Đấu giá tần số, phát triển 5G sẽ thúc đẩy kinh tế số, xã hội số cho Việt Nam
Sau hơn 10 năm, việc đấu giá tần số đã được thực hiện. Đây là dấu mốc mới của ngành viễn thông Việt Nam theo xu thế thị trường, cạnh tranh lành mạnh.
Việc cấp phép tần số tại Việt Nam được chia làm hai giai đoạn. Trước khi có Luật Tần số vô tuyến điện (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010) thì căn cứ vào năng lực, yêu cầu của nhà mạng để cấp phép - gọi là hình thức thi tuyển. Hình thức này được áp dụng cho việc lấy giấy phép băng tần 3G.
Đến tháng 7/2010, việc cấp phép tần số được thực hiện theo Luật Tần số vô tuyến điện. Luật này quy định với các băng tần có giá trị kinh tế cao và khả năng đáp ứng thấp hơn nhu cầu thì thi tuyển hoặc là đấu giá. Việc đấu giá băng tần nào do Thủ tướng quy định.
Hơn 10 năm chờ đấu thầu tần số
Tuy Luật Tần số vô tuyến điện quy định các doanh nghiệp phải đấu giá để có được băng tần, nhưng việc đấu giá gặp nhiều khó khăn. Tại Kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV ngày 21/10/2022, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị giải thích lý do tại sao 13 năm qua chưa đấu giá tần số, nguyên nhân là ở quy định của pháp luật hay vướng mắc trong thực tiễn triển khai và giải pháp khắc phục.
Theo ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thì vào cuối năm 2009, doanh nghiệp viễn thông mới được cấp phép sử dụng tần số để triển khai công nghệ 3G, trong khi đó, doanh nghiệp cần 7 đến 10 năm để triển khai mạng và thu hồi vốn đầu tư. Vì vậy, việc đấu giá tần số không được áp dụng ngay sau khi Luật có hiệu lực.
Đến tháng 12/2016, Bộ TT&TT thành lập Hội đồng đấu giá để triển khai đấu giá băng tần 2600 MHz theo nhu cầu của doanh nghiệp viễn thông để triển khai mạng thông tin di động 4G. Trong quá trình triển khai theo Luật Đấu giá tài sản (có hiệu lực từ 1/7/2017), Bộ TT&TT vừa là cơ quan phê duyệt giá khởi điểm lại vừa là cơ quan phê duyệt dự án đầu tư đối với 2 doanh nghiệp nhà nước do Bộ TT&TT đại diện chủ sở hữu là VNPT và MobiFone nên có khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.
Trong các năm 2017 - 2018, Bộ TT&TT đã 3 lần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan nhằm tháo gỡ các khó khăn để tiếp tục thực hiện đấu giá. Tuy nhiên, để bảo đảm tính chặt chẽ của pháp luật và phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Bộ Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư báo cáo. Đến tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý không áp dụng Quyết định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện mà xây dựng Nghị định mới trước khi tổ chức đấu giá.
Việc đấu giá tần số vô tuyến điện là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, việc hoàn thiện thể chế có liên quan chưa theo kịp quá trình phát triển và đòi hỏi của thực tiễn.
Theo Bộ TT&TT, tần số là tài sản vô cùng quý hiếm, có giá trị rất cao và theo quy định phải thực hiện đấu giá. Nhiều năm qua chưa thực hiện đấu giá tần số vì có vướng mắc, nhất là Luật Đấu giá tài sản điều chỉnh các phương pháp xác định giá không phù hợp với tần số. Luật Quản lý sử dụng tài sản công vào năm 2017 đã tạo căn cứ và Chính phủ đã ban hành nghị định liên quan cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép... Cùng với việc trình sửa đổi một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, việc đấu giá tần số mới có thể triển khai.
Đấu giá tần số 5G bước đầu thành công
Chia sẻ về quá trình quản lý, cấp phép tần số, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục tần số Vô Tuyến điện (Bộ TT&TT) nhấn mạnh: Để thương mại hóa 5G, việc đầu tiên Nhà nước cần làm là cấp phép sử dụng băng tần chính thức cho các doanh nghiệp để thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ. Cấp phép băng tần 5G phải thực hiện bằng hình thức đấu giá tần số.
