Dấu hiệu nhận biết trẻ nhỏ nhiễm biến chủng Omicron
Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ nhiễm biến chủng Omicron chủ yếu có các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên như sổ mũi, đau họng, ho khan.
Khi biến chủng Omicron tiếp tục lan rộng trên thế giới, lây nhiễm cho người lớn, thanh niên và trẻ em, các chuyên gia cảnh báo về một loạt triệu chứng không nên bỏ qua. Ngoài ra, với nhiều bệnh mùa đông, việc phân biệt giữa cảm lạnh thông thường và Omicron có thể khó thực hiện hơn vì chúng cũng có các triệu chứng tương tự.
Đặc biệt, biến chủng Omicron dường như lây lan ở trẻ em nhiều hơn so với các chủng ban đầu. Các bậc cha mẹ cần đảm bảo an toàn cho con mình.
Các triệu chứng phổ biến
Theo tờ Deseret News, TS Harish Chafle, chuyên gia tư vấn cao cấp về bệnh lý mạch máu và chăm sóc quan trọng tại Bệnh viện Toàn cầu, Mumbai (Ấn Độ), cho biết trẻ em có nguy cơ phát triển nhiễm trùng - đặc biệt khi chưa được tiêm chủng.
Theo TS Chafle, những trẻ nhiễm loại biến thể mới này chủ yếu bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, có các triệu chứng như sốt, sổ mũi, đau họng, đau người và ho khan. Năm triệu chứng cần chú ý liên quan Omicron ở trẻ nhỏ là: Sốt, sổ mũi, đau họng, đau nhức cơ thể, ho khan.
TS David Lloyd, bác sĩ đa khoa tại Anh, cho biết 3 triệu chứng nhiễm Omicron ở những bệnh nhân lứa tuổi này chủ yếu là mệt mỏi, đau đầu và chán ăn. Ngoài ra, một triệu chứng bất thường khác là phát ban. Khoảng 15% trẻ em gặp dấu hiệu này.
Dữ liệu nghiên cứu ban đầu về Omicron cho thấy biến chủng này gây ra các triệu chứng Covid-19 nhẹ ở trẻ em được tiêm chủng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Omicron đã dẫn đến sự gia tăng các triệu chứng nghiêm trọng và phải nhập viện ở trẻ em chưa được tiêm chủng. Trẻ em dưới 5 tuổi dễ bị tổn thương vì chưa được tiêm chủng.
Theo NBC News, biến chủng Omicron có thể gây ra các vấn đề của dạng viêm thanh khí phế quản (Croup) ở trẻ em dưới 5 tuổi. Theo TS Buddy Creech, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm trẻ em tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville (Mỹ), một số bệnh nhân Covid-19 ở nhóm tuổi nhỏ nhất đã bị những cơn ho khan.
Tiến sĩ Creech giải thích hiện tượng này xảy ra có thể do Omicron gây ảnh hưởng nhiều đến đường hô hấp trên, thay vì xâm nhập sâu hơn vào phổi. Do đó, đường thở trẻ dễ sưng lên.
Ho rít thành tiếng có vẻ đáng sợ, nhưng không có nghĩa trẻ gặp vấn đề về phổi. Do đó, TS Creech khuyến cáo phụ huynh không nên quá lo ngại. Tuy nhiên, họ cũng cần chú ý thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa cho trẻ.
TS Peily Soong, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Alabama, cho biết hầu hết bệnh nhân dưới 2 tuổi của ông đều có các triệu chứng giống Croup.
"Trẻ mới biết đi mắc chứng ho khan và khàn khàn mà chúng tôi không thấy ở các biến chủng khác. Chúng tôi cũng nhận thấy một số trẻ có triệu chứng khò khè và ho khan giống viêm tiểu phế quản", TS Soong chia sẻ.
Chưa có bằng chứng Omicron nghiêm trọng hơn ở trẻ nhỏ
Theo Reuters, ngày 7/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết mặc dù số ca nhập viện ngày càng tăng, chưa thấy dấu hiệu cho thấy biến chủng Omicron nghiêm trọng hơn ở trẻ nhỏ.
TS Rochelle Walensky, Giám đốc CDC, cho biết: "Chúng tôi chưa phát hiện dấu hiệu về mức độ nghiêm trọng gia tăng ở trẻ em dưới 5 tuổi, đối tượng chưa đủ điều kiện tiêm chủng".
Các nhà khoa học tiếp tục thu thập thêm dữ liệu về biến chủng Omicron. Các báo cáo từ Nam Phi, nơi lần đầu tiên xác định được chủng vi khuẩn này, cho thấy tỷ lệ nhập viện của trẻ em bị nhiễm Omicron cao hơn so với các đợt trước. Tuy nhiên, điều đó không nhất thiết có nghĩa là trẻ nhỏ dễ bị tổn thương hơn với chủng Omicron.
Các dữ liệu ban đầu chỉ ra Omicron có thể ảnh hưởng khác với các chủng trước đó, lây lan nhanh và tác động ít nghiêm trọng hơn đến phổi, nhưng vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu.
Cách phòng ngừa Omicron cho trẻ nhỏ
Bạn có thể thực hiện một số bước để giữ an toàn cho gia đình mình khỏi Covid-19, bao gồm biến chủng Omicron. TS William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tennessee, cho biết trẻ em dưới 5 tuổi chưa đủ điều kiện để chủng ngừa Covid-19. Nhưng bạn có thể bảo vệ trẻ bằng cách tiêm chủng đầy đủ cho bản thân.
Theo TS Chafle, đeo khẩu trang là cách chứng minh đầy đủ duy nhất để ngăn chặn bất kỳ biến chủng nào của SARS-CoV-2. Người lớn và trẻ em trên 2 tuổi nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đặc biệt là khi tiếp xúc người ngoài, bất kể tình trạng tiêm chủng như thế nào.
"Vì vậy, người lớn nên bắt đầu tuân thủ quy định để làm gương cho trẻ noi theo. Trong đó có việc đeo khẩu trang đúng cách để các bạn nhỏ học và tất nhiên là phải tuân thủ vệ sinh tay thường xuyên", ông Chafle nói.
Với sự lan truyền nhanh chóng của Omicron, các chuyên gia khuyến cáo nếu không cần thiết, mọi người nên tạm dừng kế hoạch du lịch. Nếu đi và có trẻ nhỏ, bạn nên thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang (dành cho trường hợp từ 2 tuổi trở lên), test Covid-19 trước và sau khi đi du lịch.
Biện pháp quan trọng không kém là thực hiện tốt việc rửa tay thường xuyên. Mọi người nên có thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi ở nơi công cộng, sau khi ho, hắt hơi, trước và sau khi chăm sóc người bệnh. Nếu không có xà phòng và nước, người lớn có thể sử dụng chất khử trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn. Trẻ sơ sinh và mới biết đi không nên sử dụng nước rửa tay.
Một số người mắc Covid-19 không có triệu chứng có thể lây lan virus. Bạn hãy cố gắng đứng cách xa người khác ít nhất 2 m (khoảng 2 sải tay), đặc biệt khi gia đình có trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine.