Đấu giá nhiều cổ vật quý và tác phẩm nghệ thuật Việt Nam tại Pháp

Ngày 31/10, tại thủ đô Paris, nhà đấu giá Millon đã mở các phiên bán đấu giá trên 300 cổ vật và tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam.

Trong số này có gần 100 cổ vật là bình, bát, đĩa sứ, chai lọ, lư hương, tượng đồng… có niên đại từ thế kỷ XVII, XIX; hơn 150 tác phẩm nghệ thuật tranh lụa, sơn dầu, sơn mài của nhiều cố họa sĩ nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Lê Phổ, Mai Trung Thứ... và khoảng 50 đồ vật chạm khảm.

Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng được hãng Millon dự kiến đưa ra đấu giá ngày 10/11/2022. (Nguồn: TTXVN)

Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng được hãng Millon dự kiến đưa ra đấu giá ngày 10/11/2022. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều cổ vật quý triều Nguyễn như huân chương, huy chương, phù hiệu, đồng tiền, chén vàng… của vua Minh Mạng, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại cũng được đưa ra đấu giá lần này, trong đó đặc biệt có chiếc Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng và chiếc bát vàng thời vua Khải Định mang giá trị lịch sử cao.

Trong phiên đấu giá, chiếc bát vàng quý hiếm thời vua Khải Định (1916-1925), được chạm nổi những con rồng vờn ngọc thiêng với dấu "Khải Định Niên Chế" khắc dưới đế bát, đã được mua lại với giá 680.000 Euro, mức giá cao nhất trong phiên đấu giá lần này.

Tấm kim bài bằng vàng thời vua Duy Tân (1907-1916), hình chữ nhật, hai mặt có trang trí chạm khắc hình rồng và cá chép vượt vũ môn, ở giữa khắc dòng chữ Hán Nôm có nghĩa "Duy Tân ân tặng" và "Toàn quyền phủ quản lý" cũng được trả giá 70.000 Euro.

Riêng chiếc Kim ấn bằng vàng, nặng 10kg, đúc năm 1823 dưới triều vua Minh Mạng (1820-1841), biểu tượng cho quyền lực tối cao của Thiên hoàng trong chế độ quân chủ của nhà nước phong kiến Việt Nam, có giá chào bán ban đầu khoảng 2-3 triệu Euro.

Phiên bán đấu giá lệnh bài dưới thời vua Duy Tân. (Nguồn: TTXVN)

Phiên bán đấu giá lệnh bài dưới thời vua Duy Tân. (Nguồn: TTXVN)

Tuy nhiên, theo thông báo từ đại diện hãng đấu giá, "do sự quan tâm lớn của Nhà nước Việt Nam đối với bảo vật này nên thời gian đấu giá sẽ rời đến 12h ngày 10/11".

Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã làm việc với các bên liên quan đến việc bán đấu giá Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng.

Liên quan đến hoạt động chống buôn bán trái phép cổ vật và nỗ lực "hồi hương" cổ vật về Việt Nam, Đại diện Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết, Việt Nam đã và đang xây dựng, hoàn thiện những quy định pháp luật về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Việt Nam đã tham gia Công ước UNESCO 1970 về Chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa từ năm 2005. Đặc biệt, từ khi Luật Di sản văn hóa (năm 2001) được sửa đổi, bổ sung (năm 2009) với hàng loạt văn bản liên quan khác, việc quản lý di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia ở Việt Nam đã được thực hiện tốt, với sự tham gia của người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan.

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ cổ vật trong di tích và ngăn chặn đào bới, trục vớt trái phép di chỉ khảo cổ học.

Bộ VHTT&DL cũng đã ban hành một số thông tư nhằm tăng cường công tác quản lý về cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia tại Việt Nam.

Theo đại diện Cục Di sản văn hóa, thời gian qua, việc quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại bảo tàng, di tích đã có những bước tiến. Những năm gần đây, số vụ mất cắp cổ vật tại bảo tàng, di tích đã giảm hẳn cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng.

Hầu như không còn tình trạng thăm dò, khai quật địa điểm khảo cổ không có giấy phép. Việc tự ý tìm kiếm, đào bới làm sai lệch hoặc gây nguy cơ xâm hại, hủy hoại địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ; trao đổi, mua bán và vận chuyển trái phép di vật khảo cổ đã giảm hẳn.

Với sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc thực thi các hướng dẫn của Công ước UNESCO 1970, một số nước đã điều tra và hoàn trả một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam về cho nước ta.

Cụ thể, Nhật Bản đã trao trả chuông chùa Ngũ Hộ (tỉnh Bắc Ninh năm 1978), Đức trả 18 cổ vật năm 2018, Hoa Kỳ trao trả cổ vật buôn bán trái phép vào năm 2022…

Đặc biệt, những năm gần đây, có một số cá nhân, tổ chức đã tham gia đấu giá cổ vật có nguồn gốc Việt Nam và hiến tặng cho các bảo tàng, di tích. Các cổ vật như xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn đã được đưa về Huế năm 2022.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dau-gia-nhieu-co-vat-quy-va-tac-pham-nghe-thuat-viet-nam-tai-phap-204145.html