Dấu hiệu stress ở học sinh trong mùa thi
TS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Rối loạn stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17.
Đây là thời điểm trẻ thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học.
TS Tâm nhấn mạnh, phần lớn trẻ đến khám và điều trị trầm cảm, stress là đến từ các trường chuyên, lớp chọn. Những trẻ ngoan, có thành tích cao trong học tập thường có những áp lực tự thân hơn là trẻ mải chơi.
Những trẻ này thường căng thẳng và bị stress, nhất là khi không đạt được kỳ vọng. Điều này cho thấy, áp lực từ việc học tập, gia đình, thành tích là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng stress ở lứa tuổi học đường.
Qua khai thác bệnh sử, phần lớn các em học sinh bị stress mãn tính. Quá trình stress đã âm thầm diễn biến từ khoảng 3 - 5 năm trước. Áp lực thi cử chỉ là “giọt nước tràn ly”.
Diễn biến tâm lý, sự thay đổi tính cách của học sinh trùng với lứa tuổi dậy thì. Do đó, nhiều cha mẹ mặc nhiên chấp nhận sự thay đổi đó. Chỉ đến khi trẻ có những hành vi làm tổn thương bản thân hoặc quá bất thường, cha mẹ mới nhận diện và đưa trẻ đến viện. Song, khi đó, trẻ đã ở giai đoạn trầm cảm, stress nặng.
Để nhận diện được dấu hiệu trầm cảm, stress ở trẻ, TS Minh Tâm chia sẻ: “Stress thường diễn biến rất âm thầm. Tuy nhiên, khi trẻ có những hành vi bất thường, các cha mẹ nên quan tâm”.
Đầu tiên là hành vi tự hủy hoại bản thân (các vết cứa ở cẳng tay hoặc đùi, cắn móng tay, bấm vào đầu ngón tay...). Việc tự làm đau bản thân này là cách để giải tỏa sự bấn loạn trong cảm xúc bản thân của trẻ.
Ngoài ra, trẻ có những hành vi bất thường, trái ngược với tính cách trước kia như trẻ trở nên hung hăng, chống đối hoặc tuân thủ quá mức, có sự rối loạn trong hành vi ăn uống...
Hoặc có dạng stress cơ năng như trẻ bị đau bụng, đau đầu, đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa... Những cơn đau này thường xuất hiện khi trẻ chuẩn bị bước vào kì thi hoặc trước sự kiện quan trọng. Khi sự kiện qua đi, các cơn đau này giảm triệu chứng.
Kim Dung