Dấu hỏi về tiềm lực tài chính của Hapaco
Đặt mục tiêu đầu tư 2.800 tỷ đồng cho loạt dự án tại Hải Phòng, liệu Công ty cổ phần Tập đoàn Hapaco (mã HAP) có đủ tiềm lực để hiện thực hóa kế hoạch này?
Hapaco hiện có khoản phải thu phần góp vốn thừa tại Bệnh viện Quốc tế Green trị giá 114,9 tỷ đồng. Ảnh: S.T
Động lực kéo HAP tăng trần 10 phiên
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/8, cổ phiếu HAP của Hapaco ghi nhận 12 phiên tăng trần liên tục, lên mức 6.770 đồng/cổ phiếu, với khối lượng khớp lệnh và dư mua trần ngày một tăng. Cổ phiếu HAP tăng mạnh sau khi HĐQT Hapaco công bố kế hoạch đầu tư 4 dự án, với tổng giá trị gần 2.800 tỷ đồng, dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông bất thường vào cuối năm 2020.
Dự án lớn nhất, chiếm phần lớn giá trị trong tổng số 4 dự án trên của Hapaco là Dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế Việt - Hàn, tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng với quy mô 800 giường, dự kiến thực hiện trên khu đất 5 ha tại trung tâm đô thị Bắc Sông Cấm, TP. Hải Phòng. Đây là bệnh viện thứ hai do Hapaco và Tập đoàn Hàn Quốc Yuil Trading Corporation hợp tác đầu tư, sau Bệnh viện Quốc tế Green.
Bên cạnh hợp tác với đối tác Hàn Quốc, Hapaco còn hé lộ đang làm việc với đối tác Nhật Bản và Anh về hợp tác xây dựng trung tâm thương mại quốc tế, trong đó Hapaco góp 85 tỷ đồng trong liên doanh này. Hai dự án còn lại là dự án dây chuyền sản xuất giấy tissue công suất 17.000 tấn/năm và dự án tòa nhà văn phòng cho thuê với số vốn đầu tư lần lượt là 150 tỷ đồng và 164 tỷ đồng. Đáng chú ý, các khu đất mà Hapaco dự kiến triển khai các dự án trên đều thuộc quyền sử dụng của Công ty.
Ngoài ra, Hapaco cũng “đánh tiếng” sẽ nghiên cứu tính khả thi của một số dự án bất động sản khu công nghiệp và khu đô thị tại Hải Phòng.
Công bố kế hoạch đầu tư một loạt dự án khủng, song Hapaco chưa đưa ra những căn cứ, nhận định của Công ty về tính khả thi của các dự án này. Quyết tâm của HĐQT Hapaco được Chủ tịch Vũ Dương Hiền lý giải là: “Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại lễ kỷ niệm 20 năm mở cửa thị trường chứng khoán Việt Nam, HĐQT Hapaco quyết tâm chuyển biến hoạt động sản xuất - kinh doanh như đã từng phát triển giai đoạn đầu niêm yết 20 năm trước”.
Cần nhắc lại, năm 2018, HĐQT Hapaco cũng công bố kế hoạch đầu tư 3 dự án phát triển đến năm 2020, nhưng đến nay vẫn bất động. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, giá cổ phiếu HAP không nhận được sự hưởng ứng mạnh như lần này.
Dấu hỏi về tiềm lực tài chính
Mặc dù các thông tin trên nhận được sự quan tâm và phản ứng khá mạnh của giới đầu tư, nhưng để có thể triển khai loạt dự án như kế hoạch, ngoài các thủ tục pháp lý phải thực hiện, thì nguồn vốn và dòng tiền là câu hỏi lớn.
Dù Hapaco hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh giấy, bệnh viện, đầu tư tài chính…, nhưng quy mô doanh thu thuần 5 năm trở lại đây chỉ ở mức 375 - 476 tỷ đồng, lợi nhuận cao nhất ghi nhận trong 5 năm qua là 35,4 tỷ đồng vào năm 2015.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, các quan hệ hợp tác để triển khai dự án của Hapaco mới đang ở giai đoạn “làm việc”, mà chưa có những cam kết cụ thể. Phần vốn góp rõ ràng nhất của Hapaco mới chỉ là các lô đất tại Hải Phòng, nơi Công ty dự kiến triển khai hàng loạt dự án.
Đáng chú ý, khi công bố dự án dây chuyền sản xuất giấy tissue nào năm 2018, Hapaco xây dựng kế hoạch công suất 12.000 tấn/năm, vốn đầu tư 32 tỷ đồng. Sau 2 năm chưa thực hiện, Hapaco dự kiến đầu tư dây chuyền có công suất gấp 1,4 lần, nhưng vốn đầu tư tăng gấp 5 lần.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của Hapaco cho thấy, tại thời điểm 30/6/2020, tổng tài sản của Công ty đạt 830 tỷ đồng, nợ 125,9 tỷ đồng, trong đó gần như toàn bộ là nợ ngắn hạn. Công ty có khoản vay nợ ngắn hạn gần 20 tỷ đồng, trong khi ghi nhận số tiền người mua trả trước là 27,2 tỷ đồng. Đối với các khoản đầu tư, hàng tồn kho…, Hapaco ghi nhận giá trị dự phòng tổng cộng khoảng 18 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hapaco hiện có khoản tiền gửi có kỳ hạn 50,4 tỷ đồng và khoản phải thu phần góp vốn thừa tại Bệnh viện Quốc tế Green trị giá 114,9 tỷ đồng. Với bức tranh tài chính lành mạnh, vay nợ ít như vậy, khả năng vay vốn của Hapaco có thể nói là không khó.
Đặc biệt, tài sản đảm bảo có thể giúp Hapaco huy động vốn chính là những lô đất mà công ty này đang nắm quyền sử dụng. Trong bảng cân đối kế toán của Hapaco, các tài sản này được ghi nhận giá trị rất thấp. Đơn cử, tại thời điểm 31/3/2020, giá trị còn lại đối với quyền sử dụng đất lâu dài tại Công ty cổ phần Giấy Hải Phòng Hapaco chỉ là 2 tỷ đồng.
Các tài sản này chỉ có thể được đánh giá lại giá trị khi mang đi góp vốn đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề là Hapaco có quyết tâm thực hiện kế hoạch đầu tư nói trên hay không, hay “kịch bản” năm 2018 sẽ tái diễn?
Thị giá HAP còn cách mệnh giá khá xa
Là một trong 3 mã cổ phiếu niêm yết đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khác với REE hay SAM, cổ phiếu HAP giao dịch khá mờ nhạt trong 20 năm qua. Dù tăng trần 12 phiên liên tiếp, nhưng thị giá HAP còn cách mệnh giá khá xa, khiến vốn hóa của Hapaco hiện đạt hơn 370 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với Công ty cổ phần Cơ điện lạnh và Công ty cổ phần SAM Holdings.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-hoi-ve-tiem-luc-tai-chinh-cua-hapaco-d128242.html