Dấu ấn toàn diện trong các mặt công tác
Năm 2024 là năm Bộ Nội vụ rất bận rộn với khối lượng công việc khổng lồ, dồn dập, nhiều việc khó, phức tạp như vấn đề vị trí việc làm, tiền lương, thi tuyển công chức, sắp xếp, tinh gọn bộ máy… nhưng với tinh thần 'vừa chạy vừa xếp hàng', ngành nội vụ đã phát huy cao độ trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tham mưu để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Đây là đánh giá của hầu hết đại biểu dự hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Nội vụ tổ chức hôm qua.
Những đóng góp tích cực, hiệu quả đặt ra từ thực tiễn
Là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực vô cùng quan trọng, nhiều lĩnh vực khó và phức tạp như sắp xếp đơn vị hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và công vụ… Thế nhưng, nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là trong năm 2024, thật sự là năm với những dấu ấn toàn diện trên mọi mặt công tác của ngành nội vụ, tiếp tục tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách, kiến tạo thể chế khơi thông các nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn về tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, thủ tục hành chính, tạo nền móng vững chắc để Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành nội vụ. Ảnh: Chí Tuấn
Năm 2024, Bộ Nội vụ là cơ quan có số văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành cao nhất với 163 chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 23 Thông tư và văn bản hợp nhất. Đặc biệt, đã tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ của Trung ương mà đột phá là đề xuất thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo lộ trình hợp lý, thận trọng, từng bước, thiết thực, hiệu quả; trong đó điều chỉnh lương cơ sở tăng 30% - mức tăng cao nhất từ trước đến nay và bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.
Cùng với đó, đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Sau sắp xếp giảm 9 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã; đồng thời tham mưu cấp có thẩm quyền thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương - thành phố Di sản đầu tiên trực thuộc Trung ương; nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị. Ngoài ra, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với hoàn thành, đồng bộ, liên thông cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Đặc biệt, trong 2 tháng cuối năm, Bộ Nội vụ đã tập trung cao độ để tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương với khối lượng công việc lớn chưa từng có. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Đây là khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, nhạy cảm của Đảng, song với sự thống nhất nhận thức và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, kết quả đến nay đã cơ bản hoàn thành để báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương.
Năm 2025, thời điểm bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu hơn lúc nào hết, ngành nội vụ cần có quyết tâm cao hơn, có khát vọng lớn hơn; mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực dự báo, chủ động nắm bắt tình hình từ sớm, từ xa để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết tốt những vấn đề đặt ra từ thực tiễn.
Mô hình bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, hoan nghênh Bộ Nội vụ đã đạt được nhiều kết quả trong mọi mặt công tác, nhất là việc tham mưu xây dựng chính sách có nhiều sáng tạo, quyết liệt, phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Nhấn mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, cả nước đang làm rất khẩn trương, quyết liệt, quyết tâm, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị không chỉ riêng Bộ Nội vụ mà các bộ, ngành đều phải xác định đây là trách nhiệm của mình. Trong thực hiện tổ chức, sắp xếp lại bộ máy phải hình thành được cơ chế chính sách đủ mạnh, có chính sách ưu đãi để hỗ trợ người lao động nghỉ sớm; phải hình thành hạ tầng pháp lý cho bộ máy hoạt động; tham mưu để có các hướng dẫn cụ thể đối với các địa phương, bộ, ngành làm gì trong tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy. Sắp xếp, tinh gọn phải lựa chọn được những cán bộ thực sự tinh hoa trong bộ máy hành chính công; những người thực sự đóng góp, cống hiến, có tài năng, trí tuệ, kinh nghiệm, nhiệt huyết, bản lĩnh.
“Đổi mới sáng tạo để tiến lên phía trước nhưng cần rất bình tĩnh để đề phòng các rủi ro như sáp nhập cơ học, không hợp lý, đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Không để cơ quan nhà nước là vùng trú an toàn cho cán bộ yếu kém”... Có thể vừa làm, vừa thăm dò, điều chỉnh chứ không thể hoàn hảo ngay, song cần hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất. Bộ Nội vụ phải tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm khẩn trương, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả; phải ra được mô hình bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng yêu cầu đối với Bộ và ngành nội vụ phải tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính, cán bộ, công chức, viên chức để bộ máy mới hoạt động phải có hạ tầng pháp lý tốt; thể chế phải làm nền tảng cho sự bứt phá, chuyển mình, tăng trưởng mạnh trong tương lai cũng như khắc phục những hạn chế, bất cập hiện tại. Trong xây dựng thể chế nói chung, phải bỏ tư duy không quản được thì cấm; luật được xây dựng và ban hành vừa phải bảo đảm chức năng quản lý nhưng phải có chức năng kiến tạo, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm tới công tác đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng và tạo lập nên nền hành chính thông thoáng, thân thiện, hiện đại hấp dẫn, hỗ trợ đắc lực người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục quan tâm hoàn thiện các cơ chế, chính sách về công tác cán bộ, trong đó chú trọng đổi mới về công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và giữ chân người tài; hoàn thiện tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả thực hiện, nhiệm vụ, chức trách được giao.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tin tưởng, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Bộ và ngành nội vụ sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao phó, tích cực đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển hùng cường và thịnh vượng.