Dầu khí sẽ tiếp tục cung cấp năng lượng cho thế giới trong nhiều thập kỷ tới
Dầu khí sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng hàng đầu trong nhiều thập kỷ tới, trong bối cảnh quá trình chuyển đổi năng lượng chậm lại. Đây là nhận định từ các công ty lớn trong ngành, vừa được trích dẫn trên Tạp chí CNBC.
Trong đó, ông John Hess, Giám đốc Điều hành của Công ty dầu khí Mỹ Hess Corporation cho biết: “Dầu khí đóng vai trò cần thiết trong nhiều thập kỷ tới. Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ mất nhiều thời gian hơn, sẽ tốn nhiều tiền hơn, và cần những công nghệ mới thậm chí không tồn tại ngày nay”.
Cũng theo ông John Hess, khi nói đến năng lượng sạch, thế giới cần đầu tư 4 nghìn tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thông tin, đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch dự kiến sẽ tăng lên mức 1,7 nghìn tỷ USD vào năm 2023.
Giám đốc Điều hành của Công ty dầu khí Mỹ Hess Corporation cũng cho rằng, dầu khí là chìa khóa cho khả năng cạnh tranh kinh tế của thế giới, cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng an toàn và giá cả phải chăng.
Thị trường dầu mỏ được dự báo sẽ mang tính xây dựng hơn trong nửa cuối năm nay, với sản lượng dự kiến tăng lên 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2027; trong khi đó, thách thức lớn nhất mà thế giới gặp phải là tình trạng thiếu đầu tư vào ngành công nghiệp này.
Từ đó, ông John Hess nói thêm: “Thế giới đang phải đối mặt với sự thâm hụt về cơ cấu trong nguồn cung năng lượng, đối với dầu mỏ và khí đốt, và đối với năng lượng sạch”.
Đồng quan điểm này, tại bài phát biểu khai mạc Hội nghị Năng lượng châu Á vừa được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia trong tuần này, Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) Haitham Al Ghais dự báo, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng lên mức 110 triệu thùng/ngày vào năm 2045. Sự tăng trưởng này xuất phát từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong vài năm tới.
Trong một cuộc trao đổi với Tạp chí CNBC, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất của Mỹ ExxonMobil cũng đã tái khẳng định điều tương tự. Công ty này dự báo, dầu mỏ sẽ vẫn là nguồn năng lượng chính lớn nhất trong ít nhất 2 thập kỷ nữa, do vị trí quan trọng của nguồn năng lượng này trong ngành vận tải thương mại và hóa chất.
“Dầu mỏ được dự báo sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng hàng đầu thế giới vào năm 2050, ngay cả khi tăng trưởng nhu cầu chậm lại sau năm 2025”, bà Erin McGrath, cố vấn cấp cao của ExxonMobil nói với CNBC.
Bên cạnh đó, bà Erin McGrath cũng cho rằng, nhu cầu dầu mỏ nhìn chung được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 15 triệu thùng/ngày vào năm 2050. Hầu như tất cả sự tăng trưởng sẽ đến từ các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latinh.
Những động lực chính
Khu vực châu Á sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về dầu khí, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của khu vực này dự kiến sẽ vượt Mỹ và châu Âu vào cuối năm nay.
“Đây là khu vực sẽ có sự tăng trưởng về nhu cầu năng lượng, và sẽ còn nhiều hơn thế nữa”, Phó Chủ tịch của Hãng tư vấn S&P Global, ông Dan Yergin nhận định tại hội nghị nói trên.
Đáng chú ý, chỉ riêng dân số Đông Nam Á đã lớn hơn 50% so với dân số của Liên minh châu Âu, ông Dan Yergin cho biết thêm.
Ngoài ra, Chủ tịch Tập đoàn năng lượng dầu khí TotalEnergies của Pháp cho rằng, tăng trưởng tại các thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hồi năm ngoái đã được thúc đẩy bởi Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Trong một động thái tương tự đối với dầu mỏ, một trong những công ty dầu mỏ lớn nhất của Ấn Độ đã tăng công suất lọc dầu.
“Chúng tôi có lẽ là một trong số ít các công ty, và một trong số ít các quốc gia sẽ tăng 20% công suất lọc dầu trong vòng 3 đến 4 năm tới”, ông A.S. Sahney, Giám đốc Điều hành Tập đoàn dầu mỏ Ấn Độ cho biết tại một phiên thảo luận riêng.
“Điều này cho thấy niềm tin của chúng tôi vào sự tiếp tục của nhiên liệu… Nhưng đồng thời, các dự báo về nhu cầu đối với đất nước cũng ở mức mà chúng tôi buộc phải xây dựng các nhà máy lọc dầu mới”, ông A.S. Sahney lưu ý; đồng thời thừa nhận rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ tiếp tục.
Theo IEA, Ấn Độ dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng về nhu cầu năng lượng lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào; trong đó, nhu cầu được dự báo sẽ tăng hơn 3% khi quốc gia này trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2025.
Trong một động thái liên quan, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Aramco của Saudi Arabia cũng đang kỳ vọng, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ ở mức hơn 2 triệu thùng/ngày, ít nhất là trong thời gian còn lại của năm nay. Giám đốc Điều hành Aramco, ông Amin Nasser cho rằng, khi nền kinh tế toàn cầu nói chung bắt đầu phục hồi, cán cân cung cầu của ngành này có thể thắt chặt.