TP.HCM đề xuất bố trí xe buýt nhỏ đi trong đường hẹp để chống kẹt xe
Xe buýt lớn được ưu tiên di chuyển trong các tuyến đường nhỏ hẹp khiến tình trạng kẹt xe càng khó điều tiết. Công an TP.HCM đã đề xuất bố trí phương tiện giao thông công cộng nhỏ từ 20 đến 30 chỗ ngồi trên các tuyến đường nhỏ hẹp để chống kẹt xe.
Thông tin trên được Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó phòng Tham mưu (Công an TP.HCM) cho biết tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội vào chiều 19.9.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, hiện Công an TP đang quản lý gần 10 triệu phương tiện xe mô tô, xe máy, 989 nghìn ô tô. Trong 9 tháng đầu năm 2024 người dân đăng ký mới gần 200 nghìn phương tiện giao thông các loại. Số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, nhưng hạ tầng giao thông của thành phố không theo kịp.
Bên cạnh đó, từ đầu tháng 9 đến nay là mùa tựu trường, phương tiện giao thông tăng nhanh, mặt khác thời tiết bất lợi mưa lớn kết hợp với triều cường khiến tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trước thực trạng trên, Công an TP đã chủ động điều tiết giao thông nhưng chưa thể giải quyết bất cập. “Xe buýt lớn được ưu tiên di chuyển trong các tuyến đường nhỏ hẹp khiến tình trạng kẹt xe càng khó điều tiết, Công an TP.HCM đã đề xuất bố trí phương tiện giao thông công cộng nhỏ từ 20 đến 30 chỗ ngồi trên các tuyến đường nhỏ hẹp để chống kẹt xe”, ông Hà cho biết.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GT - VT) TP.HCM cho biết hiện nay đang thực hiện công tác tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt, trong đó có tham khảo kết quả gói thầu tư vấn nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên trên toàn TP và chuẩn bị kế hoạch hành động để nâng cao hiệu quả chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt hiện hữu (gói thầu CS9) thuộc dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM.
Trên cơ sở dự báo sản lượng vận tải hành khách do đơn vị tư vấn nghiên cứu và đề xuất chủng loại phương tiện phù hợp hạ tầng giao thông trên tuyến, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (trực thuộc Sở GT - VT) tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên tuyến xe buýt. Các tuyến xe buýt đã và đang tổ chức đấu thầu đa phần thuộc nhóm xe buýt nhỏ (30 – 40 chỗ) và trung bình (41-50 chỗ) phù hợp với hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo phục vụ nhu cầu hành khách và kết nối với các tuyến đường có mặt cắt nhỏ (như 17 tuyến xe buýt kết nối tuyến Đường sắt đô thị số 1).
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hệ thống đường trên cao bao gồm 5 tuyến với tổng chiều dài 70,7km, quy mô 4 làn xe, hiện nay chưa được đầu tư xây dựng. Hiện tại thành phố đang tổ chức lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo đó các tuyến đường trên cao sẽ được rà soát, kịp thời điều chỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Tuyến đường trên cao không có giao cắt cùng mức với các loại đường đô thị khác, do đó được xếp vào loại đường cao tốc đô thị, đường trên cao có tính chất không gián đoạn, tốc độ xe chạy cao, thành phần dòng xe chủ yếu là xe ô tô, lưu lượng xe chạy lớn sẽ góp phần vào hạn chế tình trạng kẹt xe.