Dấu hỏi về chính sách trợ giá xăng dầu của Chính phủ Nhật Bản

Theo giới quan sát, chính sách bình ổn của Chính phủ Nhật Bản mang lại lợi ích cho người tiêu dùng như thế nào vẫn chưa rõ ràng, bên cạnh đó là nguy cơ xảy ra tình trạng hỗn loạn tại các điểm bán lẻ.

Bơm xăng cho ô tô tại một trạm xăng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Bơm xăng cho ô tô tại một trạm xăng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Theo báo Asahi, để bình ổn giá nhiên liệu, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định áp dụng chính sách trợ giá đặc biệt cho mặt hàng xăng, dầu nhẹ, dầu hỏa và dầu nặng. Khoản tiền hỗ trợ sẽ được cung cấp trực tiếp cho nhà phân phối, người tiêu dùng không cần tiến hành bất kỳ thủ tục nào và thời hạn áp dụng chính sách đến tháng 3/2022.

Để có thể khởi động chính sách, điều kiện cần là giá xăng trung bình toàn Nhật Bản phải đạt mức trên 170 yen/lít (khoảng 1,49 USD), giá dầu hỏa trên 110 yen/lít và giá xăng nhẹ trên 150 yen/lít. Mức hỗ trợ tối đa mà nhà phân phối được hưởng là 5 yen/lít. Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao vượt mức quy định, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định khởi động chính sách trợ giá xăng dầu với mức hỗ trợ 3,4 yen/lít cho 29 nhà phân phối, thời gian áp dụng 1 tuần, kể từ ngày 27/1.

Mục tiêu của Chính phủ Nhật Bản không chỉ nhằm giảm giá nhiên liệu mà còn kiềm chế giá tăng cao. Giá bán lẻ xăng, dầu tại Nhật Bản được quyết định bởi các cửa hàng bán lẻ hoặc các trạm xăng và thực tế giá bán có sự khác nhau giữa các địa phương. Do đó, chính sách bình ổn của Chính phủ Nhật Bản sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng như thế nào vẫn chưa rõ ràng, thậm chí, điều này có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra tình trạng hỗn loạn tại các điểm bán lẻ.

Tỉnh Nagasaki có nhiều đảo xa và giá xăng thường trung bình tại thời điểm ngày 17/01 lên đến 176,3 yen/lít, mức cao nhất Nhật Bản. Ông Kazushige Ueno, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thương mại Dầu khí Nagasaki, bày tỏ lo ngại về chính sách trợ giá của chính phủ khi cho rằng: “Người tiêu dùng có thể hiểu nhầm rằng giá xăng dầu tại các cửa hàng giảm xuống và thể xuất hiện những phàn nàn về lý do tại sao các cửa hàng không giảm giá”.

Các nhà phân phối được hưởng mức hỗ trợ 3,4 yen/lít, nhưng điều này không có nghĩa là giá thành bán lẻ sẽ giảm xuống. Mỗi địa phương, mỗi cửa hàng có giá bán khác nhau và mức giá 170 yen/lít cũng không đồng nhất trên toàn quốc. Ngày 14/1, Hiệp hội kinh doanh dầu khí Nhật Bản đã đề nghị Bộ Kinh tế và công nghiệp thông tin rộng rãi về chế độ mới tới người tiêu dùng để tránh những rối loạn không cần thiết tại các cửa hàng bán lẻ.

Ông Kato Fumihiko, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh dầu khí Nhật Bản, bày tỏ quan ngại về chính sách mới có khả năng gây áp lực đến hoạt động kinh doanh của các trạm xăng. Giá xăng bán buôn đã tăng gần 10 yen kể từ đầu năm, nhưng vẫn có những cửa hàng bán lẻ không thay đổi nhiều về giá. Có thể dự đoán trước phản ứng của người tiêu dùng sau khi chính sách trợ giá được khởi động và những cửa hàng không giảm giá bán lẻ có thể gặp bất lợi do phản ứng từ người dùng.

Tại các vùng giá lạnh, giá nhiên liệu dùng để sưởi ấm đang gây áp lực đến chi tiêu hộ gia đình. Giá 1 lít dầu hỏa năm 2021 đã tăng khoảng 30 yen và chi tiêu hộ gia đình bình thường cũng tăng lên khoảng 6.000 yen/tháng. Một người phụ trách tại Enecorp (có trụ sở tại thành phố Sapporo), nhà bán lẻ dầu hỏa lớn nhất ở Hokkaido, cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi đã giữ giá thông qua các nỗ lực quản lý. Nếu giá bán buôn giảm do chính sách trợ cấp, chúng tôi muốn phản ánh điều đó trong giá bán lẻ”.

Việc xây dựng cơ chế bình ổn giá một cách gián tiếp thông qua các nhà phân phối sẽ khó đánh giá được người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ chính sách như thế nào. Một người tiêu dùng tại Tokyo cho rằng giá 1 lít xăng ở mức 170 yen là khá cao và kỳ vọng chính sách của chính phủ sẽ kiểm soát được giá bán lẻ.

Các chính sách sử dụng thuế để duy trì giá là điều không bình thường ở các nước lớn, một số người cũng hoài nghi về tính hiệu quả và công bằng của chúng.

Chuyên gia Phil Flynn thuộc công ty thông tin đầu tư của Mỹ là Price Futures Group cho rằng sự can thiệp của chính phủ đối với giá cả có thể mang lại hiệu quả tạm thời. Nguyên nhân giá nhiên liệu tăng cao hiện nay là nhu cầu tăng cao đột biến, do đó, hiệu quả chính sách trợ giá chỉ duy trì trong ngắn hạn, thậm chí nó có thể khiến người tiêu dùng không tiết kiệm và tiếp tục duy trì nhu cầu.

Chuyên gia Takahide Kiuchi thuộc Viện nghiên cứu Nomura cho rằng: “Lý do chính phủ chỉ hỗ trợ các nhiên liệu như xăng, dầu là không rõ ràng. Giá cả các nguyên liệu thô khác ngoài nhiên liệu cũng đang tăng cao, các doanh nghiệp siêu nhỏ trong ngành công nghiệp như thực phẩm đang gặp nhiều khó khăn khi lợi nhuận giảm sút”.

Khi giá dầu mỏ tăng lên, hiệu quả chính sách trợ giá cũng bị giới hạn. Giá dầu WTI của Mỹ vốn được coi là tiêu chuẩn quốc tế và thời điểm đóng cửa ngày 24/1, giá hợp đồng tương lai của loại dầu này là 83,31 USD, tăng 60% so với mức giá 52 USD một năm trước đó. Ảnh hưởng của biến thể Omicron chỉ có giới hạn và kinh tế thế giới đang cho thấy dấu hiệu phục hồi.

Trước diễn biến căng thẳng tại Ukraine và những quan ngại về xu hướng giảm tốc của kinh tế Mỹ, giá dầu WTI đang giảm xuống, nhưng cũng có dự đoán cho rằng giá dầu WTI có thể vượt qua mức 100 USD/thùng. Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ cần tính toán các chính sách mang tính dài hạn, hơn là phát động các chính sách mang lại hiệu quả không rõ ràng như hiện nay./.

Đức Thịnh (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dau-hoi-ve-chinh-sach-tro-gia-xang-dau-cua-chinh-phu-nhat-ban/230871.html