Đấu giá khoáng sản gần đây có nhiều bất thường, đẩy giá, bỏ cọc như bất động sản
Công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản gần đây có nhiều bất thường, xảy ra hiện tượng đầu cơ, đẩy giá, thậm chí bỏ cọc như bất động sản
Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Trần Phương cho biết, theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ, thời gian qua, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác quản lý khoáng sản.

Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Trần Phương
Trên cơ sở đó, các địa phương đã có phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng, tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động khoáng sản; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đối với hoạt động khoáng sản. Nhiều địa phương đã xây dựng quy chế phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản, trong đó quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông vùng giáp ranh làm cơ sở phối hợp triển khai thực hiện kiểm tra, kiểm soát.
Tuy vậy, một số khó khăn, tồn tại, hạn chế tại các địa phương như: Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch và bảo vệ khoáng sản trong quy hoạch, khoáng sản chưa khai thác của các cấp chính quyền địa phương chưa hiệu quả; nhiều nơi vẫn để tình trạng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội khác chồng lấn lên quy hoạch khoáng sản.
Đáng chú ý, tại một số địa phương, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra một số nơi gây thất thoát tài nguyên khoáng sản. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phối hợp xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản chưa cương quyết, chưa đủ mạnh, chủ yếu dừng lại ở mức xử phạt hành chính, xử lý hình sự còn hạn chế, chưa đảm bảo tính răn đe.
"Thậm chí, qua theo dõi công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại địa phương, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam còn ghi nhận một số yếu tố bất thường như: Việc bỏ giá thực hiện qua rất nhiều vòng đấu, thời gian tổ chức cuộc đấu giá bị kéo dài, giá trúng đấu giá tăng cao đột biến (cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có trường hợp chỉ riêng tiền trúng đấu giá đã cao hơn nhiều lần giá bán của sản phẩm cùng loại trên thị trường). Điều này, dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân sau trúng đấu giá xong đã không thể triển khai được dự án khai thác khoáng sản và chấp nhận bỏ cọc; tác động xấu đến an ninh kinh tế, trật tự xã hội tại địa phương. Ngoài ra, tại một số địa phương, phần lớn các khu vực đưa ra đấu giá chưa có kết quả thăm dò, mới dừng ở công tác đánh giá, điều tra nên thông tin về trữ lượng, tài nguyên khoáng sản có độ tin cậy thấp, chưa đánh giá được giá trị của mỏ…", ông Trần Phương cho hay.
Sẽ có biện pháp nghiêm khắc xử lý dứt điểm tình trạng bất thường gây thất thoát tài nguyên
Để xử lý thực trạng này, Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, cơ quan này đã đề xuất các địa phương tiếp tục hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tỉnh, trong đó có phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh, trình phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản để đảm bảo căn cứ cấp phép hoạt động khoáng sản.

Ảnh minh họa
Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực vùng sâu, xa, biên giới, ven biển và hải đảo nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật về địa chất, khoáng sản, đất đai, môi trường; có các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo sự chuyển biến trong quần chúng nhân dân ý thức tự giác chấp hành pháp luật, tích cực tố giác các hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh trái phép khoáng sản.
Đặc biệt, các cơ quan chuyên ngành ở địa phương cần phối hợp với cơ quan thuế cưỡng chế các doanh nghiệp có nợ nghĩa vụ tài chính kéo dài; phối hợp với lực lượng công an, thanh tra,... giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Kiên quyết áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm, thu hồi giấy phép theo quy định đối với các trường hợp vi phạm.
Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng đề nghị các địa phương thường xuyên rà soát, xem xét giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thuê đất hoạt động khoáng sản; các trường hợp chậm triển khai xây dựng cơ bản mỏ,… nhằm đưa các dự án khai thác khoáng sản vào thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật về đất đai, khoáng sản, đầu tư và pháp luật khác có liên quan.
Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực địa chất và khoáng sản cũng đề xuất các địa phương xem xét việc cấp phép khai thác cho chủ đầu tư thực hiện các dự án đường cao tốc và dự án trọng điểm quốc gia, sau khi hoàn thành dự án phải nhanh chóng thực hiện công tác đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường. Cùng với đó, các địa phương cần tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các mỏ khai thác cát thực hiện không đúng các quy định pháp luật về khoáng sản nói chung; nhất là tình trạng đầu cơ, thao túng thị trường, đẩy giá khoáng sản làm vật liệu san lấp.