Dấu ấn Quảng Ninh - Top 3 địa phương dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số
Là tỉnh top 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số, thời gian qua, không chỉ nền kinh tế số mà nhiều mặt đời sống xã hội của người dân Quảng Ninh thay đổi đáng kể.
Những bước nhảy vọt trong quá trình số hóa của Quảng Ninh
Theo kết quả đánh giá, xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh - DTI năm 2022 được Bộ TT&TT công bố vào tháng 7/2023, Quảng Ninh vươn lên đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng ở khối địa phương, chỉ đứng sau Đà Nẵng và TP.HCM.
Cụ thể, với điểm số DTI đạt 0,7024 (tăng 0,2052 điểm so với năm 2021), Quảng Ninh đã vươn lên đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2022 ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 4 bậc so với năm 2021.
Ở trụ cột chính quyền số, Quảng Ninh đạt 0,7804, tăng 0,1428 điểm so với năm 2021, tăng 0,2511 điểm so với năm 2020, vươn lên xếp hạng 4, tăng 1 bậc so với năm 2021.
Ở trụ cột kinh tế số, tỉnh đạt 0,7187 điểm, tăng 0,2209 điểm so với năm 2021, tăng 0,4159 điểm so với năm 2020, vươn lên xếp hạng 9, tăng 5 bậc so với năm trước đó. Ở trụ cột xã hội số, tỉnh đạt 0,6864 điểm, tăng 0,2084 điểm so với năm 2021, tăng 0,2909 điểm so với năm 2020, xếp hạng 2 toàn quốc, tăng 1 bậc so với năm 2021.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, để có được kết quả ấn tượng trên là sự cố gắng, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện chuyển đổi số từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạng ở cả 3 cấp.
Hiện Quảng Ninh có 1.034 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh (đạt 81%); đã tích hợp, kết nối 1.244 dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành lên Cổng Dịch vụ Công quốc gia.
Việc xử lý giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức cũng được thực hiện toàn tỉnh gắn với chữ ký số ở từng bước, đảm bảo công khai, minh bạch với 99% hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương được đồng bộ đầy đủ trên cổng dịch vụ công quốc gia, cho thấy những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển chính quyền số của địa phương những năm qua.
Ở trụ cột kinh tế số, từ tháng 6/2022, có 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử. Hiện, Quảng Ninh cũng là 1 trong 6 tỉnh, thành phố đầu tiên triển khai thực hiện thành công hệ thống hóa đơn điện tử giai đoạn 1 với 2.325 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 95,7% chỉ tiêu).
Tỉnh cũng triển khai mạnh mẽ việc thanh toán số với 99,2% số thu ngân sách nhà nước gồm thuế, phí, lệ phí được thực hiện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các loại tiền điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí cũng cơ bản thanh toán trực tuyến.
13/13 địa phương toàn tỉnh đều áp dụng mô hình Chợ 4.0 với các chợ trung tâm và chợ hạng I. Đã có gần 350 sản phẩm OCOP Quảng Ninh đạt chuẩn từ 3-5 sao được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn. 13/13 địa phương trong toàn tỉnh đã thành lập hàng ngàn tổ công nghệ số cộng đồng, bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố.
Tỉnh cũng đã cấp gần 600 bộ mã truy xuất sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn và gần 100 tài khoản vận hành cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ở trụ cột xã hội số, tỉnh đã triển khai rộng rãi việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại. Chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến trong tất cả các loại hình dịch vụ công thiết yếu, như điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính.
Toàn tỉnh hiện có hơn 400 máy ATM, gần 2.400 máy POS với hơn 2.100 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn, đang tiếp tục mở rộng ra các cơ sở y tế, trung tâm phục vụ hành chính công, trường học. Có 2,8 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có trên 2 triệu tài khoản đang hoạt động, có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt và có phát sinh giao dịch.
Quá trình chuyển đổi số đã, đang làm thay đổi căn bản nhiều mặt của đời sống xã hội người dân, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Trong ngành y tế, trên 99% người dân đã có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Các cơ sở y tế đã thực hiện nâng cấp phần mềm quản lý thông tin khám chữa bệnh (HIS/LIS/PACS/EMR) tại các bệnh viện, trung tâm y tế; nâng cấp Hệ thống quản lý thông tin xã, phường, thị trấn trong quản lý thông tin y tế và khám chữa bệnh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chẩn đoán, điều trị trong một số chuyên ngành; ứng dụng triển khai các hệ thống đăng ký khám bệnh, trả kết quả trực tuyến.
