Trước khi về 'một nhà', giá bất động sản Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định thế nào?
Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định sẽ về sáp nhập, dự kiến lấy tên là tỉnh Ninh Bình. Trước khi sáp nhập, giá bất động sản tại 3 địa phương này biến động khác nhau.
Trung ương đã đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố. Trong đó, dự kiến tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định về “chung một nhà”, lấy tên là tỉnh Ninh Bình. Trung tâm chính trị - hành chính sẽ đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.
Cả 3 địa phương này đều thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, với thế mạnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Ninh Bình tăng 8,52%, vượt kế hoạch đề ra (Kế hoạch đề ra là 7,6%). Quy mô kinh tế ước đạt 98,9 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 96 triệu đồng.
GRDP của tỉnh Hà Nam năm 2024 ước đạt 56.116,6 tỷ đồng, tăng 10,93% so với năm 2023, cao thứ 2 trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng, thứ 4 toàn quốc. Đây là năm thứ ba liên tiếp địa phương duy trì mức tăng trưởng trên 10% và là mức cao nhất trong 5 năm qua. GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 109,8 triệu đồng, tăng 12,5% so với năm 2023.
Nam Định cũng ghi nhận những kết quả khả quan về kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2024 theo giá so sánh 2010 ước đạt 61.222 tỷ đồng, tăng 10,01% so với năm 2023, là mức tăng cao trong vùng (4/11) và cả nước (9/63).
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), số liệu sơ bộ năm 2023 cho thấy, Hà Nam có 35 dự án FDI được cấp phép, vốn đầu tư đăng ký là 549 triệu USD. Nam Định có 23 dự án, vốn đăng ký là 336,3 triệu USD. Ninh Bình có con số khiêm tốn 7 dự án, với vốn đăng ký 111,3 triệu USD.

Bất động sản Hà Nam "sốt nóng" cục bộ thời gian gần đây. Ảnh VNN.
Giá đất tại Hà Nam trước khi sáp nhập
Nằm tại cửa ngõ phía Nam thủ đô Hà Nội, Hà Nam sở hữu vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tỉnh kết nối trực tiếp với Hà Nội qua tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A, và các trục giao thông quốc gia như Quốc lộ 21, Quốc lộ 38, đường sắt Bắc – Nam. Đây là yếu tố nền tảng giúp Hà Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, lao động, và dịch vụ giữa thủ đô và các tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng…
Với vị trí địa lý thuận lợi, trong những năm gần đây, Hà Nam đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút gần 500 dự án đầu tư, trong đó 341 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 4,9 tỷ USD, với 285 dự án FDI đi vào hoạt động, kinh doanh và 56 dự án đang trong quá trình xây dựng.
Hà Nam ghi nhận 82 doanh nghiệp Nhật Bản và 108 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư. Các khu công nghiệp cũng không ngừng được mở rộng và xây mới với những cái tên tiêu biểu như khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn, KCN Châu Sơn và KCN Hòa Mạc.
Ngoài 10 khu công nghiệp hiện hữu với tổng diện tích hơn 2.000 ha, theo Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam dự kiến thành lập mới 14 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 3.500 ha và 14 cụm công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 805 ha...
Theo báo cáo thị trường bất động sản của VARs IRE, từ quý II/2024, giá bất động sản tại Hà Nam ghi nhận tăng nhẹ, 3-5% so với quý trước. Giá đất Hà Nam ở đô thị mặt đường lớn, nội thành hiện ở mức 100 triệu đồng/m2; trong ngõ 3,5m, nội thành dao động 30-40 triệu đồng/m2; mặt đường lớn, áp biên nội thành khoảng 38-42 triệu đồng/m2; khu vực Liêm Chính, Liêm Chung khoảng 31-31 triệu đồng/m2.
