Dấu ấn nổi bật nông nghiệp xứ Thanh

Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nông nghiệp Thanh Hóa 'cán đích' năm 2024 với hàng loạt dấu ấn. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa Cao Văn Cường, những kết quả đó chính là tín hiệu vui trong lộ trình phát triển nền nông nghiệp hiện đại, theo xu thế và yêu cầu thực tiễn.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh kiểm tra, trao đổi với đồng bào thôn 12 xã Lam Sơn (Ngọc Lặc) về xây dựng tiêu chí môi trường trong NTM kiểu mẫu.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh kiểm tra, trao đổi với đồng bào thôn 12 xã Lam Sơn (Ngọc Lặc) về xây dựng tiêu chí môi trường trong NTM kiểu mẫu.

Thêm những dấu mốc mới

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh nhà, năm 2024 không thể không kể đến sự kiện lần đầu tiên Thanh Hóa có đơn hàng xuất khẩu gạo trực tiếp. Đây chính là dấu mốc mới của ngành trồng trọt ở tỉnh có diện tích trồng lúa lớn bậc nhất miền Trung cũng như các tỉnh phía Bắc. Trong tháng 11 vừa qua, Công ty CP Mía đường Lam Sơn ký được đơn hàng đưa lô hàng gần 300 tấn gạo xuất sang thị trường Singapore. Đây là dòng sản phẩm gạo Japonica J02, được sản xuất từ giống lúa thuần có nguồn gốc Nhật Bản, trồng theo quy trình nông nghiệp công nghệ hiện đại, tiêu chuẩn VietGAP. Sự kiện được đánh giá có ý nghĩa rất lớn bởi gạo là sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Thanh Hóa - địa phương có tới 230.000ha lúa, chiếm phần lớn trong tổng sản lượng lương thực luôn duy trì khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Đáng nói, chuyến hàng xuất khẩu chính ngạch 300 tấn này chỉ là một phần nhỏ của đơn hàng 35.000 tấn mà doanh nghiệp đã ký với đối tác, sẽ được xuất tiếp trong thời gian tới. Theo dự kiến, những lô gạo tiếp theo sẽ được đối tác là Công ty Kematsu của Nhật Bản xuất sang các thị trường khó tính khác là Australia và Nhật Bản.

Ngành lâm nghiệp cũng ghi nhận thành công mới là bán được tín chỉ Carbon rừng với 393.361ha, thu được gần 200 tỷ đồng trong năm 2024. Đây là nỗ lực trong nhiều năm của ngành và người trồng rừng để sản xuất, chăm sóc theo các tiêu chuẩn khắt khe quốc tế. Cùng với đó, các mô hình trồng trọt theo hướng xanh, giảm phát thải cũng được các doanh nghiệp, các địa phương và nông dân chú trọng. Điển hình nhất là những ngày cuối tháng 12/2024 này, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản triển khai dự án giảm phát thải carbon cho vùng nguyên liệu mía. Theo đó, hai doanh nghiệp Nhật Bản sẽ cùng Công ty CP Mía đường Lam Sơn triển khai dự án theo phương pháp cải thiện, quản lý đất nông nghiệp nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất mía, đồng thời, tăng trữ lượng carbon trong đất. Bắt đầu từ năm 2025, dự án sẽ được triển khai thử nghiệm trên diện tích 500ha, sau đó sẽ chính thức hoạt động thương mại từ năm 2026 và mở rộng quy mô lên 8.000ha. Sự kiện này không chỉ mở ra hướng phát triển mới mà còn thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững cho nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Sau nhiều năm tổ chức, năm 2024, Hội nghị kết nối cung - cầu và trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa được tổ chức vào tháng 10 vừa qua đã ghi nhận những con số kỷ lục. Lần đầu tiên ghi nhận số chủ thể tham gia đến 260 gian hàng với hàng trăm chủng loại sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền. Sau 5 ngày tổ chức, sự kiện đã thu hút tới hơn 18.500 lượt khách tham quan, mua sắm, đem về tổng doanh thu cho các chủ thể khoảng 18,5 tỷ đồng và nhiều hợp đồng tiêu thụ lâu dài được ký kết.

Trong áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp, ngoài nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, năm qua, Thanh Hóa đã được công nhận thêm và đưa vào cơ cấu sản xuất 3 giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao. Đó là giống lúa lai 2 dòng TBH222; 2 giống lúa lai 3 dòng là KH9C16 và TB456. Thành công này góp phần đưa số liệu lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã nghiên cứu, chọn tạo thành công 12 giống lúa, du nhập, khảo nghiệm 6 giống mía mới có năng suất, chữ đường cao; phục tráng 5 loại cây trồng tại địa phương là lúa nếp hạt cau, nếp cẩm; bưởi Luận Văn; cam Vân Du; quýt vòi; mía Kim Tân. Đồng thời, ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống cây trồng sạch bệnh; hoa đồng tiền, hoa lan, mía, chuối tiêu...

