Dấu chấm hết cho 'cỗ máy' buôn chuyện, phỉ báng nghệ sĩ

Việc một số kênh chuyên nói xấu, tung tin đồn nhảm bị khởi kiện thời gian gần đây khiến những người có ảnh hưởng phải thay đổi suy nghĩ có thể nói và làm bất kỳ điều gì trên mạng.

Cuối tháng 1, tòa án liên bang Mỹ đưa ra phán quyết đứng về phía Cardi B, cho rằng YouTuber Latasha Kebe đã phỉ báng, bôi nhọ danh dự nữ rapper, theo VICE.

Với phán quyết có tội, YouTuber phải bồi thường tổn thất tinh thần cho Cardi B gần 4 triệu USD.

Trong nhiều năm, Kebe đã liên tục tạo ra các video, bài đăng, livestream lan truyền tin đồn Cardi B bán dâm, mắc bệnh sinh dục và sử dụng cocaine. Nữ rapper khởi kiện YouTuber từ năm 2019 và cuối cùng đã giành được chiến thắng sau 4 năm quyết tâm theo đuổi vụ việc.

Suốt phiên tòa, Cardi B cho biết cô cảm thấy "cực kỳ muốn tự tử" sau những cáo buộc của Kebe. Cô cũng nói rằng hành vi quấy rối trực tuyến này đã khiến cô đau khổ cả về thể chất lẫn tinh thần.

"Sự quấy rối liên tục và những lời nói dối được ngụy tạo thành sự thật từ các blogger phải chấm dứt. Chúng ta không còn có thể là một xã hội ngoảnh mặt làm ngơ trước những lời nói dối trắng trợn", Cardi B cho biết sau khi thắng kiện.

 Cardi B theo đuổi vụ kiện kéo dài 4 năm chống lại YouTuber Latasha Kebe. Ảnh: Dimitrios Kambouris/Getty.

Cardi B theo đuổi vụ kiện kéo dài 4 năm chống lại YouTuber Latasha Kebe. Ảnh: Dimitrios Kambouris/Getty.

Những "cỗ máy" buôn chuyện

Phán quyết của tòa án trong vụ việc của Cardi B và Kebe đã gây chấn động. Không chỉ vì số tiền bồi thường khổng lồ, nó còn tạo ra tiền lệ nơi các blogger, YouTuber, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đều có thể bị phạt nếu xuất bản, lan truyền thông tin sai lệch.

Trước đó, những vụ kiện vì tung tin đồn nhảm về nghệ sĩ gần như chỉ xoay quanh các trang tin, tờ báo lá cải. Năm 2005, Cameron Diaz đã kiện News Group sau khi tờ The Sun đăng câu chuyện cô bị bắt gặp hôn một người đàn ông khác khi đang hẹn hò với Justin Timberlake.

Năm 2011, Katie Holmes dàn xếp với The Star trong một vụ kiện trị giá 50 triệu USD vì bài đăng cho rằng cô nghiện ma túy.

Năm 2016, Kim Kardashian khởi kiện công ty trực tuyến MediaTakeOut vì tuyên bố vụ cướp ở Paris là do Kim tự dàn dựng.

Vụ việc của Cardi B là đòn đánh pháp lý lớn đầu tiên giữa một nghệ sĩ giải trí và một blogger chuyên buôn chuyện trên mạng xã hội.

 YouTuber Latasha Kebe chuyên đăng tải tin tức đời tư nghệ sĩ. Ảnh: TashaK.

YouTuber Latasha Kebe chuyên đăng tải tin tức đời tư nghệ sĩ. Ảnh: TashaK.

Kebe là một nhân vật truyền thông độc lập điều hành chương trình Internet của riêng mình, UnwineWithTashaK.

Người này chuyên đăng các clip về giới nghệ sĩ và thực hiện phỏng vấn trực tiếp với những người gần gũi với các ngôi sao.

Không giống như phóng viên, nhà báo, những người luôn phải chú ý đến việc xác minh nguồn tin, các blogger buôn chuyện độc lập và tài khoản mạng xã hội của họ có thể chia sẻ bất cứ điều gì mọi người gửi đến, chỉ cần thông tin đó đủ hấp dẫn.

Trước tòa, Kebe thừa nhận mình phao tin đồn ác ý nhắm vào Cardi B vì muốn "thúc đẩy sự tương tác của công chúng với nội dung trực tuyến trên kênh".

Sau khi thắng kiện, Cardi B mới đây tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh để khiến Kebe bị cấm sóng vĩnh viễn, đặt dấu chấm hết đối với những "cỗ máy" buôn chuyện, chuyên phỉ báng, xúc phạm người khác trên mạng xã hội.

Trách nhiệm của các nền tảng

Chiến thắng của Cardi B cũng mở đường cho những vụ kiện tương tự trong thời gian gần đây.

