Dầu giảm giá nhẹ do giảm dần lo ngại về nguồn cung sau cuộc khủng hoảng Ukraine

Reuters 23/2/2022 đưa tin hôm thứ Tư, sau khi tăng lên mức cao nhất trong 7 năm vào phiên hôm thứ Ba, giá dầu giảm nhẹ khi thị trường biết rằng làn sóng các biện pháp trừng phạt đầu tiên của Mỹ và châu Âu đối với Nga sẽ không làm gián đoạn nguồn cung dầu. Triển vọng tiềm năng dầu thô Iran quay trở lại thị trường nhiều hơn, với khả năng Tehran và các cường quốc thế giới sắp khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, cũng hạn chế sự tăng giá dầu.

Các kỹ sư dầu khí của Saudi Aramco đang làm việc tại một cơ sở dầu khí miền đông Ả Rập Xê-út. Ảnh: AFP.

Các kỹ sư dầu khí của Saudi Aramco đang làm việc tại một cơ sở dầu khí miền đông Ả Rập Xê-út. Ảnh: AFP.

Dầu thô Brent LCOc1 tăng 30 cent, tương đương 0,3%, lên 97,14 USD/thùng vào lúc 0442 GMT, sau khi tăng vọt lên 99,50 USD hôm thứ Ba, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014. Dầu thô CLc1 giao sau WTI của Mỹ cũng tăng 30 cent, tương đương 0,3% lên 92,21 USD/thùng, sau khi chạm 96 USD vào thứ Ba.

Người sáng lập công ty phân tích thị trường dầu Vanda Insights Vandana Hari cho biết các đồng minh NATO đang giữ lại một số biện pháp trừng phạt như con bài mặc cả, điều đó cũng có nghĩa là cánh cửa ngoại giao vẫn còn rộng mở. Thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn còn là một khả năng. Hai yếu tố này sẽ khiến dầu thô dao động trong biên độ và giữ giá dầu Brent dao động quanh mức 100 USD trong thời điểm hiện tại.

Giá dầu tăng hôm thứ Ba do lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga có thể ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng, nhưng Mỹ nói rõ rằng sẽ không có tác động đến xuất khẩu năng lượng. Cuối ngày thứ Ba, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên các biện pháp trừng phạt đang được áp dụng hôm nay cũng như có thể được áp dụng trong tương lai gần không nhằm vào các dòng dầu và khí đốt.

Một cơ sở sản xuất dầu của Gazprom tại vùng Yamal, Nga. Ảnh: Petr Shelomovskiy/AP.

Một cơ sở sản xuất dầu của Gazprom tại vùng Yamal, Nga. Ảnh: Petr Shelomovskiy/AP.

Các lệnh trừng phạt do Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Úc, Canada và Nhật Bản áp đặt hôm thứ Ba tập trung vào các ngân hàng và giới tinh hoa Nga, trong khi Đức tạm dừng dự án đường ống dẫn khí đốt lớn từ Nga là Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2), để xử lý một trong những cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ.

Các nhà ngoại giao cho biết Iran và các cường quốc trên thế giới đang trên đà đạt được thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran. Như vậy, Iran có khả năng được xuất khẩu hơn 1 triệu thùng dầu/ngày. Khả năng này cũng sẽ giúp hạ nhiệt giá dầu. Chuyên gia phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Commonwealth Bank cho biết, ẩn số lớn là Iran có thể thực sự thúc đẩy xuất khẩu của mình nhanh như thế nào. Các thành viên khác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã phải vật lộn để đạt các mục tiêu sản xuất do thiếu đầu tư đầy đủ vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ và Iran cũng có thể phải đối mặt với vấn đề tương tự./.

Thanh Bình

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/dau-giam-gia-nhe-do-giam-dan-lo-ngai-ve-nguon-cung-sau-cuoc-khung-hoang-ukraine-642840.html