vẫn ngỡ ngàng như trong mơ. Trước đây cứ nghĩ, chỉ biết trỉa lúa, ngô như bà con thôn Pê ây 2 bao đời nay vẫn thế. Bây giờ mình biết cả cách chăm ổi, để những mùa sau cho thu hoạch cao nhất. Cảm ơn BĐBP nhiều lắm” - chị Thỉ lại nở nụ cười.
Theo chân Thượng tá Tạ Khắc Đồng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hương Nguyên; Trung tá Nguyễn Hữu Trí, Chính trị viên phó và Thiếu tá Blup Hữu Bảy, Phó bí thư Đảng ủy xã A Roàng đến thăm những hộ nghèo ở thôn A Roàng 1, được CBCS đơn vị hỗ trợ mô hình sinh kế, hỗ trợ kỹ thuật, sát cánh trong hành trình vươn lên, chúng tôi ấn tượng bởi những cái nắm tay thật chặt, tình cảm của anh A Viết Tách, chị Ploong Thị Loan…, dành cho BĐBP.
“Gia đình tôi bây giờ có đàn bò 5 con, có 2 ao cá, có rừng keo tràm. Trong thôn có không ít hộ nhân được đàn dê vài chục con cùng vài ha keo tràm gần đến kỳ thu hoạch. Bản thân tôi và nhiều bà con bây giờ tự tin, chủ động, biết vạch ra hướng làm kinh tế phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng, thời tiết của địa phương” - anh A Viết Tách bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, bây giờ dải đất biên giới đã và đang “trở mình” ngày càng mạnh mẽ bởi những mô hình chuối, mít thái, bưởi da xanh, ổi, thanh long đỏ..., những vườn sâm Bố Chính và các loại dược liệu giá trị kinh tế cao. Đồng bào DTTS ở các xã biên giới huyện miền núi A Lưới đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Người dân biên giới đã phát huy được sức mạnh nội lực, đó chính là sức mạnh “gốc rễ” bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sự đổi thay, chuyển biến trong nhận thức và hành động của bà con, có “dấu ấn” sâu sắc của BĐBP, những người lính mang quân hàm xanh, hết lòng vì sự vững chãi nơi thành trì biên cương.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh - Hà Lê
(Còn nữa)
Kỳ 2: “Ươm mầm” ở miền biên