Bài 1 - Sắc màu Chơ Ro giữa bản hòa tấu đa dân tộc

Giữa sóng biển rì rào và những con đường hiện đại len lỏi qua rừng cọ, rừng điều, Bà Rịa – Vũng Tàu (trước ngày 1.7.2025) vẫn âm thầm gìn giữ những mạch nguồn văn hóa bền bỉ, nơi gần 33.000 người dân tộc thiểu số thuộc 38 thành phần cùng sinh sống, kiến tạo nên một bức tranh đa sắc giữa lòng đất phương Nam.

Nổi bật trong đó là người Chơ Ro, với hơn 10.000 nhân khẩu, dân tộc tại chỗ có lịch sử cư trú lâu đời nhất đang từng ngày hồi sinh di sản tổ tiên qua những thanh âm chiêng cổ, những điệu múa thiêng, những lời ca nguyên sơ và lễ hội đậm linh hồn bản địa.

Không gian văn hóa Chơ Ro đậm đà bản sắc dân tộc luôn sôi động và gắn kết cộng đồng

Không gian văn hóa Chơ Ro đậm đà bản sắc dân tộc luôn sôi động và gắn kết cộng đồng

Từ tiếng cồng vọng rừng đến giọng hát trẻ thơ vang lên trong lớp học cộng đồng, một giấc mơ văn hóa đang lớn dần: giấc mơ gìn giữ bản sắc giữa nhịp sống hiện đại, kết nối quá khứ với hiện tại, mở lối cho tương lai bền vững, nơi rừng gặp biển, nơi văn hóa không chỉ tồn tại, mà sống khỏe, sống đẹp, sống hài hòa trong lòng cộng đồng.

Sau nửa tháng kể từ khi Bà Rịa – Vũng Tàu sáp nhập vào TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, trở thành một phần của đơn vị hành chính mới mang tên Thành phố Hồ Chí Minh, thì những kết quả từ Dự án 6 giai đoạn 2021–2025 càng thêm giá trị: không chỉ là điểm kết của một nỗ lực dài hơi, mà còn là điểm khởi đầu cho hành trình định hình văn hóa vùng đồng bào dân tộc trong một thành phố đặc biệt đa sắc, năng động và hội tụ.

Di sản sống giữa đời thường

Trên vùng đất được mệnh danh là "thủ phủ du lịch phía Nam", nơi đô thị hóa diễn ra từng ngày, nơi các khu công nghiệp vươn mình sát rừng già, nơi từng dòng người khắp tứ xứ đổ về mưu sinh, thì việc giữ gìn các giá trị văn hóa nguyên bản của những cộng đồng thiểu số như Chơ Ro, Khmer, Hoa… là một hành trình không dễ dàng.

Tuy vậy, chính trong thách thức ấy, Dự án 6, với trọng tâm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống đã trở thành dòng suối ngầm ấm áp, âm thầm nuôi dưỡng những mạch nguồn tưởng đã khô cạn.

Ngay trong lòng cộng đồng người Chơ Ro vốn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng dân số tỉnh những biến chuyển tích cực đã hiện rõ. Từ năm 2021, ngành văn hóa phối hợp các địa phương tiến hành sưu tầm, ký âm, dịch nghĩa 58 bài dân ca Chơ Ro.

Những câu hát từng là lời ru trên nôi, lời đối ca giữa rẫy bắp, tiếng gọi bạn trong ngày hội làng tưởng đã rơi vào quên lãng nay lại vang lên trong trẻo từ lớp học ở Long Tân (cũ), Suối Rao (cũ), Châu Pha (cũ)… Tiếng hát ấy không chỉ làm sống lại ký ức, mà còn thắp lên niềm tự hào bản sắc trong trái tim thế hệ mới.

Không dừng ở âm nhạc, múa dân gian Chơ Ro với những điệu múa bà Bóng, múa cầu mưa, múa sàng gạo đã và đang được khôi phục, truyền dạy. Mỗi động tác không chỉ là biểu hiện nghệ thuật mà còn là tinh thần tín ngưỡng, là câu chuyện đất trời từ lao động thành nghi lễ, từ nghi lễ thành bản sắc.

