Dấu hiệu nhận biết nói dối qua ngôn ngữ cơ thể

Bạn muốn trở thành người chuyên nghiệp trong việc phát hiện những kẻ nói dối? Hãy chú ý ngôn ngữ cơ thể của họ.

Bất kỳ người nào tập trung khi giao tiếp đều có thể nhận ra kẻ nói dối đang... đứng trước mặt mình. (Ảnh: ITN).

Bất kỳ người nào tập trung khi giao tiếp đều có thể nhận ra kẻ nói dối đang... đứng trước mặt mình. (Ảnh: ITN).

Kỹ năng phát hiện nói dối

Khả năng giải mã những gì đang diễn ra trong tâm trí người khác, hoặc ít nhất là phát triển các giả thuyết về nó, là điều cho phép chúng ta hợp tác với họ dựa trên sự tin tưởng hoặc có thể giành được lợi thế trước đối thủ trong các tình huống cạnh tranh.

Trong một văn bản cổ của Ấn Độ giáo, có niên đại từ năm 900 trước Công nguyên, có nói rằng người đang nói dối có xu hướng nghịch tóc, run nhẹ hoặc chà các ngón chân của bàn chân trần xuống đất ngay ở thời điểm nói dối.

Gần 2.800 năm sau, Sigmund Freud - cha đẻ của Phân tâm học, tuyên bố rằng cơ thể của những kẻ nói dối thường xuyên phản bội họ và những lời nói dối đó thấm qua từng lỗ chân lông của họ. Theo ông, bất kỳ người nào căng mắt căng tai để tập trung khi giao tiếp đều có thể nhận ra kẻ nói dối đang... đứng trước mặt mình.

Kể từ đầu thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu và phân tích chủ đề “Con người có thực sự biết cách nhận biết khi nào họ đang bị lừa dối không, và những dấu hiệu cơ thể đặc trưng của người đang nói dối là gì?”. Kết luận có thể làm bạn kinh ngạc.

Hành vi phi ngôn ngữ của kẻ nói dối

Người đang nói dối có xu hướng nghịch tóc, run nhẹ hoặc chà các ngón chân của bàn chân trần xuống đất ngay ở thời điểm nói dối. (Ảnh: ITN).

Người đang nói dối có xu hướng nghịch tóc, run nhẹ hoặc chà các ngón chân của bàn chân trần xuống đất ngay ở thời điểm nói dối. (Ảnh: ITN).

Nếu chúng ta ngờ nghệch trong việc phát hiện lời nói dối, tại sao chúng ta vẫn tin rằng mình có thể phân biệt được người nói thật và người nói dối dựa trên hành vi của họ? Có lẽ nếu chúng ta hiểu được điều gì diễn ra trong tâm trí kẻ nói dối, chúng ta sẽ biết nơi bắt đầu để tìm ra những dấu hiệu lừa dối.

Năm 1969, các nhà tâm lý học Wallace Friesen và Paul Ekman đã đề xuất lý thuyết có cấu trúc đầu tiên nhằm giải thích mối liên hệ giữa sự lừa dối và hành vi phi ngôn ngữ.

Dựa trên các mô hình phân tâm học về lý thuyết cảm xúc vô thức của Freud, họ lập luận rằng việc không thể kìm nén hoàn toàn những cảm xúc liên quan đến lừa dối - lo lắng, sợ hãi hoặc thậm chí vui mừng trước viễn cảnh lừa dối thành công - có thể khiến một người tiết lộ lời nói dối của họ.

Không có tín hiệu phi ngôn ngữ đầy đủ nào được xác định để phát hiện lời nói dối. (Ảnh: ITN).

Không có tín hiệu phi ngôn ngữ đầy đủ nào được xác định để phát hiện lời nói dối. (Ảnh: ITN).

Theo giả thuyết này (còn được gọi là “Giả thuyết rò rỉ”), khi ai đó nói dối, những cảm xúc không thể che giấu sẽ nảy sinh và chúng biểu hiện qua những chuyển động cơ thể có thể được phát hiện.

Trong số những dấu hiệu này, hành vi hạ thấp ánh nhìn để tránh giao tiếp bằng mắt, chớp mắt, hắng giọng và thay đổi cao độ của giọng nói, là rất phổ biến.

Mặc dù “Giả thuyết rò rỉ” đã trở nên phổ biến rộng rãi trong công chúng nhưng cộng đồng khoa học vẫn nhìn nó với thái độ hoài nghi. Họ cho rằng trong thực tế, không có tín hiệu phi ngôn ngữ đầy đủ nào được xác định để phát hiện lời nói dối.

Sau này, một lý thuyết xã hội tiên tiến hơn, được gọi là Lý thuyết Tự trình bày, lập luận rằng cả người nói dối và người nói thật đều có chung một mục tiêu: mong muốn đối phương coi mình là người thật thà. Để đạt được mục đích này, họ cố gắng cư xử theo cách thể hiện rằng mình đang có được sự tín nhiệm.

Tuy nhiên, bất chấp mục tiêu chung, có một sự khác biệt quan trọng giữa người nói thật và người nói dối: Không giống như người nói thật, kẻ nói dối biết rằng độ tin cậy mà họ cố gắng truyền đạt dựa trên những cơ sở không chắc chắn. Sự khác biệt này có thể dẫn đến những thay đổi trong hành vi bộc lộ sự lừa dối.

Nhiều lời giải thích và lý thuyết đã được khám phá trong hơn một thế kỷ nghiên cứu nhằm tìm ra nguồn gốc của một hiện tượng vẫn còn chưa chắc chắn. Mặc dù vậy, vẫn có những dấu hiệu nhận biết nhất định mà chúng ta mong đợi sẽ thấy ở những kẻ đang lừa dối.

Dấu hiệu được công nhận rộng rãi nhất trong số này vẫn là xu hướng tránh giao tiếp bằng mắt. Ngoài ra còn có tình trạng bồn chồn, nghịch tóc và những hành vi thường thấy khác.

Lưu ý rằng những dấu hiệu lừa dối kể trên phổ biến đến mức phần lớn những kẻ nói dối sẽ cố gắng hết sức để không mắc phải.

Theo Thủy Kiều/GD&TĐ

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/dau-hieu-nhan-biet-noi-doi-qua-ngon-ngu-co-the/20240420115746744