Đau đầu chuyện 'cò lúa', thương lái ép giá

Nhiều địa phương trong tỉnh đang bước vào thu hoạch vụ lúa hè thu 2022. Dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, nhưng năng suất và giá bán khả quan nên nông dân vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, nhiều nông dân rất bức xúc trước tình trạng 'cò lúa' lợi dụng tình hình thời tiết để ép giá, cùng với đó là tình trạng cân non, cân thiếu của thương lái…

Lúa vụ hè thu có giá, nông dân phấn khởi

“Cò lúa” làm giá

Những năm gần đây, với sự xuất hiện của lực lượng “cò lúa” phần nào giúp đỡ nông dân khi đến mùa thu hoạch. Nếu như trước đây, nông dân phải “chạy đôn, chạy đáo” tìm kiếm thương lái, thì hiện nay, nông dân chỉ cần gọi điện thoại cho “cò” là mọi việc được giải quyết suôn sẻ.

“Lúc trước, thu hoạch lúa xong phải kiếm chỗ để phơi lúa. Lúa khô phải tìm kiếm người mua. Nhiều lúc không được giá phải đem lúa về trữ tại nhà, mất nhiều thời gian, công sức; trong quá trình trữ lúa lại bị thất thoát do chuột cắn phá... Hiện nay, lúa chưa thu hoạch là có người đến coi, chốt giá, ấn định thời điểm chở lúa… nông dân chúng tôi không phải lo lắng như trước nữa” - ông Lê Văn Nước (xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Đi đôi với sự tiện lợi, bán lúa thông qua “cò” kéo theo nhiều phiền toái cho nông dân. “Cò lúa” là lực lượng trung gian giữa người bán và người mua, thường “ăn” theo hoa hồng mà thương lái đưa ra. Tuy nhiên, hiện nay, “cò lúa” bằng nhiều cách khác nhau, còn làm giá với nông dân, từ đó “ăn” thêm chênh lệch giữa thương lái và nông dân.

Vụ hè thu này, ông Nguyễn Văn Lợi (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) sử dụng giống lúa OM18. Theo ước tính của ông Lợi, năng suất vụ này dao động từ 6-9 tấn/ha. Nhớ lại thời điểm bán lúa, ông Lợi ngao ngán: “Ban đầu, trước khi lúa thu hoạch vài ngày, “cò lúa” đến coi lúa, hứa hẹn thu mua với giá 6.100 đồng/kg, đồng thời đặt cọc 200.000 đồng/công. Mức giá này là khá cao, nên chúng tôi vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch, lúa đã chất lên bờ kênh để chờ ghe đến cân thì “cò” chèo kéo, đòi giảm giá. Dù không muốn, nhưng còn nhiều nông dân khác đang thu hoạch, không có chỗ để lúa, nên chúng tôi bấm bụng đồng ý”.

Cũng theo ông Lợi, mỗi vụ sản xuất lúa, nông dân chỉ mong mua bán cho suôn sẻ, mau chóng để chuẩn bị đất làm vụ sau. Tuy nhiên, tình trạng thương lái, “cò lúa” làm giá vẫn thường xuyên xảy ra khiến nông dân vô cùng bức xúc. Họ viện đủ lý do, làm cho nông dân hoang mang, từ lúa ướt, lúa dơ, lúa chưa đủ ngày, cho đến giá lúa đang sụt giảm… Mục đích chính là để nông dân chấp thuận với mức giá họ đưa ra.

Thương lái bắt ép

Vừa phải chịu cảnh “cò lúa” ép giá, nông dân còn bị tình trạng thương lái chèn ép. Cũng viện nhiều lý do, thương lái đưa ra các chiêu trò buộc nông dân phải giảm giá, với các hình thức, như: Trừ khối lượng lúa nhất định trên tổng sản lượng lúa thu hoạch được hay trừ một số tiền nhất định trên 1 tấn lúa…

Ông Nguyễn Văn U (nông dân xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) cho biết, năm nào giá lúa tăng, thương lái cho ghe đậu sẵn tại bến, lúa người nào gặt xong là cân liền. Nhiều hộ đang thu hoạch cũng buộc phải cân vì thương lái hối thúc. Tuy nhiên, đến khi lúa giảm giá, thương lái tìm cách kéo dài thời gian, đưa ra rất nhiều lý do không cho ghe tới thu mua. Việc kéo dài thời gian, không chịu thu mua lúa khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Lúa để lâu không cắt dễ bị đổ ngã nếu gặp mưa. Tệ hơn, lúa sẽ bị ẩm, mốc, nảy mầm… làm giảm chất lượng, khó bán.

Ngoài ra, do nông dân thu hoạch lúa đồng loạt, nếu không bán sớm thì những nông dân cắt sau không có nơi để chất lúa. Với những lý do trên, nông dân buộc phải bán cho thương lái với giá thấp hơn thỏa thuận ban đầu nhằm mau chóng kết thúc mùa vụ.

Ngoài ra, trong quá trình cân lúa, thương lái còn sử dụng "chiêu trò" để bớt khối lượng của lúa, điển hình như việc đọc-ghi thấp hơn khối lượng thực tế của bao lúa khoảng 200gr. Điều này đã làm nhiều nông dân vô cùng bức xúc. “Mỗi tấn lúa, chúng tôi mất khoảng 20kg. Với giá bán hiện nay, chúng tôi mất khoảng 120.000 đồng/tấn. Nhiều lúc bức xúc quá, nên có ý kiến nhưng cũng chỉ được vài bao là tình trạng đọc thiếu ký lại tiếp tục. Do không muốn làm lớn chuyện nên chúng tôi đành cho qua” - ông U bức xúc.

Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn thì những chiêu trò của thương lái, “cò lúa” đã góp phần làm tăng chi phí sản xuất, đồng thời giảm lợi nhuận của nông dân. Để tránh tình trạng phải lụy “cò” và thương lái như hiện nay, ngành chức năng khuyến cáo nông dân nên tham gia vào mô hình "Cánh đồng lớn" vì có hợp đồng ràng buộc giữa các bên. Ngoài ra, nông dân nên lựa chọn những thương lái uy tín, tránh tình trạng vì lợi nhuận mà nghe lời “cò lúa” để rồi ôm “cục tức” vào người.

ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dau-dau-chuyen-co-lua-thuong-lai-ep-gia-a338147.html