Đối với đất thổ cư, giá lô đất có chỗ cho ô tô đỗ trước cửa khoảng 10-15 triệu đồng/m2, xa trung tâm thành phố dao động từ 5-7 triệu đồng/m2; khu vực các huyện Thanh Liêm, Thanh Hà, Lý Nhân, Bình Lục dao động từ 15-20 triệu đồng/m2, đất nông nghiệp khoảng 90 triệu/sào. Đất nền quanh khu công nghiệp khoảng 16-25 triệu đồng/m2...

Giá đất tại Ninh Bình ghi nhận tăng đột biến trước khi sáp nhập. Ảnh BNB.
Giá đất tại Ninh Bình: Quốc hội quyết nghị thành lập thành phố Hoa Lư trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 103,49 km2, quy mô dân số là 83.613 người của huyện Hoa Lư và toàn bộ diện tích tự nhiên là 46,75 km2, quy mô dân số là 154.596 người của thành phố Ninh Bình.
Sau khi thành lập, thành phố Hoa Lư có diện tích tự nhiên là 150,24 km2 và quy mô dân số là 238.209 người. TP Hoa Lư giáp thành phố Tam Điệp, các huyện Gia Viễn, Nho Quan, Yên Khánh, Yên Mô và tỉnh Nam Định. Đó cũng là động lực thúc đẩy tăng giá về bất động sản tại Ninh Bình.
Theo đó, hiện tượng giá bất động sản tăng bất thường tại TP Hoa Lư được ghi nhận từ sau ngày 1/1/2025, khi TP Hoa Lư chính thức được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập huyện Hoa Lư vào TP Ninh Bình.
Theo báo cáo từ các cơ quan chức năng, giá đất ở tại nhiều khu vực thuộc TP Hoa Lư đã tăng từ 20% đến 30% so với năm 2024, thậm chí một số nơi ghi nhận mức tăng lên đến 40%.
Cụ thể, các lô đất nền có diện tích từ 70 m2 đến 80 m2 hiện được rao bán với giá dao động từ 3,3 tỷ đồng đến hơn 4 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với mức giá trước đó vài tháng.Một trường hợp điển hình được ghi nhận tại phường Ninh Mỹ, nơi một lô đất 80m² ban đầu được chào bán với giá hơn 2 tỷ đồng. Chỉ sau vài ngày, giá lô đất này đã tăng lên gần 3 tỷ đồng, và hiện tại, trên các nền tảng trực tuyến, mức giá rao bán đã chạm ngưỡng gần 4 tỷ đồng.
Tương tự, tại các khu vực khác như phường Ninh Phong hay Ninh Khánh, giá đất cũng xuất hiện xu hướng tăng nhanh, với nhiều tin rao bán được đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội và các kênh môi giới.
Tuy nhiên, thông tin từ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Ninh Bình cho thấy số lượng giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế không tăng đột biến.
Giá đất tại Nam Định: Nam Định là một tỉnh nằm ở miền Bắc Việt Nam, nằm ở vùng ven biển phía đông và giữa hai con sông Đà và sông Hồng. Với vị trí địa lý thuận lợi và kinh tế phát triển, Nam Định đang là điểm đến thu hút rất nhiều người quan tâm đến mua bán nhà đất.
Trên thị trường bất động sản, giá nhà đất ở Nam Định cũng đang tăng dần theo nhịp sống phát triển của tỉnh thành này. Theo bảng giá nhà đất Nam Định mới nhất năm 2025, đất tại thành phố Nam Định có diện tích từ 100-200 m2 có giá 2-4 tỷ đồng; khu đô thị mới từ 80-150 m2 có giá 1,5-3 tỷ đồng; các xã ngoại ô có diện tích từ 100-300 m2 có giá từ 1-3 tỷ đồng; khu du lịch biển diện tích từ 200-500 m2 có giá từ 5-15 tỷ đồng...
Nhìn chung, bất động sản tại Nam Định ít biến động hơn Hà Nam và Ninh Bình.