Đấu giá biển số xe ô tô: Tạo thuận lợi nhất, có lợi nhất cho người dân
Chủ tịch Quốc hội cho biết, hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét quyết định; đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện Tờ trình.
Cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào chiều 11/10, các đại biểu dự phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đều thống nhất cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân và tránh lãng phí tài nguyên kho số.
Công khai, minh bạch trong cấp biển số xe ô tô
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, người dân rất đồng tình việc đấu giá biển số xe công khai, minh bạch.
“Tiếp xúc cử tri từ Quốc hội khóa XIII người dân đã hỏi sao không cho đấu giá biển số xe. Chính vì vậy, việc đấu giá biển số xe sẽ tăng thu cho ngân sách; giúp cho việc người dân có quyền tiếp cận biển số họ mong muốn một cách minh bạch; khắc phục và giúp Bộ Công an đỡ vất vả trong quản lý. Thời gian vừa qua, Bộ Công an đã rất vất vả từ cấp trực tiếp, ấn số, cấp trực tuyến…Chính vì vậy, chúng ta đấu giá là rất minh bạch, công khai” – Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị nghiên cứu mở rộng với xe biển số vàng và xe máy vì nhiều doanh nghiệp cũng muốn có biển số đẹp; bên cạnh đó, xe mô tô nhiều xe đắt tiền người dân cũng muốn có biển số đẹp. Đề nghị, nghiên cứu bổ sung thêm quyền của người trúng đấu giá và người được thừa kế vì nếu được thừa kế biển số thì giá sẽ cao hơn.
“Tôi lấy ví dụ tôi đấu giá trúng, biển số đăng ký tên tôi, sau đó tôi cho con tôi thừa kế. Tuy nhiên, nếu xe đó hết niên hạn sử dụng hoặc bị hư hỏng không thể khắc phục được, con tôi không được đăng ký biển số đó thì rất lãng phí vì tôi đã bỏ số tiền lớn để mua” - Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ
Cơ bản nhất trí với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao Chính phủ đã nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên UBTVQH. Hồ sơ cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ tán thành về phạm vi thí điểm, thời gian thí điểm, quyền và nghĩa vụ của người đấu giá…
Về tên Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, Nghị định 151 của Chính phủ quy định chi tiết về Luật Quản lý tài sản công, thì kho số mới là tài sản công, chứ không phải biển số. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị đổi tên Nghị quyết thành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng số đăng ký xe ô tô thông qua đấu giá, để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Quản lý tài sản công.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng bày tỏ quan điểm, việc thí điểm này không đặt trọng tâm vào tăng thu ngân sách, mà trọng tâm là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với số đăng ký xe ô tô và với phương tiện giao thông này. Đây là hình thức mới, người được cấp số đăng ký sẽ sở hữu số đăng ký này, nhưng đây không phải là tài sản thông thường, mà là tài sản phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, nên một số quyền, nghĩa vụ của người được cấp phải có sự hạn chế phù hợp. Cũng do đây là mô hình mới, nên chưa thể đánh giá hết những tác động thực tế, nên cần thận trọng, khoanh rõ phạm vi, chưa nên mở rộng với biển số mô tô, biển vàng cho đối tượng kinh doanh vận tải.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt câu hỏi vì sao người dân được lựa chọn đấu giá biển số của tất cả các tỉnh, thành phố toàn quốc (kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá?; việc thay đổi này có ảnh hưởng như thế nào tới vấn đề quản lý phương tiện giao thông?)
Tạo hấp dẫn cho người dân tham gia đấu giá
Phát biểu góp ý tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trước đây, Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện nội dung này từ sớm, một số địa phương đã thí điểm thực hiện. Đây là nội dung nhằm thực hiện Luật Tài sản công, đáp ứng nhu cầu có thật và của không ít người dân, chủ sở hữu phương tiện xe cơ giới. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với chủ trương thí điểm thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng đến nay Hồ sơ đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét quyết định; đồng thời hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện Tờ trình bảo đảm chặt chẽ. Về giá khởi điểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu có thể quy định một mức chung.
“Mức giá khởi điểm đừng nên cao quá, Nếu quy định giá khởi điểm quá cao chưa chắc đã thu hút được người tham gia. Bởi mục tiêu là khai thác hiệu quả kho số, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng chính đáng của người dân chứ không phải chỉ để thu ngân sách. Về trình tự thủ tục, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát để tạo thuận lợi nhất cho người dân, bảo đảm cao nhất quyền lợi cho người dân, từ đó tạo hấp dẫn cho người dân tham gia đấu giá”. – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phát biểu để tiếp tục tham mưu cho Chính phủ tính toán, thiết kế Nghị quyết theo đúng yêu cầu đặt ra. “Tư duy xuyên suốt của Bộ Công an là không có biển đẹp, biển xấu mà biển theo yêu cầu nên tất cả biển đều chuẩn bị đưa ra đấu giá. Tôi lấy ví dụ, dự kiến trong quý 4, Hà Nội đưa 1 vạn đầu số để đăng ký thì tất cả 1 vạn đầu số trên đều đưa vào kho số để đấu giá. Nếu có 1.000 số được người dân lựa chọn thì sẽ đưa 1.000 số đó ra đấu giá, 9.000 số còn lại thì đưa trở lại kho số để cấp theo hình thức bấm số ngẫu nhiên hiện nay” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết.
Về giá khởi điểm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho rằng, đây là vấn đề khó khăn nhất, vướng mắc dẫn đến việc nhiều năm qua không thực hiện đấu giá được. Theo quy định về đấu thầu thì khi đấu thầu phải xác định giá do 1 cơ quan có thẩm quyền xác định giá, sau đó có đơn vị thẩm định giá thì mới đưa ra đấu giá được. Tuy nhiên, biển số ô tô thì không có cơ quan xác định giá khởi điểm cũng không có đơn vị thẩm định.
“Chính vì vậy, chúng tôi lấy mức giá khởi điểm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 40 triệu đồng, gấp đôi mức lệ phí đăng ký hiện nay. Các địa phương khác là 20 triệu đồng. Mức giá này tương đương 5% giá trung bình của 1 phương tiện. Qua ý kiến của UBTVQH, nếu xác định 1 mức giá chung là hợp lý, chúng tôi xin tiếp thu và nghiên cứu, sau đó báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết định” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, UBTVQH nhất trí ban hành Nghị quyết; cơ bản thống nhất với tên gọi, đề nghị Chính phủ rà soát đảm bảo tính thống nhất với Luật Giao thông đường bộ và cần sửa lại theo hướng ngắn gọn hơn so với dự thảo do Chính phủ trình. Cụ thể, về tên gọi, đề nghị sửa theo hướng đơn giản, dễ hiểu, ai cũng hiểu.
“Điều quan trọng nhất là làm thế nào quy định theo hướng có lợi nhất cho người dân” – Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.