Năm qua, Sở NN&PTNT Thanh Hóa cũng để lại dấu ấn trong kiện toàn, tinh giản bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sở đã tiến hành sáp nhập thành công 3 ban quản lý cảng cá: Lạch Bạng, Lạch Hới và Hòa Lộc thành Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa theo hướng gọn nhẹ nhưng vẫn bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. Đoàn Quy hoạch và Thiết kế thủy lợi Thanh Hóa cũng được sáp nhập cùng Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh để giảm đầu mối đơn vị trực thuộc sở. “Đây là việc làm mang tính chủ động của sở để giảm đầu mối, tuy chưa có chỉ đạo cụ thể từ cấp trên” - Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Cường nhấn mạnh.

Vượt các chỉ tiêu, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại

Năm 2024, thiên tai đã gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp; gây sạt lở, hư hỏng các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, nhà ở tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong chăn nuôi, tình hình dịch bệnh trên cả nước vẫn phức tạp, đặc biệt là 4 tỉnh giáp ranh với Thanh Hóa đều có dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn, bệnh dại trên chó mèo, nhưng Thanh Hóa đã kiểm soát tốt. Với sự chủ động và linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh và ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, hầu hết các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp đều đạt và vượt.

Mô hình trồng hoa lan theo hướng tuần hoàn không rác thải cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Thọ Diên (Thọ Xuân).

Mô hình trồng hoa lan theo hướng tuần hoàn không rác thải cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Thọ Diên (Thọ Xuân).

Sản xuất trồng trọt đạt giá trị sản phẩm thu được là 125 triệu đồng/ha, tăng 5 triệu đồng/ha so với năm 2023. Các loại cây trồng chính tiếp tục được mùa, năng suất lúa trung bình đạt 61,3 tạ/ha tăng 1 tạ/ha so với kế hoạch. Trong năm, toàn tỉnh chuyển đổi linh hoạt 1.578,2ha đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp, đạt 101,3% kế hoạch (KH). Đến nay, Thanh Hóa có 109 mã số vùng trồng trên các đối tượng cây lúa, cây ăn quả, rau màu..., tăng 40 mã số vùng trồng so với cùng kỳ. Toàn tỉnh tiếp tục duy trì các vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích trên 80.000ha. Đồng thời, duy trì và phát triển các vùng cây trồng thâm canh, vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả, giá trị cao, như lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao 150.000ha, ngô thâm canh 20.000ha, mía thâm canh 12.000ha, rau an toàn 14.000ha, hoa cây cảnh công nghệ cao 420ha, cây ăn quả tập trung 14.500ha, cây thức ăn chăn nuôi 18.500ha.

Lĩnh vực thủy sản tiếp tục phát triển đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng thủy sản gắn với chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 219.702 tấn, vượt 3,1% kế hoạch, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Riêng nuôi trồng, tỉnh tiếp tục triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng công nghệ cao, nuôi trong nhà màng, nhà lưới với diện tích nuôi khoảng 220ha, tăng 50ha so với năm 2023.

Cùng với những thành công trong lĩnh vực chăn nuôi và lâm nghiệp, đã đưa hầu hết chỉ tiêu của ngành đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành (VA) đạt 4,31% (vượt 1,31% KH). Sản lượng lương thực năm 2024 đạt gần 1,56 triệu tấn. Diện tích tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đạt 6.568,9ha (vượt 6,2% KH). Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 53,86% (vượt 0,06% KH). Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 98% (đạt 100% KH)...

Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo quyết liệt, với những kết quả to lớn. Năm 2024, toàn tỉnh có thêm 2 huyện, 17 xã đạt chuẩn NTM; 2 huyện và 33 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP. Lũy kế đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 377/465 xã, 803 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 2 huyện, 123 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 27 xã, 558 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 597 sản phẩm OCOP đã được công nhận, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 60 sản phẩm 4 sao, 536 sản phẩm 3 sao. Chương trình đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ và đi vào chiều sâu về chất với nhiều cách làm sáng tạo, đưa Thanh Hóa tiếp tục là một trong những tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu trong cả nước về XDNTM. Nổi bật nhất và là điểm sáng của cả nước là phong trào hiến đất, đóng góp trong XDNTM.

Theo tư lệnh ngành nông nghiệp tỉnh nhà, “gần đây đang ghi nhận một xu thế là các hộ dân, tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp đã quan tâm chuyển từ sản lượng sang giá trị trong nông nghiệp. Thay vì sản xuất thứ đang có, ngành và các chủ thể đã chuyển dần sang sản xuất thứ thị trường cần. Đồng thời hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất tuần hoàn, đa giá trị, hướng tới xuất khẩu. Nhiều mô hình, vùng sản xuất nông sản sạch, sản phẩm đặc sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát thải carbon thấp đã ra đời, như: Lúa nếp Cay Nọi 770ha, lúa nếp hạt cau 890ha, lúa - cá 244ha, lúa - rươi 8ha, cam Vân Du 170ha, bưởi Luận Văn 56ha, vải Ngọc 47ha, sản xuất lúa theo hướng giảm phát thải, tạo tín chỉ carbon 90ha. Ngành đã xác định một số nhiệm vụ để phát triển nông nghiệp hiện đại như xây dựng vùng sản xuất trọng tâm của từng lĩnh vực, tăng cường kêu gọi doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...”.

Bài và ảnh: Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dau-an-noi-bat-nong-nghiep-xu-thanh-234805.htm