Dấu ấn thời thanh niên sôi nổi
45 năm trước, ngày 28-3-1976, từ TP Sài Gòn-Gia Định (ngày 2-7-1976 đổi tên là TP Hồ Chí Minh), hàng vạn thanh niên trong màu áo thanh niên xung phong (TNXP) tạm biệt mái trường, tạm biệt phố phường lên rừng và xuống biển để vá lại vết thương chiến tranh. Ký ức năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất đời người hiến dâng cho đất nước đã được chính các cựu TNXP lưu dấu trong tuyển tập thơ văn 'Một thời chân đất' (Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, năm 2021).
Cuốn sách tập hợp gần 200 tác phẩm của 48 tác giả. Có người là nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh, Hồ Thi Ca; còn lại đa số là những người viết văn không chuyên. Mỗi người ra đi đều có hoàn cảnh, xuất thân khác nhau nhưng họ có chung một lý tưởng cách mạng, đi theo tiếng gọi của lòng yêu nước nên dù gặp bao khó khăn, gian khổ, thậm chí đối diện với chuyện sống chết nhưng họ vẫn đầy lạc quan, yêu đời.
Đúc rút từ quá trình sáng tạo văn chương, các nhà lý luận phê bình cho rằng: Những điều thân quen, những cảm xúc mãnh liệt nhất chính là “ngòi nổ” bùng lên cảm hứng để các cây bút sáng tạo những tác phẩm văn chương, cho dù có thể ban đầu họ không có ý định viết văn. Từ những năm tháng cống hiến hy sinh để cho những cánh đồng xanh màu ở Long An, Kiên Giang, Cà Mau; những nông trường cà phê ở Tây Nguyên mọc lên trên đất bạc màu; những kênh dẫn nước về các cánh đồng Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn; và góp phần để biên giới Tây Nam bình yên trước quân Khmer đỏ bạo tàn; mồ hôi, xương máu của bao TNXP đã đổ xuống. Chính hiện thực tươi ròng bao chất liệu văn chương đó, nhiều TNXP đã viết những bài thơ, truyện ngắn, bút ký từ thuở trên nông trường, trên biên giới và cả sau khi trở về thành phố. Văn chương với sức mạnh tinh thần to lớn, mang giá trị nhân đạo sâu sắc với người sáng tác và thưởng thức, đã giúp nhiều TNXP tin vào công việc mình đang làm, tin ở tương lai tươi sáng của cả dân tộc.
Khi đọc cuốn sách, độc giả trẻ hôm nay có thể mường tượng ra thế hệ cha anh mình đã trải qua bao khó khăn, vất vả của sự đói khát, thiếu thốn vật chất và tinh thần. “Nhật ký viết ở rừng” của Trần Ngọc Đệ nói về nông trường Nhị Xuân-Hóc Môn năm 1985 sinh động như trở về thời gian khó nơi rừng lạnh đêm dài. Cuộc sống nơi đây đầy gian khổ và hoang dã, gai góc, những muỗi mòng, ve, ruồi bu đầy hút máu, cắn điếng người. Mặc dù có những ngày cả tiểu đội dính sốt rét, hết gạo nhưng những TNXP tuổi hai mươi vẫn làm việc năng suất, trồng cây phủ kín đồi trọc. Những giây phút căng não nhất là chiến đấu với kẻ thù, nhất là khi chúng thoắt ẩn thoắt hiện. Tinh thần "thà hy sinh tất cả" trong những năm tháng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được TNXP tiếp nối khi nhiều chàng trai, cô gái hy sinh tính mạng góp phần bảo vệ bình yên biên giới. Chuyện thoát khỏi phục kích là như cơm bữa, luôn cẩn thận với bọn Pol Pot gài mìn trên đường đến căng cứng trí não như trong truyện ký “Những viên đạn chuyển ra phía trước” của Trần Ngọc Châu khiến người đọc không khỏi cảm phục, xúc động. Trong bút ký “Rừng và mùa hè năm ấy” của Thanh Đính, những TNXP tham gia chiến dịch cứu đói tại Long Tân nhưng họ cũng chẳng hơn gì những người được cứu đói nơi đây, tuy nhiên, họ vẫn lạc quan, động viên tinh thần nhau bằng đêm lửa trại văn nghệ, tiếng đàn guitar hào phóng của TNXP hòa quyện với tiếng hát, tiếng vỗ tay theo nhịp sôi nổi.
Một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh của TNXP vượt qua khó khăn chính là tình đồng đội, sức mạnh đoàn kết, tình yêu trong sáng của tuổi trẻ. Truyện ngắn “Mùa Giáng sinh không lạnh” của Linh Phụng kể về tình yêu đẹp giữa một cô y sĩ trường trung cấp y với một anh học viên. Tình yêu ấy đã giúp cho một con người lầm đường lỡ bước bởi ma túy trở thành một người lương thiện, bắt đầu nung nấu bao dự định cho một tương lai tươi sáng được anh vẽ trong đầu. Những người TNXP ấy đã dùng chính những tình cảm chân thật nhất của mình để cảm hóa, giúp đỡ những con người lầm lỡ làm lại cuộc đời tươi mới, hạnh phúc hơn.
Thơ là hình thức được các TNXP sáng tác nhiều hơn cả. Dù nơi biên giới xa xôi nhưng người đọc vẫn thấy sự lạc quan của TNXP trong những áng thơ bay bổng: “Những tháng năm dọc dài biên giới/ Tuổi đôi mươi chạm lửa chiến trường/ Sống chết mong manh làn khói/ Càng siết tay nhau giữ nụ cười” (“Tháng 3” của Phan Đắc Tài). Họ biết rằng, những năm tháng tham gia lực lượng TNXP sẽ in đậm trong cuộc đời, là “tài sản” quý báu của mỗi người như lời thơ của Nguyễn Nhật Ánh: “Mai chiến trường xa/ Dẫu nhiều gian khổ/ Trái tim thành phố/ Vẫn đập trong người/ Như là cuộc sống/ Như là tình yêu/ Như là nỗi nhớ/ Suốt đời mang theo...” (“Thành phố, tình yêu và nỗi nhớ”).
Cuốn sách không chỉ là món quà in sâu trong tim bạn đọc bởi những áng thơ, những câu văn; doanh thu từ tuyển tập “Một thời chân đất” sẽ được nhóm thực hiện chuyển đến các TNXP gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn. 45 năm đi qua, những chàng trai, cô gái năm xưa mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng sự lạc quan yêu đời, tình đồng đội gắn bó bền chặt mãi còn vẹn nguyên như những câu thơ đi cùng năm tháng.