Dấu ấn thanh xuân trên Đại thủy nông Nậm Rốm

Giữa bạt ngàn núi non Điện Biên, dòng Nậm Rốm hiền hòa uốn lượn, cung cấp nguồn nước cho cánh đồng Mường Thanh nhờ Đại thủy nông Nậm Rốm - công trình mang dấu ấn của một thời thanh xuân rực lửa. Đại thủy nông Nậm Rốm - hệ thống tưới tiêu ôm trọn cánh đồng Mường Thanh như một biểu tượng cho sức trẻ, ý chí kiên cường và tinh thần vượt khó phi thường của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.

Từ công trình được xây dựng bởi lực lượng TNXP hơn 60 năm trước, giờ đây mỗi khi nhắc đến Đại thủy nông Nậm Rốm, mỗi người con Điện Biên lại trào dâng niềm xúc động và tự hào.

Năm 1963, hơn 2.000 thanh niên tuổi mười chín, đôi mươi, từ Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình đã hội tụ về mảnh đất Điện Biên, mang theo bầu nhiệt huyết sục sôi và quyết tâm sắt đá: Chinh phục thiên nhiên, kiến tạo nên một công trình thủy lợi tầm vóc. Những chàng trai, cô gái năm ấy, với đôi vai trần và đôi tay chai sạn đã viết nên bản hùng ca của tuổi trẻ. Trong số những người con Hà Nội - những thanh niên tháng Tám Thủ đô năm ấy, có ông Đỗ Vũ Xô gốc ở quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, hiện đang cư trú tại phường Điện Biên Phủ. Nay đã tuổi bát thập nên từ nhiều năm trước, ông đã lưu giữ những ngày tháng thanh xuân của mình trong tập hồi ký.

Trong tập hồi ký, ông Đỗ Vũ Xô viết: “Nghe tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, kêu gọi thanh niên lên xây dựng Tây Bắc, tôi đã tình nguyện viết đơn xin gia nhập thanh niên xung phong với tinh thần sẵn sàng khi Tổ quốc cần. Một phần cũng vì muốn được đi trải nghiệm vùng đất mới lạ, một nơi khác hoàn toàn so với thành phố nhộn nhịp nơi tôi sinh sống. Đây cũng là lần đầu tiên đi xa quê hương thân yêu, xa tổ ấm gia đình, xa những người yêu thương để đến nơi cách cả vài trăm cây số, lòng tôi xao xuyến, bịn rịn, buồn vui lẫn lộn...”.

Ông Đỗ Vũ Xô, phường Điện Biên Phủ ôn lại kỷ niệm qua từng trang hồi ký. Ảnh tư liệu

Ông Đỗ Vũ Xô, phường Điện Biên Phủ ôn lại kỷ niệm qua từng trang hồi ký. Ảnh tư liệu

Ngày 3/10/1963, Đại thủy nông Nậm Rốm chính thức khởi công, lực lượng tham gia xây dựng công trình được chia làm 9 đội do ông Hoàng Tinh chỉ huy trưởng, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đội. Đội chuyên lắp đặt, đội chuyên vận chuyển vật liệu xây dựng và mua sắm trang thiết bị; đội chuyên đào kênh, mương cho 2 tuyến tả và hữu. Ngày qua ngày, những chàng trai, cô gái Hà Thành tay cuốc, tay xẻng phá đá, đào kênh, thi đua lao động hăng say cho công trình đầu mối ngày một vươn cao và trải dài mặt đập tràn, vươn dài 2 kênh tả và hữu như vòng tay lớn ôm trọn cánh đồng Mường Thanh màu mỡ, xanh tươi.

Trong hồi ký, ông Đỗ Vũ Xô cũng viết: Công trình thi công bằng sức người là chính, bởi khi đó chưa có bất cứ một loại máy móc nào hỗ trợ, bất ngờ hơn vào tháng 2/1966 quân Mỹ đến bắn phá nơi đây và công trình Nậm Rốm cũng nằm trong tầm ngắm của địch. Ban ngày doanh trại phải sơ tán vào rừng ở các lán tạm tránh máy bay địch, ban đêm lại ra đào đắp, đổ bê tông. Khó khăn chồng chất khó khăn khi Mỹ bắn phá cầu, không có lương thực tiếp tế, thức ăn chỉ là cơm độn ngô xay, khoai, sắn. Thêm đó, những trận sốt rét, đau ốm, bệnh tật hoành hành mà không có thuốc men, thiết bị chữa trị kịp thời…

Cựu TNXP lên thăm lại công trình Đại thủy nông Nậm Rốm

Cựu TNXP lên thăm lại công trình Đại thủy nông Nậm Rốm

Cùng những đồng đội cũ lên thăm lại công trình năm xưa, ông Nguyễn Duy Khang, hiện trú tại phường Mường Thanh vẫn nhớ như in những ngày tháng gian khó - ngày ông cùng 2.000 đồng đội từ khắp nơi về chung sức làm nên Đại thủy nông Nậm Rốm. Khi nhắc lại chuyện xưa, ông Nguyễn Duy Khang xúc động: “Tôi lên thì được phân công vào chuyên đi tiếp nguyên vật liệu, chở cát, chở đá, chở vật liệu về để xây dựng đập này, nói chung là rất là khó khăn, vất vả. Thế nhưng với mục tiêu đã đặt ra, chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công trình này tôi cũng có đóng góp nhưng chỉ là một viên gạch thôi, còn rất nhiều đồng đội khác nữa cho nên được tham gia xây dựng được công trình vĩ đại thế này tôi tự hào lắm”.