Đến nay, 100% các cơ sở y tế trên địa bàn đã ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý điều hành và quản lý dữ liệu thông tin khám chữa bệnh. Các phần mềm sử dụng đã đáp ứng tiêu chí kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán BHYT với các hệ thống thông tin của Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia.
Quảng Ninh cũng đã có 5 đơn vị đạt đủ điều kiện triển khai bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy (gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi, Trung tâm y tế huyện Hải Hà, Trung tâm y tế huyện Tiên Yên).
Trong ngành Giáo dục và Đào tạo, 100% cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên đã triển khai thực hiện quản lý, sử dụng sổ điện tử (sổ theo dõi và đánh giá học sinh/sổ gọi tên và ghi điểm, sổ đăng bộ, học bạ, sổ chủ nhiệm, sổ sinh hoạt chuyên môn) thay thế cho hồ sơ giấy.
100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên sử dụng phần mềm quản lý nhà trường để quản lý toàn diện học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, tài sản. 100% các cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên có kế hoạch, quy chế tổ chức dạy học trực tuyến được xây dựng lồng ghép trong Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học 2022-2023...
Tỉnh Quảng Ninh vừa ghi nhận thêm những thành tựu nổi bật như: Tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia thuộc top đầu cả nước, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình là một trong những địa phương đứng đầu cả nước, tỷ lệ số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cao nhất cả nước…
Công nghệ đi trước, lợi ích của người dân là tiên quyết
Theo ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, để đạt được những thành tựu ấn tượng về quá trình xây dựng, chuyển đổi số như kể trên bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng “cứng” với hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, trong những năm qua, Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu”, tập trung xây dựng hạ tầng “mềm“, hạ tầng số từng bước đồng bộ, hiện đại phục vụ chuyển đổi số.
Toàn tỉnh hiện có trên 6.100 trạm phát sóng di động. Hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn; 100% dân số được phủ sóng mạng thông tin di động. Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,8%; số thuê bao điện thoại đạt tỷ lệ 1,3 thuê bao/người; Tỷ lệ dân số được phủ sóng Internet đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng thuê băng rộng cố định đạt 92,84%. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 89,13% (cả nước 75,39%).
Để mở đường cho chuyển đổi số, trong thời gian vừa qua, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin.
Việc sớm tập trung đầu tư, triển khai Đề án xây dựng Chính quyền điện tử là nền tảng cốt lõi cho xây dựng chính quyền số; nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ của chính quyền thông qua hệ thống hạ tầng, hệ thống thông tin dùng chung được triển khai sâu, rộng cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và kết nối liên thông với trục văn bản của Văn phòng Chính phủ.
Đây là cơ sở cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính với mô hình 14 Trung tâm phục vụ hành chính công từ tỉnh đến cấp huyện và 177 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng ban hành Nghị quyết số 09 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên ba trụ cột đó là Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số.
Trong đó: Kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 35% GRDP của tỉnh, là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, để tiếp tục duy trì và cải thiện thứ hạng DTI trong năm 2023, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh năm 2023, để cụ thể hóa và chi tiết các mục tiêu, nhiệm vụ cần hoàn thành trong năm 2023.
Trong đó, kế hoạch đề ra 4 nhóm mục tiêu gồm: Phát triển dữ liệu số; Phát triển chính quyền số; Phát triển kinh tế số; Phát triển xã hội số. 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch gồm Nhận thức số; Thể chế số; Phát triển hạ tầng số; Dữ liệu số; Nền tảng số; Nhân lực số; An toàn thông tin mạng; Chính quyền số; Phát triển kinh tế số và Phát triển xã hội số.
Trong những năm tới, Quảng Ninh tiếp tục đề ra nhiều giải pháp đột phá để duy trì và phát triển chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực của tỉnh. Trong đó, để khai thác có hiệu quả hạ tầng số của tỉnh (phấn đấu đứng trong Top 3 của cả nước về hạ tầng số) sẽ tập trung vào xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh theo công nghệ điện toán đám mây, bảo đảm hạ tầng số để phát triển xã hội số và kinh tế số.
Tỉnh cũng sẽ tập trung vào triển khai chuyển đổi số cho 8 lĩnh vực cốt lõi, ưu tiên gồm: y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, công nghiệp, giao thông vận tải và logistics, cửa khẩu số, lĩnh vực nông nghiệp. Việc triển khai các nền tảng số quốc gia là 1 trong giải pháp đột phá nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Quảng Ninh cũng sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu của các bộ, ngành góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số, hình thành dữ liệu số, dữ liệu mở để giải quyết các bài toán phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.