Dấu hiệu thoái trào tại CNG Việt Nam

Khi nguồn cung khí nội địa suy giảm, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần CNG Việt Nam giảm liên tục trong 2 năm, động lực tăng trưởng mới phụ thuộc vào các mỏ mới, hoạt động nhập khẩu LNG.

Tăng trưởng âm hai năm tiếp tiếp

Dưới sự hậu thuẫn của Công ty mẹ Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS, mã GAS) sở hữu 56% vốn điều lệ, Công ty cổ phần CNG Việt Nam (mã CNG) liên tục lớn mạnh từ khi thành lập năm 2007 tới nay. Công ty tập trung vào hoạt động sản xuất, vận chuyển, phân phối khí thiên nhiên nén (CNG) cung cấp cho các nhà máy, khu công nghiệp có sử dụng nhiệt năng trong quá trình sản xuất, chế biến và sử dụng như là nhiên liệu thay thế xăng dầu trong giao thông - vận tải và từng bước mở rộng cung cấp thêm các nguồn nhiên liệu như LNG, LPG.

CNG Việt Nam nắm giữ lợi thế với tổng công suất nhà máy nén khí miền Bắc và Nam lên tới 460 triệu Sm3/năm và kế hoạch bổ sung nguồn LNG nhập khẩu, cũng như kế hoạch khai thác nội địa từ mỏ Cá Voi Xanh (dự kiến từ năm 2025) và Kèn Bầu (dự kiến từ năm 2028). Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Công ty đang có dấu hiệu chậm lại và lao dốc trong 2 năm liên tiếp, dù đã bổ sung hoạt động nhập khẩu LNG kể từ quý IV/2024.

Cụ thể, năm 2023, CNG Việt Nam ghi nhận doanh thu giảm 25,6%, về 3.112 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 6,2%, về 110,27 tỷ đồng. Trong năm 2024, doanh thu của Công ty tăng 13%, lên 3.516,78 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 17,7%, về 90,8 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp giảm từ 8,5% về 8,1%, biên lợi nhuận ròng giảm từ 3,54% về 2,58%.

Được biết, đỉnh cao của CNG Việt Nam là giai đoạn 2015-2017 khi Công ty duy trì biên lợi nhuận gộp từ 18,04% đến 26,78% và biên lợi nhuận ròng từ 8,31% đến 13,51%, cao hơn nhiều so với năm 2024 - lần lượt chỉ 8,1% và 2,58%.

Lý giải về tình hình kinh doanh lao dốc trong năm 2024, ông Vũ Văn Thực, Giám đốc CNG Việt Nam cho biết, chi phí bán hàng tăng cao góp phần làm giảm lợi nhuận do Công ty mới bắt đầu kinh doanh sản phẩm mới khí LNG từ quý IV/2024.

Khi kinh doanh lao dốc trở lại, CNG Việt Nam đã hạ tỷ lệ cổ tức của cổ đông. Nếu giai đoạn 2021-2022, Công ty duy trì cổ tức tỷ lệ 20%, thì năm 2023 chỉ còn 12% (kế hoạch 15%) và dự kiến năm 2024 chỉ là 12%.

Nguồn khí đang suy giảm

Công ty Chứng khoán An Bình ước tính, các mỏ khí hiện tại (chủ yếu nằm ở khu vực Đông Nam bộ) đang bước vào giai đoạn cạn kiệt, dẫn đến nguồn cung khí nội địa giảm tới 25% trong 5 năm qua. Trong đó, theo phương án cung cấp khí cho sản xuất điện đến năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 5,4 tỷ m3 khí/năm do sự suy giảm của các mỏ lâu năm và nhập khẩu khí LNG đang là giải pháp bổ sung nguồn khí thiếu hụt.

Theo Quy hoạch Điện VIII, từ nay tới năm 2030, nhu cầu điện rất cao để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, trong đó điện khí chiếm 32,16% điện năng toàn hệ thống. Với cơ cấu nguồn điện như trên, cùng với định hướng đến năm 2050 không còn sử dụng than cho phát điện, vai trò của các nhà máy điện khí trong hệ thống điện là tất yếu - nguồn điện duy nhất không bị ảnh hưởng đáng kể bởi thời tiết so với thủy điện, điện gió, mặt trời.

Nhu cầu khí tăng cao trong bối cảnh các mỏ khí nội địa suy giảm buộc các đơn vị như PV GAS và các thành viên phải tìm các giải pháp thay thế, đồng thời bổ sung các mỏ mới. Trong đó, tháng 10/2023, PV GAS đã đưa kho LNG Thị Vải giai đoạn I với công suất 1 triệu tấn/năm vào vận hành với vốn đầu tư 6.500 tỷ đồng.

Tính riêng trong năm 2024, PV GAS đã nhập khẩu và cung cấp khoảng 400 triệu m3 khí LNG, chủ yếu nhập khẩu tại các thị trường Indonesia, Malaysia để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, đặc biệt các nhà máy nhiệt điện khí.

Việc PV GAS phải tìm cách nhập khẩu LNG và lên kế hoạch mở rộng công suất kho LNG Thị Vải để đáp ứng nhu cầu sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại thông qua nhập khẩu LNG để tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, việc tăng nhập khẩu LNG cũng dẫn tới rủi ro cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái, đặc biệt là CNG Việt Nam.

Được biết, CNG Việt Nam đang ký hợp đồng mua LNG với PV GAS theo giá khí thả nổi (giá khí được neo theo giá dầu thế giới). Điều này cũng dẫn tới rủi ro liên quan biến động giá dầu neo cao, đẩy giá vốn LNG tăng cao và Công ty không tự chủ được nguồn cung như các năm trước đây.

Khi nguồn cung khí ở các mỏ hiện hữu suy giảm, cả CNG Việt Nam và PV GAS phải tìm thêm nguồn cung thay thế là LNG. Nhưng do không tự chủ, phụ thuộc vào biến động của thị trường dầu thế giới, việc này cũng dẫn tới tình hình kinh doanh khó ổn định như giai đoạn nguồn cung khí được tự chủ toàn bộ tại các mỏ trong nước.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-hieu-thoai-trao-tai-cng-viet-nam-d242359.html