Dấu ấn sâu đậm trong lòng cử tri, nhân dân

Nguyễn Thị Oanh - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Đồng NaiCác cơ quan dân cử sắp hoàn thành nửa chặng đường hoạt động trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhiệm kỳ vô cùng khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành; đồng thời, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh ít nhiều ảnh hưởng đến đội ngũ. Tuy nhiên, với năng lực, bản lĩnh, quyết tâm của cả hệ thống, cùng những quyết sách linh hoạt, kịp thời và tinh thần đồng hành của các cơ quan dân cử, đặc biệt là Quốc hội, các cơ quan dân cử đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình và để lại những dấu ấn sâu đậm, tích cực trong lòng cử tri và nhân dân cả nước.

Hàng loạt quyết sách kịp thời

Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ Năm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến 2 con số ấn tượng, đó là đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt 81,8%. Trong các văn bản luật đã ban hành và đang thực hiện quy trình ban hành, có thể kể đến những văn bản luật liên quan trực tiếp, thiết thực đến đời sống người dân, mang đậm “hơi thở” của cuộc sống như: Luật Đất đai; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế, Luật An toàn thực phẩm, Luật Căn cước công dân, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nên đã thu hút sự quan tâm, tham gia góp ý của toàn xã hội.

Tiếp bước hoạt động của Quốc hội, giám sát của HĐND hướng đến những nội dung khó, có phạm vi tác động, ảnh hưởng lớn. Ảnh: Trâm Nguyễn

Tiếp bước hoạt động của Quốc hội, giám sát của HĐND hướng đến những nội dung khó, có phạm vi tác động, ảnh hưởng lớn. Ảnh: Trâm Nguyễn

Mặc dù các văn bản Luật được quan tâm nhiều nhưng có thể nói, với các văn bản dưới Luật dù phạm vi tác động không rộng bằng nhưng lại nhận được sự quan tâm của dư luận nhiều hơn bởi tác động trực tiếp, nhanh chóng. Còn nhớ, trong giai đoạn dịch bệnh khốc liệt nhất, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 và sau đó là Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - 2 nghị quyết đều có một số nội dung khác với quy định của luật nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 đã thể hiện sự linh hoạt, kịp thời, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong chỉ đạo, triển khai mọi hoạt động trong tình thế chưa có tiền lệ, rất khó khăn, nguy cấp, nhằm giảm thiểu những tổn thất, mất mát do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Sau thời gian dịch bệnh lắng xuống, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 31/2021/QH15 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 như một “liều thuốc” vừa chữa lành bệnh, vừa bồi bổ sức khỏe của nền kinh tế. Tiếp sau đó là hàng loạt các nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và TP. Hồ Chí Minh, tạo “đòn bẩy” cho sự phát triển và lớn mạnh của các địa phương.

Đồng hành với những quyết sách, vướng mắc của địa phương

Cùng với ban hành các quy định và tạo ra cơ chế mới, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng rất quan tâm kiểm soát cơ chế mới đó. Giám sát và ban hành nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội chính là minh chứng cho nhận định đó. Vấn đề này cũng được Chính phủ, các cơ quan tư pháp đồng hành với Quốc hội thông qua việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ đại án như chuyến bay giải cứu hay vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Qua đó, càng củng cố thêm lòng tin yêu của người dân với Đảng, với cơ quan dân cử và chính quyền.

Đối với những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị phát sinh trong quá trình hoạt động của HĐND các địa phương, lần đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (thông qua Ban Công tác đại biểu) tổng hợp lại một cách có hệ thống, chuyển Chính phủ đề nghị xem xét, xử lý đồng thời thông tin đến các địa phương nắm rõ, rằng những vấn đề của địa phương đã được lắng nghe và xử lý. Bên cạnh đó, việc tổ chức Hội nghị HĐND toàn quốc hàng năm và giảm Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực cũng là cách tạo nên một kênh đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, giải đáp những vướng mắc, kiến nghị thiết thực, hiệu quả trong hệ thống dân cử.

Phản hồi cả những ý kiến không tiếp thu

Khi tiếp nhận các dự án luật hay dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương vẫn chủ động, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vì hiểu rõ ý kiến của mình từ thực tế, phát sinh trong quá trình thi hành. Đối với một nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, thời gian đăng cổng thông tin và xin ý kiến phải trải qua 30 ngày. Chính vì vậy, mong muốn Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, khi xin ý kiến các địa phương cần dành đủ thời gian để địa phương nghiên cứu, tránh tình trạng chỉ dành một thời gian rất ngắn và gấp gáp như một số dự thảo trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, thiết nghĩ khi đóng góp luật, địa phương tham gia ý kiến nhiều trong đó có những ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm, mang hơi thở của cuộc sống từ cơ sở và là nguyện vọng của cử tri. Do đó, khi tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật, đối với những ý kiến tiếp thu đã rõ nhưng với những ý kiến không tiếp thu nên có phản hồi thông tin để địa phương nắm, thậm chí tiếp tục trao đổi nếu chưa đồng thuận. Đây cũng là cách khuyến khích đối tượng được xin ý kiến tích cực tham gia đóng góp trong các lần góp ý tiếp theo. Việc này không khó nhưng phức tạp vì ý kiến rất nhiều, tuy nhiên đề xuất chỉ cần trao đổi trên cổng thông tin để các địa phương nắm mà không cần phản hồi trực tiếp.

Vấn đề này thực chất cũng nhằm thực hiện quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là cần siết chặt kỷ cương, tăng cường phòng, chống lợi ích nhóm; không để xảy ra tham nhũng chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm, ngành trong xây dựng pháp luật, làm cho chính sách ban hành khó đi vào cuộc sống, hoặc không vì người dân, doanh nghiệp.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/dau-an-sau-dam-trong-long-cu-tri-nhan-dan-i340862/