Dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Covid-19 và cách phòng tránh

Ngày 16-1-2020 Bộ Y tế đã ra quyết định số 125/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19).

Rửa tay thường xuyên để phòng ngừa dịch bệnh

Rửa tay thường xuyên để phòng ngừa dịch bệnh

* Dấu hiệu nghi nghờ

1. Sốt và viêm phổi, hoặc viêm phổi kẽ, hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-quang tổn thương các mức độ khác nhau mà không lý giải được bằng các nhiễm trùng hoặc căn nguyên khác, bao gồm tất cả các trường hợp có chỉ định lâm sàng xét nghiệm viêm phổi cộng đồng.

Sống hoặc đi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do Covid-19 trong vòng 14 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng.

Tiếp xúc (trong thời gian ủ bệnh 14 ngày) với trường hợp sốt và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân xuất hiện trong vòng 14 ngày sau khi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do Covid-19.

2. Sốt và có các triệu chứng bệnh lý hô hấp (ho, khó thở..). Và có mặt tại các cơ sở y tế ở các vùng dịch tễ đã xác định có các ca mắc bệnh do Covid-19 mới liên quan tới chăm sóc y tế.

Hoặc tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày.

3. Sốt hoặc có các triệu chứng hô hấp và khởi phát trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc với trường hợp có thể hoặc khẳng định mắc bệnh do Covid-19.

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân cũng như những người xung quanh, người dân nên tự giác đến các cơ sở y tế kiểm tra ngay khi có yếu tố dịch tễ và các triệu chứng lâm sàng sau: sốt cao, ho, đau tức ngực, khó thở (thường sau 5-6 ngày phơi nhiễm với Covid-19). Các triệu chứng này sẽ không giống như cảm cúm thông thường mà biểu hiện tình trạng khó thở tăng lên, suy hô hấp. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, không tự ý chữa bệnh.

* Những điều cần làm để phòng tránh Covid-19

Tăng cường sức đề kháng của cơ thể

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng: Mỗi bữa ăn hằng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều nhóm thực phẩm khác nhau, bao gồm các nhóm thực phẩm sau: nhóm chất bột đường (có nhiều trong gạo, ngô, khoai, sắn...), nhóm chất đạm (có trong thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua và các loại đậu), nhóm chất béo (mỡ động vật và dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả…). Sử dụng những thực phẩm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể như: mật ong, chanh, gừng, tỏi, sả… và những hoa quả có nhiều vitamin các loại.

Uống đủ nước mỗi ngày: trung bình là 2 lít nước hằng ngày, nhất là vào những ngày nắng nóng.

Tập thể dục đều đặn: các bài tập thể dục đều đặn và thường xuyên giúp nâng cao hệ miễn dịch cơ thể như chạy bộ, đạp xe, bơi…

Các biện pháp phòng tránh

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh; trước khi ăn; và sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi. Nếu xà phòng và nước không có sẵn, hãy sử dụng các dung dịch sát khuẩn.

- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay không rửa sạch.

- Súc miệng thường xuyên bằng những dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi đi làm, đi chỗ đông người về, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy.

- Giữ vệ sinh chung: Đeo khẩu trang khi ra chỗ đông người hoặc nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

- Che mũi, miệng kín khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy rồi cho chúng vào thùng rác có nắp đậy và sát khuẩn, rửa tay ngay sau đó.

- Hạn chế đến nơi tập trung đông người hoặc có người nghi ngờ nhiễm bệnh.

- Tránh tiếp xúc với các động vật hoang dã. Sử dụng thịt động vật phải được nấu chín.

- Làm sạch và khử trùng các đồ vật và bề mặt thường xuyên chạm vào bằng cách sử dụng cồn hoặc chất sát khuẩn tay nhanh (điện thoại, chùm chìa khóa, máy tính, ví, nắm tay cửa, bàn làm việc...). Nên dùng mu tay để bấm các nút nơi công cộng, khủy hoặc vai để mở cánh cửa nơi công cộng hoặc dùng giấy lót trước khi cầm nắm tay cửa.

- Vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ, thông thoáng.

Bác sĩ Hồ Thị Hồng (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202002/dau-hieu-nghi-ngo-nhiem-covid-19-va-cach-phong-tranh-2988132/