Dấu ấn quan trọng đối với phong trào Hợp tác xã của Việt Nam

BHG - Ngay sau Cách mạng Tháng 8 thành công năm 1945, ngày 11.4.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia Hợp tác xã nông nghiệp. Trong thư Bác Hồ viết:“Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc... nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”; “nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có Hợp tác xã”; “... Hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”. Trong thư, Người kêu gọi: “Hỡi đồng bào điền chủ nông gia, anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên Hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi; từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có Hợp tác xã”.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lò Thị Mỷ vận động hộ thành viên thị trấn Yên Minh (Yên Minh) nuôi ong. Ảnh: Lan Hương

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lò Thị Mỷ vận động hộ thành viên thị trấn Yên Minh (Yên Minh) nuôi ong. Ảnh: Lan Hương

Ngày 11.4.1964, Bác Hồ gửi thư cho Đại hội Hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, khen ngợi những Hợp tác xã điển hình tiên tiến, và yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo các Hợp tác xã nông nghiệp phát triển. Trong thư Bác nêu một số ý kiến: Ra sức củng cố và phát triển Hợp tác xã nông nghiệp. Hiện nay ở miền núi và trung du mới có gần 30% Hợp tác xã khá. Chúng ta phải phấn đấu làm cho tất cả Hợp tác xã đều khá. Các khu, tỉnh, huyện, xã, Hợp tác xã cần có phương hướng sản xuất đúng: Về lúa: Hết sức chú ý thâm canh ruộng lúa nước để có năng suất cao, đồng thời làm tốt thủy lợi để tăng vụ. Giảm dần lúa nương và lúa đồi vì năng suất quá thấp mà lại gây ra xói mòn.

Về màu: Chú trọng tăng diện tích, nhưng cũng hết sức chú trọng thâm canh để tăng năng suất ngô, khoai, sắn, v.v... Đồng thời chú trọng chế biến hoa màu và vận động nhân dân ăn độn để tiết kiệm gạo.

Về cây công nghiệp: Khả năng trồng cây công nghiệp rất lớn. Phải trồng thật nhiều gai, trẩu, sở, chè, hồi, cây màng tang, đỗ tương, lạc, mía, v.v. Các thứ này dân ta cần nhiều và xuất khẩu cũng được tiền. Phải trồng thêm nhiều cây ăn quả.

Về chăn nuôi: Phải đẩy mạnh chăn nuôi vì ở miền núi và trung du có nhiều điều kiện thuận lợi. Không những chú ý chăn nuôi lợn mà lại phải hết sức chú ý chăn nuôi trâu, bò, ngựa, dê, ong, v.v. Một số nơi cần vắt sữa bò, sữa trâu để dùng như Hợp tác xã Cao Đa đã làm.

Về bảo vệ rừng: Hợp tác xã nào cũng phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng. Nếu rừng kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán. Vì vậy đồng bào miền núi và trung du cũng như đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế ở đây phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình.

Các việc đó cần làm cho tốt và muốn làm tốt thì: Hợp tác xã phải được củng cố, tức là làm cho xã viên có tinh thần làm chủ, làm cho quản trị được vững vàng và có năng lực, phải thực hành dân chủ, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, phải đoàn kết chặt chẽ trong hợp tác, làm tốt công tác cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và không ngừng nâng cao trình độ chính trị và văn hóa cho cán bộ và xã viên; Các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ muôn người như một, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Chú trọng giúp đỡ đồng bào vùng cao và làm tốt công tác an ninh trật tự, củng cố quốc phòng; Việc đón tiếp đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế miền núi phải làm cho tốt: phải nêu cao tinh thần giúp đỡ lẫn nhau và học tập lẫn nhau. Đồng bào miền xuôi lên phải đoàn kết chặt chẽ với đồng bào địa phương mình đến, phải gương mẫu trong mọi việc; Chi bộ phải được củng cố và tăng cường, tức là làm cho mọi đảng viên có tư tưởng xã hội chủ nghĩa cao, có đạo đức cách mạng, có năng lực quản lý kinh tế. Chi đoàn thanh niên lao động phải hăng hái làm đầu tàu trong mọi công tác của Hợp tác xã.

Như vậy, ngày 11.4 là ngày đánh dấu 2 sự kiện quan trọng đối với phong trào Hợp tác xã của Việt Nam, trên cơ sở đề nghị của Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1268/QĐ-TTg ngày 27.7.2011, lấy ngày 11.4 hàng năm là Ngày Hợp tác xã Việt Nam.

Tính đến 31.3.2023, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 805 Hợp tác xã và 10 Quỹ tín dụng nhân dân. Trong đó, số Hợp tác xã đang hoạt động 629, chiếm 78,13 % tổng số Hợp tác xã hiện có; số Hợp tác xã ngừng hoạt động, hoặc chờ giải thể 176 Hợp tác xã, chiếm 21,87%.

Trong năm 2022, số Hợp tác xã thành lập mới là 51. Trong đó, thành lập mới 39 Hợp tác xã nông nghiệp; phi nông nghiệp 12 Hợp tác xã; số Hợp tác xã giải thể năm 2022 là 14, số Hợp tác xã thành lập mới tập trung chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có sự vận động, hỗ trợ của các địa phương theo chủ trương, chính sách phát triển sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới.

Lò Thị Mỷ (Liên minh Hợp tác xã tỉnh)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202304/dau-an-quan-trong-doi-voi-phong-trao-hop-tac-xa-cua-viet-nam-c0273f4/