Đấu giá đất có dấu hiệu tiêu cực, thao túng thị trường

Tại báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình giá bất động sản, nhà ở thương mại tại một số đô thị lớn tăng cao thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thẳng thắn nhìn nhận: việc đấu giá đất ở một số địa phương đã có hạn chế, tiêu cực.

Hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá nhằm thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi và thậm chí mang tính tổ chức. Đáng chú ý Bộ Xây dựng cho rằng, trong quá trình tổ chức đấu giá đất tại một số nơi còn có hiện tượng “cò đấu giá”, thông đồng... ảnh hưởng đến người tham gia đấu giá.

Theo Bộ Xây dựng, có 3 nguyên nhân chính tác động đến kết quả là: mức giá khởi điểm thấp, tiền đặt cọc thấp, nhiều hội nhóm đầu tư chuyên tham gia đấu giá rồi bán ngay để kiếm lời. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực khi mà mức giá này được lấy làm thông tin tham chiếu, xác định giá đất rồi tạo ra một mặt bằng giá mới. Bởi một trong các phương pháp định giá đất hiện nay vẫn sẽ dựa vào so sánh mặt bằng giá chung trong khu vực. Do vậy, giá ảo của đất sau đấu giá tạo nên nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài, tác động lên nhiều đối tượng.

Với người dân, ngoài ảnh hưởng tâm lý khi thực hiện giao dịch mua-bán, giá đất cao và ảo sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dự án bình dân, giá thấp mà phải đầu tư loại hình phù hợp, phục vụ đối tượng thu nhập rất cao trong xã hội nhằm thu hồi vốn và kinh doanh có hiệu quả. Điều này khiến quỹ nhà bình dân đã thiếu càng thêm thiếu.

Với doanh nghiệp, mặt bằng giá đất tăng quá cao khiến chủ đầu tư khó có phương án kinh doanh hiệu quả. Điều này sẽ làm suy giảm, hạn chế nguồn cung trong tương lai.

Với nhà nước, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội cũng bị ảnh hưởng khi kết quả trúng đấu giá đất cao bất thường; và tạo hiệu ứng không mong muốn như khiếu kiện, mất an ninh trật tự… đối với các trường hợp đã thực hiện thu hồi đất.

Hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi.

Hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi.

Tại báo cáo gửi Văn phòng chính phủ này, Bộ Xây dựng đề xuất: tăng tiền đặt cọc, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá; đề nghị các địa phương kiểm tra, kiểm soát công tác đấu giá đất; có biện pháp quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở của người dân trong các dự án kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô, bán nền - tránh tình trạng người dân để đất trống, thực hiện hành vi đầu cơ… gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Các giải pháp này cũng nhận được sự đồng thuận cao từ nhiều chuyên gia. PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: “Để ngăn chặn tình trạng thao túng, làm giá trong đấu giá đất, chính quyền các địa phương nên tổ chức đấu giá đất với quy mô lớn hơn, khi cung tăng với số lượng lớn thì giới đầu cơ sẽ khó đủ khả năng để thao túng”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hội BĐS thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: “Cần tăng tiền đặt trước (tiền cọc) với cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá đất lên mức 20% giá khởi điểm lô đất, đồng thời cần xử phạt nặng hơn với những cá nhân, tổ chức trúng giá đất với giá cao nhưng bỏ cọc, không nộp tiền đất”.

Liên Phương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dau-gia-dat-co-dau-hieu-tieu-cuc-thao-tung-thi-truong-268146.htm