Cuối tháng 2, ca sĩ Teyana Taylor tuyên bố khởi kiện tài khoản TikTok tên @Klatschhh, người cho rằng nữ ca sĩ lạm dụng ma túy vì những rắc rối trong hôn nhân.

Trong các clip của mình, TikToker này không đề cập trực tiếp tên của Teyana Taylor, nhưng đưa ra thông tin gợi ý về nữ ca sĩ như có hai con gái, kết hôn với bạn diễn trong chương trình Dancing With The Stars, hủy show diễn thời gian gần đây.

 Teyana Taylor bị một tài khoản TikTok tung tin thất thiệt. Ảnh: Getty.

Teyana Taylor bị một tài khoản TikTok tung tin thất thiệt. Ảnh: Getty.

Rapper Megan Thee Stallion cũng dọa kiện DJ Akademiks vì đăng thông tin chưa kiểm chứng về vụ xả súng cách đây một năm giữa cô và rapper Tory Lanez.

Cụ thể, Akademiks tiết lộ chuyện tòa án tuyên bố "DNA của Tory Lanez không được tìm thấy trên khẩu súng trong vụ án liên quan đến Megan Thee Stallion". Đáng chú ý, bài đăng này xuất hiện trước thời điểm phiên điều trần của Tory Lanez diễn ra vào hôm 23/2.

"Phiên tòa còn chưa bắt đầu mà tại sao các người đã nói dối rồi", Megan Thee Stallion mỉa mai người tung tin giả.

Sự phát triển của những câu chuyện phiếm không rõ thực hư trên mạng được định hình bởi những đối tượng khác nhau, tùy vào từng giai đoạn.

Những tiêu đề ngớ ngẩn từng được in trên các trang báo lá cải đang chuyển dần sang bài đăng, video, livestream được dẫn dắt bởi người có tiếng nói, ảnh hưởng trên không gian mạng.

 Megan Thee Stallion dọa kiện DJ Akademiks vì đăng thông tin chưa kiểm chứng. Ảnh: Alexander Tamargo.

Megan Thee Stallion dọa kiện DJ Akademiks vì đăng thông tin chưa kiểm chứng. Ảnh: Alexander Tamargo.

"Chỉ riêng ở YouTube, bằng việc nhập tên một người nổi tiếng nhất định trên thanh tìm kiếm, chúng ta có thể nhận được vô số tin đồn khó chịu về họ. Nhưng những tiêu đề video như thế này và cả những bình luận bên dưới có thể sớm trở thành dĩ vãng, dựa trên tiền lệ pháp lý mới về tội phỉ báng và xâm phạm quyền riêng tư mà Cardi B vừa đặt ra", biên tập viên Kristin Corry viết trên VICE.

Daniel Powell, luật sư quản lý tại Minc Law, công ty chuyên về phỉ báng trực tuyến, cho biết: "Vụ kiện của Cardi B thực sự đã khiến người dùng mạng xã hội phải cân nhắc nhiều hơn khi hành động, thay vì nghĩ rằng mình hoàn toàn không bị ảnh hưởng dù cho có nói hay làm gì trên mạng".

Nhưng cho dù tạo được tiếng vang thông qua vụ kiện, Cardi B khó có thể là người cuối cùng bị vu khống trực tuyến.

Không phải ai cũng có đủ điều kiện để thuê một đội pháp lý theo đuổi vụ kiện trong suốt 4 năm như nữ rapper. "Điểm khác biệt duy nhất giữa tôi và cậu học sinh trung học đang bị các bạn cùng lớp bắt nạt trên mạng chính là vấn đề tiền bạc", cô viết trên Instagram.

Cardi B chỉ trích các nền tảng như YouTube hoạt động như những cơ sở ươm tạo tin đồn. "Hành vi thiếu kiểm soát và nội dung sai sự thật được lan truyền trên các nền tảng như YouTube phải được giải quyết và loại bỏ".

Anita Sharma, người sáng lập Sharma Law, công ty chuyên về luật giải trí và kỹ thuật số có trụ sở tại New York, cho biết: "Tôi không tin các nền tảng sẽ chịu trách nhiệm về thông tin sai lệch. Dưới áp lực dư luận, họ có thể gắn cờ những hành vi sai trái và thái quá. Nhưng có rất nhiều vùng xám ở đó.

Nó không đơn giản như việc Instagram gắn cờ các bài đăng về Covid-19. Ví dụ trong trường hợp của YouTube, Với hơn 500 giờ video được tải lên nền tảng mỗi phút, ngưỡng để phân loại những gì là 'sai trái và thái quá' gần như không thể xác định".

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-cham-het-cho-co-may-buon-chuyen-phi-bang-nghe-si-post1305267.html