Việc cấp phép tần số bằng hình thức đấu giá không phải là chính sách mới hoàn toàn mà đã được quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009. Việc này nhằm 2 mục tiêu: Minh bạch hóa quy trình cấp phép tần số quý hiếm và thu tiền sử dụng tài nguyên cho ngân sách.
“Mục tiêu quan trọng nhất là minh bạch quy trình để cấp phép sử dụng cho những doanh nghiệp đủ năng lực sử dụng hiệu quả tài nguyên quý hiếm này, đảm bảo cho thị trường thông tin di động phát triển tốt và cạnh tranh lành mạnh”, ông Đoàn Quang Hoan nói.
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), cho biết hiện công nghệ 5G đã chín muồi so với 2 - 3 năm trước. Qua thời gian thử nghiệm, các nhà mạng đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ 5G và quan tâm đến việc đấu giá băng tần cho 5G. Hiện đa số quốc gia trên thế giới đều chọn hình thức đấu giá vì thế giới thừa nhận đây là hình thức minh bạch nhất.
Sau khi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cùng với Bộ TT&TT ra cơ chế tháo gỡ những vướng mắc trong việc đấu giá tần số, chiều 8/3/2024, Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 Quốc gia đã tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz). Sự kiện này đánh dấu dấu mốc mới cho viễn thông Việt Nam khi chuyển từ cấp phát, thi tuyển sang đấu giá để có được tần số. Sau 24 vòng đấu, Viettel là doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng tần số 2500MHz - 2600MHz. Đây là lần đầu tiên tổ chức đấu giá thành công sau 15 năm kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua.
Phát biểu khai mạc phiên đấu giá, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho hay, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng với ngành TT&TT, kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên mới cho 5G, là cơ sở để phát triển hạ tầng số, phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia: “Sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt không chỉ thể hiện cam kết của Bộ TT&TT trong việc thúc đẩy phát triển ngành viễn thông, mà còn là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp tham gia đấu giá phát triển thương mại hóa 5G, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước”.
5G sẽ thúc đẩy kinh tế số, xã hội số cho Việt Nam
Chia sẻ về vấn đề phát triển mạng 5G, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, các nhà mạng là nghề hạ tầng, lợi thế cạnh tranh chính cũng là hạ tầng. Các nhà mạng phải đầu tư cho hạ tầng từ 15- 20% doanh thu cho hạ tầng và khi có công nghệ mới như 5G thì phải đầu tư lớn hơn từ 20 – 25% doanh thu. Nhấn mạnh 5G là không gian mới quan trọng của nhà mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nếu không có 5G thì nhà mạng sẽ không có tăng trưởng 10%, nhưng tăng trưởng 10% thì không chỉ là 5G mà là một hệ sinh thái 5G.
Đất nước phát triển thì phải dựa vào không gian mới. Không gian phát triển mới thì chủ yếu là không gian số. Không gian mới thì cần hạ tầng mới. Đó là hạ tầng số. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Năm 2024, Bộ TT&TT sẽ thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc.
Chủ tịch Qualcomm khu vực Đài Loan (Trung Quốc) và Đông Nam Á - cho rằng 5G tại Việt Nam sẽ giống như "đường cao tốc về dữ liệu", mở ra nhiều cơ hội để chuyển đổi số.
Còn ông Hidetaka Shiraishi, Giám đốc cấp cao tiếp thị và triển khai 5G trên toàn cầu của Huawei Technologies nhìn nhận: Nếu như kinh tế truyền thống xây dựng và dựa vào nguồn tài nguyên như quặng, khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch thì kinh tế số lại sử dụng dữ liệu. 5G cho thấy đó là một yếu tố quan trọng cho sự chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế kỹ thuật số một cách rõ rệt hơn. 5G là yếu tố quan trọng của chuyển đổi số. Nhưng thực tế, 5G thậm chí còn có nhiều giá trị hơn thế. 5G đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.
Đồng tình với quan điểm trên đại diện Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia khẳng định: "Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng đến năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3 đến 7,4% bởi công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp. Ngoài ra, 5G còn góp phần phát triển về mặt xã hội và kỹ năng số của người dân Việt Nam, từ đó tạo ra những công việc liên quan tới khoa học, công nghệ, môi trường, sản xuất".