'Dấu ấn' trăm năm chùa Phật Thới Sơn

Đi qua bao mưa nắng, những cây đại thụ liên quan đến chùa Phật Thới Sơn (phường Thới Sơn, TX. Tịnh Biên) vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, trở thành 'dấu ấn' trăm năm, minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển vùng đất Hưng Thới - Xuân Sơn xưa.

Với người dân Thới Sơn nói riêng, người dân An Giang nói chung, hình ảnh cây lâm vồ ở Thới Sơn đã trở thành biểu tượng thiêng liêng về tín ngưỡng, gắn liền với Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên.

Theo ông Nguyễn Văn Phán (Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử cách mạng chùa Thới Sơn), không ai biết rõ cây lâm vồ được trồng vào thời điểm nào, chỉ biết cây có từ lâu, vào cùng thời điểm hình thành ngôi chùa. Thực tế, cơ sở thờ tự này còn có tên gọi dân gian là chùa Phật Lâm Vồ, xuất phát từ việc gắn chặt với cây lâm vồ trước cổng. Người dân Thới Sơn cũng lập một ngôi chợ cạnh cây lâm vồ, lấy tên gọi là chợ Lâm Vồ.

Trước cây lâm vồ vẫn còn tấm bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống tại vùng đất Thới Sơn, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Dưới gốc cây, người ta lập ngôi miếu nhỏ để thờ cúng, hương khói quanh năm. Đây là tập quán tín ngưỡng dân gian, thể hiện niềm tin vào các bậc siêu nhiên.

Ngoài cây lâm vồ trước cổng, chùa Phật Thới Sơn còn có cây gõ mật trong khuôn viên cùng thuộc hàng cổ thụ. Theo Ban Quản lý Di tích lịch sử cách mạng chùa Thới Sơn, cây gõ mật có tuổi đời khoảng 165 năm, căn cứ vào thời điểm hình thành chùa vào năm 1858. Cây có đường kính 1,21m và chiều cao 25m.

Cây gõ mật tươi tốt quanh năm, tỏa bóng mát trầm mặc xuống sân chùa. Thân cây nổi hằn lên những dấu thời gian, có cả những cây ký sinh sống trên đó, khẳng định “cụ cây” đã tồn tại từ rất lâu.

Vào Lễ giỗ Phật Thầy Tây An năm 2024, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Hội đồng cây di sản Việt Nam đã tổ chức lễ công nhận cây gõ mật là cây Di sản Việt Nam. Đây là niềm tự hào cho người dân Thới Sơn nói riêng, người dân tỉnh An Giang nói chung, bởi giá trị tinh thần to lớn, khẳng định dấu ấn lịch sử của vùng đất anh hùng.

Hiện nay, Ban Quản lý Di tích lịch sử cách mạng chùa Thới Sơn đang cùng địa phương, ngành chuyên môn chăm sóc, giữ gìn những cây đại thụ này như một minh chứng cho lịch sử, để giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, biết ơn bậc tiền nhân đã có công mở mang bờ cõi, để con cháu được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-dau-an-tram-nam-chua-phat-thoi-son-a408730.html