Dấu hỏi về số phận 'vali hạt nhân'

Khả năng đương kim Tổng thống Donald Trump không tham dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden đang đặt ra nhiều câu hỏi về số phận của chiếc 'vali hạt nhân' quyền lực - chiếc vali da màu đen cho phép ông chủ Nhà Trắng phát động một cuộc tấn công hạt nhân khi không có mặt tại trung tâm chỉ huy cố định- trong đó quá trình chuyển giao có thể thay đổi, thậm chí phải dùng vali dự phòng.

Khả năng đương kim Tổng thống Donald Trump không tham dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden đang đặt ra nhiều câu hỏi về số phận của chiếc “vali hạt nhân” quyền lực - chiếc vali da màu đen cho phép ông chủ Nhà Trắng phát động một cuộc tấn công hạt nhân khi không có mặt tại trung tâm chỉ huy cố định- trong đó quá trình chuyển giao có thể thay đổi, thậm chí phải dùng vali dự phòng.

Trợ lý luôn cầm theo “vali hạt nhân” đi sát bên cạnh Tổng thống Trump. Ảnh: AP

Trợ lý luôn cầm theo “vali hạt nhân” đi sát bên cạnh Tổng thống Trump. Ảnh: AP

“Vali hạt nhân” là một bộ điều khiển từ xa có sức mạnh hủy diệt hàng loạt. Khi nó được kích hoạt đồng nghĩa với việc 2.000 đầu đạn hạt nhân trên khắp thế giới sẽ được phóng đi. Bởi vậy, “vali hạt nhân” đã trở thành “vật bất ly thân” của ông chủ Nhà Trắng. Trên thực tế, chiếc “va li hạt nhân” này không chứa nút bấm có thể ngay lập tức khai hỏa hàng trăm đầu đạn hạt nhân được triển khai trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa phóng từ tàu ngầm và các máy bay ném bom chiến lược. Thay vào đó, nó chứa các công cụ liên lạc, mật mã và các lựa chọn cho chiến tranh hạt nhân.

Ngoài chiếc cặp này, các tổng thống còn đem theo trên người một tấm thẻ có chứa các mật mã xác nhận. Trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân, tổng thống sẽ sử dụng các mật mã này cùng với các công cụ trong chiếc cặp để xác nhận bản thân mình với quân đội và ra lệnh tấn công hạt nhân. Các tổng thống đắc cử thường được thông báo về trách nhiệm hạt nhân của mình trước khi tuyên thệ nhậm chức. Trong ngày nhậm chức, các mật mã mới nhận được bắt đầu có hiệu lực và quyền kiểm soát “vali hạt nhân” được chuyển giao một cách lặng lẽ và suôn sẻ cho tân tổng thống.

Ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm hiện vẫn chưa quyết định có tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Biden hay không. Thậm chí, ông Trump còn nói đến khả năng tổ chức cuộc mít-tinh để thông báo kế hoạch tái tranh cử năm 2024 ngay trong ngày nhậm chức 20-1-2021 tới. Những động thái này làm bùng lên khả năng rất cao là ông Trump sẽ không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm, và trong tình huống này, việc chuyển giao chiếc “vali hạt nhân” - đánh dấu chuyển giao quyền chỉ huy và kiểm soát đối với kho hạt nhân của Mỹ - sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì nếu không xuất hiện tại lễ chuyển giao quyền lực, thì chiếc cặp đen vốn thường xuất hiện bên cạnh Tổng thống Trump cũng sẽ không xuất hiện? Vậy nó sẽ được chuyển đến tay ông Biden như thế nào?

Lầu Năm Góc tuyên bố họ có một kịch bản chuyển giao trong trường hợp này nhưng từ chối tiết lộ thông tin chi tiết. “Đây là tình huống chưa từng có tiền lệ”, Hans Kristensen, chuyên gia vũ khí hạt nhân thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), cho biết. Tuy nhiên, các chuyên gia hạt nhân và một cựu trợ lý quân sự đã hé lộ một số thông tin mà nhiều người quan tâm. Theo đó, nếu Tổng thống Trump không đến dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm, quá trình chuyển giao này chắc chắn sẽ có sự khác biệt.

Dù vậy, việc chuyển giao sẽ phải thực hiện ngay lập tức. Trung tá nghỉ hưu của Không quân Mỹ Buzz Patterson, người từng xách vali hạt nhân cho Tổng thống Bill Clinton cho biết, cách thức diễn ra như thế nào sẽ tùy thuộc vào Lầu Nam Góc. “Chúng tôi có sự sắp xếp cho vấn đề này và thực hiện nó năm này qua năm khác. Có những hệ thống được đặt ra để đảm bảo việc chuyển giao sẽ diễn ra ngay lập tức... Không có sự ngắt quãng nào. Đó là cách mọi thứ sẽ diễn ra”, ông Patterson nói.

Trong khi đó, chuyên gia Stephen Schwartz cho biết, Mỹ đang duy trì ít nhất 3 vali hạt nhân cho tổng thống, phó tổng thống và người sống sót được chỉ định. “Nếu chưa có sẵn vali hạt nhân, quân đội có thể chuẩn bị thêm một chiếc cho lễ nhậm chức”, ông nói. Theo ông Schwartz, trợ lý quân sự sẽ lập tức theo sát Biden ngay khi ông ấy tuyên thệ, đồng thời quyền chỉ huy lực lượng hạt nhân của Trump sẽ bị vô hiệu hóa. Dù đã chuẩn bị sẵn những kịch bản, nhiều người dân Mỹ vẫn hy vọng, Tổng thống Trump sẽ ở đó và đó sẽ là một cuộc chuyển giao như đã diễn ra hàng chục năm qua.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_236078_.aspx