Dấu hiệu cần đưa trẻ bị sởi tới bệnh viện

Con tôi vừa bị bệnh sởi. Tôi nên chăm sóc ra sao và trường hợp nào cần đưa bé đến bệnh viện?

Con tôi vừa bị bệnh sởi. Tôi nên chăm sóc ra sao và trường hợp nào cần đưa bé đến bệnh viện?

Cử nhân điều dưỡng Vũ Thị Thảo, khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp. Bệnh rất dễ lây và thường gặp ở trẻ em. Khi chăm sóc trẻ bị sởi tại nhà, người thân cần chú ý:

Đảm bảo về đường thở cho trẻ: Các triệu chứng về hô hấp thường liên quan tới ho nhiều và xuất tiết đờm dãi. Vì vậy, trẻ cần được thông thoáng đường thở bằng các biện pháp như nằm cách ly, vệ sinh mũi miệng thường xuyên với nước muối sinh lý nếu xuất tiết ít, vỗ rung long đờm khi tăng tiết.

Đảm bảo thân nhiệt cho trẻ: Trẻ thường sốt cao 39-40 độ C. Do đó, bé nên được giảm nhiệt độ về bình thường bằng các biện pháp như nằm nơi thoáng mát, nới rộng quần áo; chườm ấm 3 vị trí (trán, hai bên hố nách và bẹn); dùng hạ sốt khi nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng 38,5 độ C theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người thân cần tránh để trẻ bị lạnh, cho bé uống oresol theo yêu cầu, bù nước và điện giải đầy đủ.

Phát hiện các biến chứng của bệnh: Bệnh nhân có thể bị các biến chứng như sốt cao gây co giật, rối loạn ý thức, ngủ gà, hôn mê; viêm kết mạc mắt nặng làm chảy nước mắt nhiều, viêm loét kết mạc, nhiều rỉ mắt, làm giảm thị lực; tiêu hóa gây viêm niêm mạc miệng (cam tẩu mã) do bội nhiễm xoắn khuẩn, lan sâu vào trong xương hàm; rối loạn tiêu hóa do mất nước, rối loạn điện giải. Do đó, phụ huynh cần chú ý chăm sóc để giảm nguy cơ các biến chứng này.

Bạn cần cho trẻ nằm nơi yên tĩnh, thông thoáng khí, theo dõi sát nước tiểu trong ngày, uống oresol theo nhu cầu thay nước, dùng thêm các nước hoa quả như cam, dưa hấu, sinh tố… Thực hiện các y lệnh của bác sĩ như thở oxy, tiêm thuốc chống co giật, lấy xét nghiệm cấp tính nếu trẻ nằm điều trị tại cơ sở y tế.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ: Gia đình nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, dễ tiêu, uống nhiều nước. Trẻ đang bú mẹ nên tiếp tục cho bú mẹ. Trẻ đang ăn bổ sung ngoài sữa mẹ cần ưu tiên khẩu phần đủ chất dinh dưỡng, nhất là những thức ăn giàu protein và vitamin A.

Chăm sóc ngoài da phòng nguy cơ nhiễm trùng: Bạn nên tắm rửa cho trẻ bằng nước sôi để nguội, lau khô bằng khăn bông; vệ sinh răng miệng ngày 3 lần trước ăn; có viêm da thì không rửa cho bệnh nhân bằng nước xà phòng; cắt móng tay cho trẻ, tránh gãi, làm xước da dẫn đến viêm da; nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý ngày 3 lần; uống vitamin A đầy đủ.

Tái khám tại các cơ sở y tế khi trẻ có biểu hiện:

- Trẻ sốt cao liên tục 39-40 độ C.

- Ho nhiều, đau tai, chảy mủ tai.

- Li bì, khó đánh thức, ăn uống kém, không chịu chơi, không tập trung.

- Trẻ còn sốt cao liên tục khi đã phát ban toàn thân.

- Nôn và tiêu chảy nhiều lần, có biểu hiện mất nước…

Độc giả Minh Khuê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-hieu-can-dua-tre-bi-soi-toi-benh-vien-post1344956.html