'Đầu bếp' ở Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Vương quốc Bỉ
Công việc của tiến sĩ Phùng Quốc Trí tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Vương quốc Bỉ được chính anh mô tả bằng giọng Quảng Trị nhỏ nhẹ, dễ thương 'Tôi như một đầu bếp, nhưng thay vì nấu món ăn, tôi nấu ra những vật liệu mới để xử lý chất thải phóng xạ'.

TS Phùng Quốc Trí trình bày tại hội thảo về độ bền vật liệu bê tông ở Bắc Kinh. Ảnh: NVCC
“Món ăn” mà Phùng Quốc Trí ám chỉ phải đạt tiêu chí: chắc chắn, bền lâu, giữ chặt chất thải nguy hiểm để không làm ô nhiễm môi trường. Trí vừa thí nghiệm, vừa chạy mô phỏng trên máy tính để dự đoán vật liệu này “sống” được bao lâu: 100 năm, 1.000 năm, hay hơn thế? Giống như dự báo thời tiết, nhưng thay vì ngóng nắng trông mưa, Trí đoán xem công trình có an toàn cho đời con cháu không.
Cuối tháng 3 vừa qua, Trí cùng những thành viên nòng cốt sang Luxembourg để ra mắt Hội Trí thức Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg (gọi tắt ViLaB) với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình. Đầu tháng 4, anh đại diện cho Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Vương quốc Bỉ (gọi tắt là SCK CEN) tới Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tại Vienna, Áo để khởi động dự án “Nghiên cứu tiềm năng của geopolymer như một giải pháp bền vững để quản lý chất thải phóng xạ”. Về Bỉ, Trí tiếp tục cùng ViLaB họp bàn chương trình cụ thể để tham gia các hoạt động thúc đẩy quan hệ Việt Nam - EU sẽ diễn ra đầu tháng 6 tới tại Bỉ.
Sau nhiều năm tháng âm thầm nghiên cứu và “nấu nướng” trong lòng đất và trong phòng thí nghiệm, vừa bước ra ngoài hoạt động đoàn thể, Phùng Quốc Trí đã được tín nhiệm giao giữ chức Chủ tịch ViLaB. Nhiệm vụ lần này không còn là quy trình xử lý chất liệu, mà là làm sao càng mở rộng mạng lưới trí thức Việt ở nước ngoài và đưa được nhiều nguồn lực chất xám về phục vụ quê hương càng tốt.
Người quen làm việc với vật liệu phóng xạ như Phùng Quốc Trí có cốt cách điềm tĩnh, làm đâu chắc đó. Tốt nghiệp ngành Kỹ sư Vật liệu xây dựng tại Đại học (ĐH) Xây dựng Hà Nội, Trí từng có thời gian giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nên trau dồi được cả chuyên môn lẫn kỹ năng sư phạm. Sau đó, Trí sang Hàn Quốc học Thạc sĩ Kỹ thuật xây dựng tại ĐH Myongji và từ 2010 bắt đầu hành trình tiến sĩ trong một chương trình hợp tác giữa ĐH Ghent (Bỉ), ĐH Kỹ thuật Delft (Hà Lan) và SCK CEN. Trí nhớ lại: “Tôi gia nhập SCK CEN ngay khi bắt đầu chương trình nghiên cứu sinh, tham gia một dự án về độ bền của vật liệu xi măng dùng để lưu trữ chất thải phóng xạ. Những ngày đầu đối mặt với nhiều khó khăn: làm quen môi trường đa quốc gia, học cách sử dụng các thiết bị hiện đại và phần mềm mô phỏng tiên tiến mà trước đó chỉ biết qua sách vở. Từ những dự án nhỏ như thử nghiệm độ bền bê tông trong phòng thí nghiệm, phân tích vi cấu trúc vật liệu, tôi dần được tin tưởng giao các dự án lớn hơn, hợp tác với các tổ chức danh tiếng như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế hay các đối tác châu Âu trong dự án do Ủy ban châu Âu tài trợ”.
Từ những trải nghiệm và tích lũy, Trí nhận ra mình có nhiều cơ hội để đóng góp trực tiếp cho quê hương. Anh giới thiệu học bổng của SCK CEN cho các nhà khoa học trẻ của Việt Nam tham gia từ chương trình tiến sĩ (4 năm), thạc sĩ (2 năm) đến thực tập ngắn hạn (3-6 tháng). Đến nay, Phùng Quốc Trí đã hướng dẫn 4 nhà khoa học trẻ Việt Nam tại SCK CEN. “Tôi mong ViLaB còn là bệ phóng để tài năng Việt tỏa sáng ở châu Âu và đóng góp cho quê hương. Riêng về năng lượng hạt nhân, tôi thấy nhiều tiềm năng hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam. Việt Nam cần năng lượng sạch, ổn định cho công nghiệp hóa. Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gần đây cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này. SCK CEN có thể hỗ trợ Việt Nam lập kế hoạch, đào tạo nhân lực và xây dựng tiêu chuẩn an toàn. Công nghệ lò phản ứng mô đun nhỏ (SMR) mà SCK CEN tiên phong cũng là một trong những công nghệ Việt Nam có thể tham khảo. Quản lý chất thải hạt nhân là vấn đề cấp thiết, dù chúng ta chưa có nhà máy điện hạt nhân. Các ngành y tế và nghiên cứu đã tạo ra chất thải phóng xạ, nhưng giải pháp lưu trữ còn hạn chế. Nghiên cứu của tôi về vật liệu xi măng bền vững có thể áp dụng để xây kho chứa an toàn, chi phí thấp từ tro bay và xỉ phế thải. Tôi sẵn sàng làm cầu nối để chuyển giao công nghệ này nếu Việt Nam quan tâm”.