Người Chơ Ro gìn giữ đời sống văn hóa truyền thống phong phú qua lễ hội, dân ca, nhạc cụ và các hình thức sinh hoạt cộng đồng đặc sắc

Người Chơ Ro gìn giữ đời sống văn hóa truyền thống phong phú qua lễ hội, dân ca, nhạc cụ và các hình thức sinh hoạt cộng đồng đặc sắc

Những lớp học văn hóa được tổ chức đều đặn, hơn 250 lượt thanh thiếu niên tham gia, học không chỉ để biểu diễn, mà để hiểu, hiểu về ông bà, tổ tiên, về tín ngưỡng lúa trời, về hạt giống thiêng, về lòng biết ơn cội nguồn.

Lễ hội Ôp Yangva lễ mừng lúa mới của người Chơ Ro được phục dựng đầy đủ tại huyện Châu Đức (trước ngày 1.7.2025): từ nghi lễ cúng Yang Va đến các trò chơi dân gian truyền thống. Dưới tán rừng ven biển, già làng mặc lễ phục, bày lễ vật, dâng lời cúng tạ đất trời.

Chiêng cồng vang vọng, kéo theo tiếng cười rộn ràng trong các trò chơi đẩy gậy, đi cà kheo, bắn nỏ, nhảy sạp… Sự hồi sinh của lễ hội không chỉ kéo cộng đồng Chơ Ro xích lại gần nhau, mà còn trở thành điểm giao thoa đầy hứng khởi giữa các sắc tộc anh em.

Kết quả của hành trình ấy không chỉ được thể hiện trong cộng đồng, mà còn lan tỏa rộng hơn qua các đêm diễn chuyên đề như “Sắc màu Chơ Ro”, qua các tiết mục tham gia hội diễn cấp tỉnh, cấp khu vực.

Nổi bật nhất là tiết mục “Âm vang nguồn cội” tái hiện không gian sinh hoạt lễ hội truyền thống đã giành Huy chương Vàng tại Hội diễn “Tiếng hát miền Đông” lần thứ XXI năm 2024. Đây không chỉ là vinh danh một tiết mục, mà là sự ghi nhận cho nỗ lực cả một cộng đồng nhỏ bé giữa đại ngàn phương Nam.

Cùng với các hoạt động biểu diễn, tư liệu hóa văn hóa cũng được đẩy mạnh. Bộ phim tài liệu về lễ hội Ôp Yangva đã hoàn tất, tái hiện sinh động nghi lễ, âm nhạc, trang phục và bối cảnh cộng đồng.

Những thước phim không chỉ lưu giữ ký ức cho thế hệ sau, mà còn là công cụ giảng dạy, truyền thông trên các nền tảng truyền hình, mạng xã hội, góp phần đưa văn hóa Chơ Ro gần hơn với du khách, với công chúng đô thị, với chính người trẻ Chơ Ro hôm nay.

Truyền thông cơ sở được kích hoạt mạnh mẽ: hơn 1.270 tin, bài, phóng sự đã phát sóng trên hệ thống truyền thanh xã, huyện; gần 100 tin trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh.

Từ những chuyên mục văn hóa đến bản tin hỗ trợ trồng trọt, chăn nuôi, phổ biến pháp luật... mọi hoạt động đều được lồng ghép truyền thông văn hóa, gắn bảo tồn bản sắc với nâng cao đời sống như những sợi dây mềm nhưng bền, kết nối lòng tin nhân dân với chính quyền.

Không thể thiếu trong mảng đời sống cộng đồng là thể thao truyền thống. Những trò chơi như bịt mắt đập heo đất, nhảy sạp, vật tay, đi cà kheo… được tái hiện sôi động trong các hội thao. Không chỉ là vận động thể chất, đó còn là ký ức hội làng được tái hiện, là niềm vui gắn kết, là sự khẳng định: bản sắc Chơ Ro vẫn sống trong nhịp thở thời đại.

