Dấu ấn phát triển kinh tế ở Chợ Mới
Những năm qua, huyện Chợ Mới đã thực hiện nhiều giải pháp để chuyển biến tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định vai trò là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh.
Huyện Chợ Mới có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Trên địa bàn huyện có các tuyến huyết mạch qua địa bàn như Quốc lộ 3, đường BOT Thái Nguyên – Chợ Mới. Giao thông thuận lợi giúp huyện kết nối giao thương dễ dàng hơn với các tỉnh, thành phố có nền kinh tế phát triển năng động như: Thái Nguyên, Hà Nội.
Huyện Chợ Mới còn có Khu Công nghiệp Thanh Bình- khu công nghiệp duy nhất của tỉnh cho đến thời điểm này, với 10 dự án đang hoạt động sản xuất ổn định. Ngoài ra, huyện còn có 04 cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch của tỉnh với tổng diện tích 209,4ha. Huyện đang đề xuất trình UBND tỉnh bổ sung 02 cụm công nghiệp (Thanh Mai, Thanh Vận) vào Phương án phát triển cụm công nghiệp và tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Có thể thấy, sau 25 năm thành lập, huyện Chợ Mới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm.
Lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước phát triển bền vững theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tại các địa phương trong huyện dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhiều diện tích cây trồng được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP. Các loại cây đặc sản có thế mạnh của địa phương như: Chè Shan tuyết, chè trung du, cây dược liệu (quế, hồi), cây ăn quả (cam, quýt, mơ)... tiếp tục được mở rộng, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác trồng rừng luôn được quan tâm, chỉ đạo, bình quân hằng năm diện tích trồng rừng trên 1.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 74,1%.
Đến nay, huyện Chợ Mới có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt trung bình từ 11 - 13 tiêu chí. Để phát triển kinh tế tập thể và kinh tế hộ, huyện tích cực triển khai có hiệu quả Đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm". Đến nay, Chợ Mới có 23 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh.
Phát huy lợi thế trong lĩnh vực công nghiệp, huyện chú trọng khuyến khích thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh vào địa bàn. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến nông - lâm sản, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng từ 39 tỷ đồng năm 2019 lên hơn 474 tỷ đồng năm 2022. Trên địa bàn huyện hiện có 265 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động. Thương mại, dịch vụ có bước phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 đạt trên 844 tỷ đồng, tăng 30 lần so với năm đầu thành lập huyện.
Công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển các điểm có lợi thế du lịch được quan tâm thực hiện. Huyện có 02 điểm di tích lịch sử văn hóa là Đền Thắm và Chùa Thạch Long, thu hút đông đảo du khách tham quan vào các dịp lễ, Tết.
Tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện trong 25 năm qua đạt trên 2.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, nhà văn hóa xã, thôn, tổ phố. Việc đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước đổi mới bộ mặt đô thị, nông thôn và phục vụ nhu cầu dân sinh.
Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào Khu Công nghiệp Thanh Bình. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu thu hút khoảng 20 dự án đầu tư mới vào Khu Công nghiệp này với tổng vốn đăng ký hơn 2.150 tỷ đồng. Khi đó, Chợ Mới sẽ hưởng lợi nhiều hơn nữa những lợi ích mà Khu Công nghiệp Thanh Bình đem lại, tạo đà để phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/dau-an-phat-trien-kinh-te-o-cho-moi-post55256.html