Lên thăm lại công trình, bà Nguyễn Thị Sinh, phường Điện Biên Phủ rưng rưng xúc động khi đứng trước bia tưởng niệm những đồng đội đã ngã xuống tại công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Cùng thời gian với những đồng đội khác, cô gái Hà Thành Nguyễn Thị Sinh khi ấy vừa 19 tuổi hăng hái gia nhập đoàn quân thanh niên xung phong Tháng Tám Thủ đô, hướng về Nậm Rốm.

Trong dòng chảy miên man của ký ức, bà Sinh nhớ lại những ngày tháng “lao động quên mình, vác đá, đắp đất, đắp đê, ngăn dòng… bằng phương pháp thủ công từ sáng tới đêm”. Cái nắng, cái gió của núi rừng, những bữa cơm vội vàng bên công trường, tất cả dường như vẫn in đậm trong tâm trí. Nhưng trên tất cả, đó là sức mạnh của tinh thần đoàn kết, lòng quả cảm và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ đã giúp bà và đồng đội vượt qua mọi thử thách, để rồi góp phần tạc nên một dấu son lịch sử.

Bà Nguyễn Thị Sinh, phường Điện Biên Phủ và những người đồng đội dâng hương tại khu tưởng niệm.

Bà Nguyễn Thị Sinh, phường Điện Biên Phủ và những người đồng đội dâng hương tại khu tưởng niệm.

“Mỗi khi lên đây tôi thấy lòng mình lại rưng rưng. Vào thắp nén hương tại Đài tưởng niệm trong lòng tôi lại hình dung ra bao nhiêu khuôn mặt của đồng đội mình, những sự hi sinh, gian khổ cùng nhau, để lại cho chúng tôi bao nhiêu kỷ niệm thân thương, về đồng đội, về sự hi sinh, về sự cống hiến của mỗi người” - bà Nguyễn Thị Sinh tâm sự.

Sáu năm ròng rã, bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương, năm 1969, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm hoàn thành, sừng sững giữa núi rừng Tây Bắc cho đến tận hôm nay. Đó là kết tinh của sức trẻ, là minh chứng cho ý chí và nghị lực phi thường của lực lượng thanh niên xung phong. Đập tràn kiên cố, hệ thống tường chắn vững chãi, những cống lấy nước, cống xả cát được thiết kế khoa học và hơn 34km kênh dẫn nước len lỏi trên cánh đồng… tất cả đều mang đậm dấu ấn của một thời thanh xuân cống hiến.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, công trình vẫn cần mẫn tưới mát cho hơn 3.400ha lúa hai vụ và cây trồng vụ đông trên cánh đồng Mường Thanh trù phú, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên. Không những thế, Đại thủy nông Nậm Rốm còn được vinh danh là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đây không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến to lớn của thế hệ TNXP mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc cho thế hệ hôm nay về giá trị lịch sử và kinh tế vô giá của công trình.

Bà Nguyễn Thị Sinh và ông Nguyễn Duy Khang ôn lại kỷ niệm những năm tháng xây dựng Đại thủy nông Nậm Rốm.

Bà Nguyễn Thị Sinh và ông Nguyễn Duy Khang ôn lại kỷ niệm những năm tháng xây dựng Đại thủy nông Nậm Rốm.

Những chàng trai cô gái năm xưa nay người còn, người mất; có người trở về quê hương, người ở lại gắn bó với núi rừng Tây Bắc. Thế nhưng, trong tâm trí của họ chưa bao giờ quên những đồng đội đã từng gắn bó, chia ngọt sẻ bùi. Ông Trần Công Chính, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh - người trực tiếp tham gia công trình Đại thủy nông Nậm Rốm chia sẻ: "Qua bao năm tháng, nhưng tình đồng đội thiêng liêng vẫn vẹn nguyên. Không chỉ với anh em đã cùng kề vai sát cánh ở Đại thủy nông Nậm Rốm, mà với tất cả hội viên trên toàn tỉnh, chúng tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, động viên nhau. Hội Cựu TNXP tỉnh luôn là mái nhà chung, chúng tôi quan tâm, hỗ trợ đồng đội lúc khó khăn, từ thăm hỏi khi ốm đau, hoạn nạn đến việc chăm lo thường xuyên cho các gia đình chính sách. Quan trọng hơn, chúng tôi luôn đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các hội viên của mình, để không ai bị bỏ lại phía sau".

Dòng Nậm Rốm vẫn chảy, mang theo câu chuyện về một thời thanh xuân rực lửa, về những con người đã không tiếc máu xương để dựng xây nên một công trình vĩ đại. Để rồi, mỗi khi ngắm nhìn những cánh đồng trù phú được tưới mát quanh năm, chúng ta lại thêm trân trọng những giá trị lịch sử và càng thêm ý thức về trách nhiệm tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh.

Bài, ảnh: Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/xa-hoi/dau-an-thanh-xuan-tren-dai-thuy-nong-nam-rom