Tuy nhiên, những khó khăn vẫn hiện hữu. Đời sống mưu sinh khiến không ít thanh niên xa làng, xa văn hóa truyền thống. Nguồn lực tài chính còn hạn chế ngân sách địa phương mỏng, trong khi vốn từ trung ương chưa có.

Lực lượng nghệ nhân ngày càng già đi, trong khi lớp kế cận còn thiếu vững vàng. Giữ gìn văn hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường và đô thị hóa mạnh mẽ là một cuộc chạy đua cam go, cần thêm sự tiếp sức từ nhiều phía.

Bảo vật sống – Tương lai rộng mở

Dự án 6, như một “ngọn lửa nhỏ nhưng bền”, đã trở thành chất xúc tác quan trọng để phục hồi và phát huy văn hóa Chơ Ro. Từ các hoạt động sưu tầm, truyền dạy, biểu diễn, truyền thông, thể thao đến đào tạo cán bộ văn hóa cơ sở, mọi nỗ lực đều được thực hiện bài bản, gắn chặt với thực tiễn, đặt người dân làm trung tâm và mục tiêu là sự phát triển bền vững.

Biểu diễn văn nghệ trong “Đêm văn hóa Chơ Ro” tháng 4.2025 – nơi lưu giữ hồn cốt văn hóa và thắp sáng niềm tự hào dân tộc giữa lòng cộng đồng

Biểu diễn văn nghệ trong “Đêm văn hóa Chơ Ro” tháng 4.2025 – nơi lưu giữ hồn cốt văn hóa và thắp sáng niềm tự hào dân tộc giữa lòng cộng đồng

Nhưng cái được lớn nhất không nằm ở những con số, mà ở chuyển biến nhận thức: từ người dân. Già làng thấy ấm lòng khi văn hóa không mai một. Trẻ em thấy tự hào khi mặc sắc phục dân tộc. Phụ huynh thấy vui khi con em hát múa trên sân khấu xã. Cán bộ văn hóa cơ sở thấy tin tưởng vào tương lai khi có thế hệ tiếp nối.

Văn hóa truyền thống, từ chỗ bị xem là “xưa cũ”, đang trở lại đúng vị trí của nó như một nền tảng tinh thần, một động lực phát triển, một “bảo vật sống” quý giá.

Giai đoạn 2026–2030 đang mở ra phía trước như một cơ hội bản lề. Nếu được Trung ương bố trí vốn, nếu có chương trình đào tạo chuyên sâu, nếu có xã hội hóa đầu tư, gắn di sản văn hóa với sản phẩm du lịch đặc trưng tại cộng đồng dân cư Chơ Ro… thì chắc chắn, văn hóa nơi đây sẽ không chỉ sống, mà còn phát triển, trở thành điểm nhấn trong bản đồ văn hóa du lịch quốc gia.

Từ một lễ hội nhỏ nơi bìa rừng đến những tiết mục giành huy chương vàng; từ lớp học chưa đầy mười người đến đêm diễn quy mô toàn tỉnh; từ những trò chơi dân gian tưởng đã mai một đến ngày hội thể thao rộn ràng… hành trình văn hóa Chơ Ro đang chứng minh: khi văn hóa được “đánh thức” đúng cách, khi cộng đồng được trao quyền, thì những điều mong manh nhất cũng có thể bừng sáng mãnh liệt.

Giữ gìn văn hóa không phải là chuyện hoài niệm. Đó là cách một dân tộc đứng thẳng lưng giữa gió thời đại. Và sau khi Bà Rịa – Vũng Tàu sáp nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh, bản sắc Chơ Ro vẫn lặng lẽ tỏa sáng như một mạch nguồn không bao giờ cạn.

Những bài học từ giai đoạn 2021–2025 sẽ tiếp tục là hành trang quý báu để gìn giữ di sản và lan tỏa bản sắc giữa một không gian hành chính mới.

(Còn tiếp)

NAM HƯNG - NGUYỄN LINH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/bai-1-sac-mau-cho-ro-giua-ban-hoa-tau-da-dan-toc-152356.html