Người dân Điện Biên, Yên Bái chủ động đi tiêm vaccine phòng cúm
Trước tình hình dịch cúm có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, người dân Điện Biên đã chủ động đi tiêm vaccine để phòng bệnh. Tại nhiều điểm tiêm chủng trên địa bàn, ghi nhận lượng người đến tiêm tăng mạnh.
Phóng viên Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc cho biết, Trung tâm Tiêm chủng FPT Long Châu, chi nhánh Võ Nguyên Giáp, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, hàng trăm người dân đang xếp hàng, làm các thủ tục để tiêm vaccine phòng cúm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, phụ trách Trung tâm cho biết: tháng trước, trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 10 lượt người đến tiêm vaccine phòng cúm; nhưng những ngày gần đây, mỗi ngày, lượng người đến tiêm là từ 100 - 150 người: "2 ngày gần đây, mỗi ngày sẽ có khoảng 100 lượt khách đi tiêm phòng cúm, tăng khoảng 20 lần. Hôm qua thì vaccine đã gần như hết hàng".
![Người dân Điện Biên đi tiêm vaccine phòng cúm](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_65_51451062/608b9996acd845861cc9.jpg)
Người dân Điện Biên đi tiêm vaccine phòng cúm
Ngoài Trung tâm Tiêm chủng FPT Long Châu, tại các trung tâm tiêm chủng khác trên địa bàn tỉnh, trong gần 1 tháng qua, số người chủ động đến tiêm vaccine phòng cúm cũng tăng mạnh, nhất là sau thông tin có nhiều ca biến chứng nặng do cúm trên toàn quốc.
Bác sĩ Đàm Thanh Tú, Trung tâm tiêm chủng Nam Thanh, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Ngày bình thường, trung tâm chỉ bố trí một ê kíp trực khoảng 3 y, bác sĩ thì những ngày qua đã phải tăng gấp đôi nhân lực. Dù đã chuẩn bị hơn 1.500 liều vaccine cúm từ sớm để đáp ứng nhu cầu của người dân trong đợt này, tuy nhiên, do nhu cầu của người dân tăng đột biến, nên lượng vaccine chỉ đủ đáp ứng trong vài ngày tới.
![Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc chủ động phòng bệnh thông qua tiêm chủng và thực hiện các biện pháp vệ sinh là yếu tố quan trọng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_65_51451062/56c4add9989771c92886.jpg)
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc chủ động phòng bệnh thông qua tiêm chủng và thực hiện các biện pháp vệ sinh là yếu tố quan trọng.
"Người đến tiêm chủ yếu tập trung là người dân thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Tuy nhiên cũng có một số người dân ở địa bàn các huyện khác đang tập trung đăng ký đến tiêm. Giá tiêm hiện nay đang được bình ổn, không thay đổi, tất cả các phòng tiêm đều dao động từ 300 – 330.000 đồng/mũi", Bác sĩ Đàm Thanh Tú cho hay.
Theo đánh giá của các trung tâm tiêm chủng, lượng người có nhu cầu tiêm vaccine cúm tăng đột biến là do nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến sau đại dịch Covid-19; nhiều gia đình đã cho cả người lớn và trẻ em đi tiêm cùng lúc.
Chị Nguyễn Thị Nhàn, người dân thôn 4, xã Pom Lót, huyện Điện Biên chia sẻ: "Đợt này đang có nhiều người bị cúm nên gia đình cũng lo. Hôm nay tôi cho con và cháu đi tiêm nên cũng cảm thấy yên tâm hơn do chủ động phòng chống trước. Chúng tôi sẽ cố gắng đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người để tự bảo vệ bản thân mình tốt hơn".
![Các gia đình đã chủ động việc tiêm vaccine phòng cúm cho trẻ nhỏ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_65_51451062/e3cc19d12c9fc5c19c8e.jpg)
Các gia đình đã chủ động việc tiêm vaccine phòng cúm cho trẻ nhỏ.
Bác sĩ Phạm Đức Tài, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên cho biết: Tiêm vaccine phòng cúm đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích, bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm, nhập viện và thậm chí giảm nguy cơ tử vong liên quan đến cúm. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng từ cúm, bao gồm trẻ em nhỏ, người cao tuổi và những người có bệnh mãn tính.
"Để phòng chống bệnh cúm thì người dân cần lưu ý thực hiện một số biện pháp nâng cao thể trạng thông qua việc tập thể dục đều đặn, thường xuyên phù hợp với từng lứa tuổi; ăn uống đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là đối với đối tượng trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và những người có bệnh nền. Bên cạnh đó khi đi ra ngoài cần mặc đủ ấm, đeo khẩu trang, nhất là khi tiếp xúc với những người có triệu chứng viêm nang đường hô hấp. Quan trọng nhất là phải tiêm vaccine cho đối tượng trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và những người có bệnh nền", Bác sĩ Phạm Đức Tài cho hay.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc chủ động phòng bệnh thông qua tiêm chủng và thực hiện các biện pháp vệ sinh là yếu tố quan trọng, từ đó góp phần kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh nói chung, bệnh cúm nói riêng.
Yên Bái tích cực ứng phó với dịch cúm mùa đang gia tăng
Theo Phóng viên Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc, thời gian qua, số ca mắc cúm mùa trên địa bàn tỉnh Yên Bái có chiều hướng gia tăng. Ngành Y tế địa phương này đang tích triển khai nhiều biện pháp ứng phó, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 766 ca mắc cúm, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Số ca mắc chủ yếu tập trung ở các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn và thành phố Yên Bái; các huyện còn lại như Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình mỗi huyện rải rác một vài ca. Tất cả các ca bệnh đều có triệu chứng nhẹ như sốt, ho, viêm đường hô hấp, không ghi nhận ca bệnh nặng. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C.
![Người dân Yên Bái chủ động đi tiêm vaccine ngừa cúm](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_65_51451062/b57ab06785296c773538.jpg)
Người dân Yên Bái chủ động đi tiêm vaccine ngừa cúm
Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh; giám sát tình hình dịch bệnh tại các cơ sở y tế, các trường học và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, không để lây lan, bùng phát thành dịch… Bên cạnh các giải pháp của ngành chức năng, nhiều người dân ở Yên Bái cũng đã tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách tiêm vaccine phòng cúm tại các cơ sở y tế.
Bà Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết, cách tốt nhất để phòng bệnh cúm mùa và các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra là tiêm vaccine cúm hàng năm vì vaccine tạo ra một hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của virus, hiệu quả đến 97%. Bên cạnh đó, người dân cần giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh đường hô hấp đúng cách. Khi có triệu chứng bệnh, người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus mà cần đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế.
"Trước hết người dân cũng cần tuân thủ các hướng dẫn của ngành Y tế, sử dụng các biện pháp chống bệnh chủ động. Khi đến những nơi tập trung đông người thì cần tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với những người nghi nhiễm bệnh. Mỗi khi có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh thì cần phải đến các cơ sở Y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời...", bà Lê Thị Hồng Vân cho hay.