Dấu ấn phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Cam Lộ

Những năm qua, phong trào 'Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững' được các cấp Hội Nông dân huyện Cam Lộ tập trung tổ chức triển khai hiệu quả, gắn với thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về 'Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương, giai đoạn 2016-2020'. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, với nhiều cách làm hay có sức lan tỏa mạnh mẽ về hỗ trợ, giúp đỡ, truyền cảm hứng cho nhiều gia đình nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Phát triển cây dược liệu cà gai leo mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Cam Lộ. Ảnh: N.T.H

Phát triển cây dược liệu cà gai leo mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Cam Lộ. Ảnh: N.T.H

Ông Hoàng Ngọc Rạng, ở thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu là hội viên nông dân đi đầu xây dựng mô hình chăn nuôi trâu thâm canh khác lạ chưa ai làm. Trên diện tích khoảng 150 m2 , được sự hỗ trợ một phần vốn vay của Hội Nông dân, ông Rạng đầu tư 500 triệu đồng xây 2 dãy chuồng, 1 kho chứa thức ăn để nuôi 20 -30 con trâu/ đợt, theo hình thức vỗ béo.

Khác với cách chăn nuôi truyền thống, ông Rạng cho trâu nghe nhạc, ăn bã bia, tắm phun sương hằng ngày. Mỗi con trâu nuôi theo hình thức này sau 3 tháng là có thể xuất bán với giá từ 40-60 triệu đồng, cho lãi bình quân hơn 5 triệu đồng/con. Từ mô hình chăn nuôi hiệu quả cao này, nhiều người đã tìm đến tham quan, học tập nhân rộng, mở ra hướng đi mới thúc đẩy ngành chăn nuôi địa phương phát triển.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, thời gian qua nông dân Cam Lộ chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại, thâm canh bán công nghiệp, chăn nuôi theo hướng gia công, gắn với an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, liên kết theo chuỗi giá trị.

Nhiều mô hình liên kết chăn nuôi lợn, gà, dê nhốt chuồng, bò vỗ béo, nuôi lợn rừng, bồ câu Pháp… mang lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác được lợi thế đất đai, thức ăn chăn nuôi vùng trung du, gò đồi của huyện. Đặc biệt, mô hình nuôi dê nhốt chuồng phát triển mạnh.

Đến nay toàn huyện có khoảng trên 200 hộ gia đình chăn nuôi dê với số lượng khoảng gần 5.000 con. Để tạo điều kiện cho nông dân phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng hiệu quả, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, vận động thành lập 3 tổ hợp tác liên kết, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc dê và xây dựng thương hiệu, đầu ra sản phẩm… Từ mô hình chăn nuôi dê mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, có thu nhập từ 200-300 triệu đồng mỗi năm.

Thực hiện mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hội viên, nông dân trong toàn huyện tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất quy mô tập trung theo quy hoạch vùng, sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, phát triển cây dược liệu... góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Hội viên nông dân ở xã Cam Hiếu và xã Thanh An tham gia xây dựng cánh đồng mẫu trồng lúa sạch, lúa hữu cơ, với diện tích 62 ha lúa sạch, 32,2 ha lúa hữu cơ; đưa cơ giới vào sản xuất đồng bộ, bước đầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chương trình OCOP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Nông dân các xã, thị trấn cũng mạnh dạn đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây trồng mới như cây dược liệu an xoa, chè vằng, cà gai leo, sắn dây, tinh bột nghệ, tràm năm gân..., góp phần chuyển đổi cơ cấy cây trồng, nâng cao hiệu quả giá trị trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp cũng như định hướng xây dựng huyện Cam Lộ trở thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn huyện đã trồng được hơn 200 ha cây dược liệu các loại.

Trong đó, một số cây như an xoa, tràm năm gân, chè vằng, cà gai leo đã cho hiệu quả khá cao. Một số sản phẩm cao dược liệu của nông dân đã xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Để tạo điều kiện cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất, Hội Nông dân huyện Cam Lộ đã tranh thủ nhiều nguồn lực từ Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, các chương trình, dự án, nguồn vốn vay của các ngân hàng cho hội viên vay với lãi suất ưu đãi đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế. Trong nhiệm kỳ đã xây dựng được hơn 540 triệu đồng Quỹ hỗ trợ nông dân huyện, nâng tổng nguồn vốn lên gần 1,2 tỉ đồng; cho 48 dự án với 49 hộ vay, tổng dư nợ hơn 1,1 tỉ đồng.

Ngoài ra, hội tín chấp Quỹ hỗ trợ nông dân nguồn trung ương, tỉnh, xây dựng mô hình cho 56 hộ ở 6 xã với dư nợ 2,55 tỉ đồng; các ngân hàng cho vay với tổng dư nợ hơn 350 tỉ đồng. Qua bình xét trung bình có 2.813 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi/năm; đến cuối nhiệm kỳ có 3.477 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (đạt 51,4% so với hộ hội viên nông dân), tăng 882 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi so với đầu nhiệm kỳ. Có 86 hộ hội viên thoát nghèo bền vững, giảm số hộ nghèo của hội chỉ còn 28 hộ, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của toàn huyện còn 2,62%.

Có thể khẳng định, những nỗ lực của các cấp Hội Nông dân huyện Cam Lộ hỗ trợ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã truyền cảm hứng và khát vọng bứt phá mạnh mẽ cho hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Dấu ấn nổi bật là đang từng bước xây dựng huyện Cam Lộ trở thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh, thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của toàn huyện.

Khánh Ngọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/lao-dong/dau-an-phong-trao-nong-dan-thi-dua-san-xuat-kinh-doanh-gioi-o-cam-lo/176590.htm