Dấu ấn Thanh Hóa trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc mạnh mẽ, chủ động triển khai, kiến tạo các nội dung mang tính lịch sử về sắp xếp lại ĐVHC mới cấp xã, phường.

Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền tạo sự thống nhất trong tư tưởng, nhận thức và hành động thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã mới

Công tác tuyên truyền được thực hiện kịp thời, sâu rộng, phản ánh đậm nét quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh; thông tin, tuyên truyền kịp thời, rộng rãi, khách quan việc lấy ý kiến Nhân dân về đơn vị hành chính cấp xã mới trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, niêm yết tại các trụ sở, nhà văn hóa, khu dân cư để trưng cầu rộng rãi ý kiến Nhân dân.

Các nội dung, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh được tập trung tuyên truyền sâu rộng, nhấn mạnh sự cần thiết, ý nghĩa, lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Tuân thủ nguyên tắc, phát huy tính chủ động, sáng tạo

Thanh Hóa là một trong những tỉnh nhiều ĐVHC cấp huyện, xã nhất cả nước với 547 xã, phường, thị trấn thuộc 26 huyện, thị xã, thành phố. Thực tế này cho thấy những vấn đề lớn đặt ra trong việc sắp xếp, bởi yêu cầu mà Trung ương đề ra không đơn thuần là giảm khoảng 60% đến 70% số đơn vị hiện có, mà thông qua sắp xếp, mục tiêu cao nhất là xây dựng chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, chủ động hướng về nhân dân để phục vụ tốt hơn, đồng thời mở ra không gian phát triển mới.

Trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 137-KL/TW và Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Đề án, phát huy trí tuệ tập thể, tổ chức thảo luận nhiều cấp, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, từ đó đề xuất các nguyên tắc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVHC cấp xã hiện nay thành các ĐVHC cấp xã mới bảo đảm đúng theo quan điểm, nguyên tắc của Trung ương và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của tỉnh.

Tỉnh xác định rõ, các ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp phải có yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa tương đồng, có vị trí địa lý liền kề, quy mô, tiềm năng, lợi thế và trình độ phát triển kinh tế phù hợp, tính đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của ĐVHC sau sắp xếp, gắn việc sắp xếp ĐVHC với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo chính quyền địa phương quản lý hiệu quả địa bàn, nắm chắc tình hình, gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt nhất.

Lãnh đạo tỉnh trong các cuộc tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến Nhân dân luôn nhấn mạnh nguyên tắc cốt lõi của việc sắp xếp ĐVHC cấp xã mới là hướng tới tương lai phát triển bền vững và vì lợi ích thiết thực của Nhân dân, với mục tiêu cao nhất là xây dựng chính quyền cấp xã gần gũi với Nhân dân, tạo dựng không gian phát triển tối ưu và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Đề án khoa học, thuyết phục, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân

Bám sát quan điểm, nguyên tắc của Trung ương, chỉ đạo, định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, UBND cấp huyện rà soát, đánh giá thực trạng, quy mô về diện tích tự nhiên, dân số, các yếu tố về lịch sử, truyền thống văn hóa, điều kiện hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội... Từ đó, xây dựng Đề án sắp xếp phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, của từng địa phương.

Dự thảo Đề án được họp bàn, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, báo cáo UBND tỉnh, Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, quyết định. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Kết luận 3546-KL/TU về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh, thống nhất thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh từ 547 xã, phường, thị trấn xuống còn 166 xã, phường (giảm 381 đơn vị), tương ứng giảm 69,65%.

Các ĐVHC mới tuân thủ nguyên tắc của Trung ương, định hướng chỉ đạo của tỉnh, phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, miền núi, đồng bằng, bảo đảm tương quan hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn của ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Nhờ sự chuẩn bị khoa học, bài bản, công phu, kỹ lưỡng, các ĐVHC mới khi lấy ý kiến nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số Nhân dân. Điều đó càng chứng minh, khẳng định, đề án đảm bảo chất lượng, sát hợp thực tiễn. Sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số Nhân dân là tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về việc tổ chức lại ĐVHC cấp xã, hướng tới xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Thời gian tới, tỉnh ta xác định rõ lộ trình, các công việc phải thực hiện để triển khai xây dựng chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh, cấp xã). Tin rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân, tỉnh ta sẽ thực hiện thắng lợi chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về tổ chức lại ĐVHC cấp xã, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng tốt nhất đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Đỗ Duy Đông

Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dau-an-thanh-hoa-trong-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-nbsp-247981.htm