Dấu hiệu nhận diện app đa cấp lừa đảo

Các mô hình đa cấp thường xuất hiện với lời kêu gọi kiếm được rất nhiều tiền, đánh vào tâm lý muốn giàu, đổi đời nhanh của người dân.

Đa cấp lừa đảo là vấn đề không mới. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều ứng dụng đa cấp biến tướng tinh vi nhằm lừa tiền của nhiều người dân. Chúng núp bóng các hình thức mới, mượn danh công nghệ blockchain, tiền điện tử, quyền chọn nhị phân để chiêu dụ những "nhà đầu tư" trẻ tuổi.

Dưới đây là những chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, trường Đại học Kinh tế TP.HCM về hiện tượng kinh doanh đa cấp kiểu mới.

Vì sao ứng dụng đa cấp thu hút nhiều người đầu tư?

Các ứng dụng đa cấp như một cái bẫy, đánh vào tâm lý muốn giàu, đổi đời nhanh của người dân. Ban đầu để tạo niềm tin, các ứng dụng này sẽ trả một mức lãi suất rất cao cho nhà đầu tư. Các nhà đầu tư có thể rút tiền bất cứ lúc nào.

Khi thử với số tiền nhỏ thấy thành công, các nhà đầu tư tăng dần số tiền lên cho đến khi toàn bộ vốn liếng của họ đã nằm trọn trong cái bẫy đa cấp khi nào không hay. Các vụ lừa đảo tiền tỷ đều theo mô thức này. Ví dụ như các sàn Thodex, Coolcat… trả lãi cho các nhà đầu tư hàng tháng, tuần thậm chí hàng ngày với lợi nhuận lên đến 100% một tháng.

 Nhiều người đã tố cáo bị Coolcat lừa đảo. Ảnh: Lê Trai.

Nhiều người đã tố cáo bị Coolcat lừa đảo. Ảnh: Lê Trai.

Sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, kèm theo đó là lòng tham vốn là bản chất của con người khiến họ như những con thiêu thân vướng vào các bẫy lừa đa cấp. Bên cạnh đó là tâm lý bầy đàn, đầu tư theo đám đông. Thấy người khác đầu tư có lời thì mình cũng không muốn là người ngoài cuộc cũng là nguyên nhân khiến họ biết mà vẫn liều một phen.

Đa cấp dùng công nghệ khác biệt gì với truyền thống?

Bản chất của mô hình lừa đảo đa cấp vẫn là tạo nên niềm tin cho nhà đầu tư khi chi trả lợi nhuận rất cao nhờ vào việc dùng tiền của người mới trả cho người cũ. Tuy nhiên, nó biến tướng hơn nhờ sự phát triển của công nghệ.

Các mô hình đa cấp dễ dàng huy động vốn và biến mất nhanh hơn mà không hề để lại dấu vết. Các sàn lừa đảo ngoại hối Forex, sàn vàng hay mới đây nhất là các sàn tiền kỹ thuật số đa cấp.

Chúng ta không biết chủ ứng dụng thực sự là người nào, ở đâu và đang làm gì, nên việc truy lùng chủ mưu của mô hình lừa đảo công nghệ là cực kỳ khó khăn đối cả với các cơ quan chức năng.

 Một số sàn Forex có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ảnh: Getty.

Một số sàn Forex có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ảnh: Getty.

Các ứng dụng lừa đảo đa cấp hiện nay đều theo mô hình Ponzi. Mô hình này chủ yếu lấy tiền người mới để trả cho người cũ và hệ thống phải nở ra như một kim tự tháp. Số lượng người mới tham gia ngày càng nhiều hơn số lượng người chơi cũ thì kim tự tháp mới tiếp tục trụ vững. Nhưng một khi các ứng dụng không thể huy động nhiều người chơi hơn thì ngay lập tức kim tự tháp sẽ đổ vỡ và người chủ sàn sẽ ôm tiền bỏ trốn.

Các dấu hiệu nhận biết dự án lừa đảo đa cấp

Cam kết trả lãi cao hơn rất nhiều so với mức trung bình. Ví dụ sàn Coolcat cam kết trả lãi 20.000 đồng mỗi ngày cho số tiền một triệu nhà đầu tư bỏ ra. Tức 2% một ngày và khoảng 60% một tháng. Thật không thể hình dung nổi là sàn này làm gì để có thể có mức lợi nhuận cao như vậy để chi trả cho nhà đầu tư.

Mô hình kinh doanh không rõ ràng, thậm chí không công bố mô hình, phương thức kinh doanh để mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Các sàn như Coolcat, FNET, Thodex… chỉ cam kết trả lãi mà không tiết lộ mô hình kinh doanh của họ là gì để có thể kiếm được tiền trả lãi cho nhà đầu tư.

Một số khác lại sử dụng các kỹ thuật bánh vẽ như phát triển trí tuệ nhân tạo để tự động giao dịch trên thị trường ngoại hối nhằm mang lại lợi nhuận khủng hàng ngày. Lưu ý là ở các thị trường phức tạp như ngoại hối, vàng và tiền kỹ thuật số thường giá cả sẽ bị chi phối bởi các nhà cái hay cá mập. Các sàn nhỏ lẻ này rất khó để có thể thu lại lợi nhuận cho dù kỹ thuật có tốt đến mấy.

 Các dự án đa cấp lừa đảo thường dùng hình ảnh siêu xe, biệt thự để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Ảnh: Nhóm Sky/ Telegram.

Các dự án đa cấp lừa đảo thường dùng hình ảnh siêu xe, biệt thự để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Ảnh: Nhóm Sky/ Telegram.

Các dự án đa cấp thường sử dụng các chiêu trò PR, quảng bá, người nổi tiếng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Tạo ra những hình ảnh hào nhoáng như đi siêu xe, ở biệt thự sang trọng. Đồng thời sử dụng hình ảnh người nổi tiếng trái phép để xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư có thể kể đến như sàn Wefinex, Raidenbo hay Bitono.

Khuyến mãi thêm nếu nạp tiền hoặc giới thiệu thành viên mới. Biến các nhà đầu tư trở thành công cụ để lừa đảo đa cấp. Lưu ý là cần phân biệt giữa mô hình kinh doanh đa cấp (hợp pháp ở Việt Nam và thế giới) và mô hình biến tướng đa cấp để lừa đảo. Như Myaladin, IBG những ứng dụng mua sắm hoàn tiền đến 80% và chi trả hoa hồng nếu giới thiệu người tham gia hệ thống.

Tạo hiệu ứng bầy đàn khi tổ chức các sự kiện lớn, diễn đàn online, offline, đưa ra những nhà đầu tư thành công hiện nay trên sàn với mức lợi nhuận khủng để thôi thúc mọi người tham gia vào hệ thống. Minh chứng cụ thể là tiền điện tử CSE khi quảng bá tại các hội thảo của họ là xây dựng được công nghệ Blockchain 4.0, giao dịch ngay cả khi không có internet.

Người dân cần báo ngay các cơ quan chức năng để họ có những động thái nhằm ngăn chặn hành vi lừa đảo để hạn chế thiệt hại cho những nhà đầu tư đã lỡ tham gia vào hệ thống này.

Nguyễn Hữu Huân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-hieu-nhan-dien-app-da-cap-lua-dao-post1208904.html