Đấu giá khối băng tần 'vàng' cho mạng 5G: Giấy phép chỉ có 1, nhiều doanh nghiệp muốn trúng
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.500-2.600MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất.
Mặc dù giá khởi điểm được đưa ra thấp hơn gần 5 lần so với lần đấu giá không thành hồi tháng 5 và tháng 6-2023 (băng tần 2.300-2.400MHz) song chỉ có một khối băng tần được đấu giá khiến các doanh nghiệp lo ngại không có cơ hội cung cấp dịch vụ 5G chất lượng đến khách hàng…
Giá khởi điểm sát với thực tế
Cụ thể, mức giá khởi điểm của khối băng tần 2.500-2.600MHz xấp xỉ 3.984 tỷ đồng. Doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đặt trước 200 tỷ đồng. Giấy phép được cấp sử dụng băng tần sau khi trúng đấu giá có thời hạn 15 năm.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng quy định 4 cam kết, trong đó sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép, nhà mạng phải triển khai tối thiểu 3.000 trạm BTS 5G sử dụng băng tần 2.500-2.600MHz (có thể triển khai trạm BTS 4G). Nhà mạng chính thức cung cấp dịch vụ di động sử dụng băng tần này muộn nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp phép; tại thời điểm cung cấp dịch vụ, phát sóng tối thiểu 30% số lượng trạm BTS cam kết triển khai trong 2 năm đầu tiên. Trong điều kiện khả thi về công nghệ, kỹ thuật, nhà mạng phải cam kết chuyển vùng dịch vụ viễn thông giữa các mạng khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước…
Như vậy, so với lần đấu giá băng tần 2.300-2.400MHz không thành hồi tháng 6-2023 (có giá khởi điểm là trên 5.798 tỷ đồng cho 1 khối băng tần 30MHz), mức giá khởi điểm đối với đấu giá tần số 2.500-2.600MHz sắp tới giảm gần 5 lần (khoảng 80%). Số tiền đặt cọc tham gia đấu giá cũng thấp hơn so với lần trước (580 tỷ đồng).
Tham gia tư vấn về lĩnh vực viễn thông ở Việt Nam từ năm 2007, chuyên gia Scott W Minehane, Giám đốc điều hành Công ty Windsor Place Consulting (trụ sở chính tại Australia) cho rằng, mức giá khởi điểm đấu giá với băng tần 2.500-2.600MHz là phù hợp với điều kiện Việt Nam. Mức giá này chỉ bằng 1/3 so với một số nước trong khu vực, như Thái Lan, Indonesia.
Nhận định về mức giá khởi điểm trên, đại diện một nhà mạng cho biết, so với lần đấu giá băng tần 2.300-2.400MHz không thành, ở lần đấu giá này, mức thu cơ sở đã được xây dựng khoa học hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế về cách thức tính toán dựa trên dữ liệu tham chiếu.
Nhiều câu hỏi với đấu giá băng tần “vàng”
Từ lâu, các chuyên gia trong ngành đã ví băng tần 2.500-2.600MHz là băng tần “vàng” trong khai thác di động. Theo chuyên gia Scott W Minehane, băng tần 2.500-2.600MHz đáp ứng được cả 2 yêu cầu giúp các nhà mạng khai thác hiệu quả về vùng phủ sóng và tốc độ truy cập internet cao.
Bày tỏ mong muốn tham gia đấu giá băng tần “vàng” này, song một số nhà mạng cho biết cũng có không ít lo ngại. Theo báo cáo của tổ chức di động toàn cầu GSMA, tình hình kinh doanh di động tại các thị trường trên thế giới và châu Á những năm tới sẽ không tăng trưởng nhiều về doanh thu, nếu không có đột phá mạnh về công nghệ và dịch vụ. Dự kiến doanh thu chỉ tăng trưởng 1-3%/năm tại các nhà cung cấp dịch vụ đã triển khai 5G. Trong khi đó, chi phí đầu tư, vận hành sẽ tăng cao khi triển khai 5G, do phải thay đổi toàn bộ kiến trúc, đầu tư thêm nhiều phần tử mạng mới.
Do vậy, với giá khởi điểm công bố, doanh nghiệp sẽ phải tính toán điều chỉnh chiến lược kinh doanh, dịch vụ trong điều kiện bỏ thêm chi phí lớn để có tần số. Đây là thách thức lớn nhất, cần có sự tính toán chi tiết, thận trọng, đặc biệt là với doanh nghiệp nhà nước. Đại diện một nhà mạng cũng cho rằng, việc Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ công bố đấu giá 1 tần số với 1 khối băng tần 100MHz (khác với lần đấu giá băng tần 2.300-2.400MHz gồm 3 khối, mỗi khối 30MHz) dẫn tới sẽ chỉ có 1 doanh nghiệp trúng và triển khai mạng lưới. Đây là điểm cơ quan quản lý nên cân nhắc.
Khi chỉ có 1 nhà mạng trúng đấu giá, các doanh nghiệp khác sẽ không có cơ hội có được tần số để triển khai mạng lưới, dịch vụ. Đồng nghĩa, khách hàng của các nhà mạng này cũng sẽ không được sử dụng dịch vụ 5G mới.
Trường hợp đợi Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy hoạch băng tần tiếp theo (3.560-4.000MHz) và tổ chức đấu giá, doanh nghiệp trúng giá sẽ phải mất ít nhất 1 năm trở lên mới có thể triển khai dịch vụ. Việc này dẫn tới doanh nghiệp bị mất thị phần, giảm doanh thu, kinh doanh có thể thua lỗ.
Đại diện các nhà mạng kiến nghị, để đấu giá tần số, cơ quan quản lý nhà nước cần có quy hoạch các băng tần. Trong đó, phải thể hiện băng tần nào, được chia bao nhiêu khối, dùng cho mục đích gì; số lượng các băng tần mà doanh nghiệp được phép tham gia đấu giá. Khi có thông tin đầy đủ, doanh nghiệp sẽ xây dựng chiến lược tần số của mình và tham gia đấu giá…
Băng tần vốn là tài nguyên đầu tiên và quan trọng nhất để nhà mạng xây dựng hạ tầng, cung cấp dịch vụ mới 5G. Do vậy, các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ tham gia đấu giá. Nhưng nếu chỉ một doanh nghiệp có được giấy phép đồng nghĩa chỉ có 1 đơn vị cung cấp dịch vụ 5G. Đây là điều cơ quan quản lý cần xem xét, cân nhắc thêm.