Đâu là 'chìa khóa' hồi sinh sức sống kinh tế Trung Quốc?

Theo Tạp chí Tuần san châu Á số 45/2022, trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền, chuyên gia kinh tế Hong Kong (Trung Quốc) Giáo sư Yuk-Shing Cheng của Đại học Baptist Hong Kong đã luận bàn về động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thời kỳ hậu dịch bệnh và cơ hội quốc tế hóa đồng NDT dưới sự thúc đẩy của thị trường năng lượng quốc tế.

Giáo sư Yuk-Shing Cheng nhấn mạnh việc các chính quyền địa phương ở Trung Quốc tăng cường đầu tư trái phiếu, đồng thời nâng cấp đầu tư đối với ngành năng lượng mới và công nghệ cao,

vừa có thể thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế, vừa có thể giúp Trung Quốc chiếm ưu thế trên thị trường tăng trưởng cao trong tương lai.

Theo chuyên gia này, kinh tế Trung Quốc cần nắm bắt không gian hợp tác với các nước châu Âu và Trung Đông trong môi trường bên ngoài, tăng tốc quốc tế hóa đồng NDT cũng có thể cải thiện nền kinh tế Trung Quốc.

Chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc đang suy giảm. (Nguồn: CNBC)

Chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc đang suy giảm. (Nguồn: CNBC)

“Cỗ xe tam mã” - đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu

Tiêu dùng của Trung Quốc hiện nay đang tồn tại hiện tượng suy giảm, điều này có liên quan đến thu nhập của người dân suy yếu, cả hai có mối quan hệ tương tác xoắn ốc. Kết quả xuất khẩu tốt hơn so với kỳ vọng, số liệu xuất khẩu quý III của Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng, điều này có liên quan đến vấn đề chuỗi sản xuất của các nước khác đứt gãy trong khi chuỗi sản xuất của Trung Quốc vẫn được duy trì, do đó chỉ cần tình hình chính trị và kinh tế của thế giới không xấu đi, thì xuất khẩu của Trung Quốc có thể duy trì động lực nhất định.

Về phương diện đầu tư, chính phủ khuyến khích chính quyền địa phương phát hành trái phiếu, sau đó sử dụng để đầu tư, đây là một chính sách tương đối có tác dụng và thiết thực trong số nhiều biện pháp kinh tế.

Lượng phát hành trái phiếu mới của chính quyền địa phương sau khi xảy ra dịch bệnh cũng tăng đáng kể so với các năm trước dịch bệnh, tính đến tháng 8/2022, quy mô phát hành trái phiếu tăng mới của các địa phương toàn quốc đã đạt 4.210 tỷ NDT (tương đương 500 tỷ USD).

Rất nhiều địa phương đều đã tăng cường đầu tư vào các ngành công nghiệp mới nổi. Những lĩnh vực mà Trung Quốc nên tăng cường đầu tư nhất chính là năng lượng mới và năng lượng tái tạo, đặc biệt là ngành sản xuất quang điện, năng lượng gió và năng lượng hydro. Các lĩnh vực như chip, vũ trụ ảo (metaverse) và trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự lái, từ trường bay hoặc treo từ tính (magnetic levitation)… cũng có thể xuất hiện sự tăng trưởng bùng nổ trong vài năm tới.

Các chính quyền địa phương cũng có thể thông qua mở rộng quy mô nợ, tăng cường đầu tư trên những lĩnh vực này để thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Tiềm năng của những ngành này trên thị trường quốc tế trong tương lai sẽ rất lớn.

Biến động từ bên ngoài

Hiện nay, có một số doanh nghiệp châu Âu đã mở rộng thị trường ở Trung Quốc, khi triển vọng năng lượng của châu Âu không ổn định và tình hình chính trị biến động. Đây là một cơ hội tiềm năng của Trung Quốc, hơn nữa Trung Quốc quả thực cũng đã triển khai nhiều biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cũng nên cảnh giác với sự trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, bối cảnh địa chính trị nhiều biến động và những vấn đề phát sinh từ xung đột Nga-Ukraine là điều khó lường trước. EU, Mỹ và Trung Quốc đều đang đọ sức lẫn nhau, nhưng xét về dài hạn, Trung Quốc và châu Âu cần tăng cường hợp tác.

Các vấn đề kinh tế hiện nay không thể tránh khỏi việc cần phải tham khảo các vấn đề chính trị nhiều hơn, rất nhiều tình huống bất ngờ đều đã xảy ra, chẳng hạn Hiệp định đầu tư Trung Quốc-EU vốn là sự hợp tác cùng thắng và cùng có lợi, nhưng bị đóng băng do Nghị viện châu Âu thay đổi. Chẳng hạn đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) cũng có thể bị đánh bom, rất nhiều quy tắc quốc tế đều bị phá hủy, đây là một sự thay đổi rất lớn.

Xu hướng quyết sách của châu Âu được quyết định bởi các cuộc bầu cử ở trong nước và khuynh hướng chính trị của nhà lãnh đạo, nội bộ châu Âu rất lục đục, tồn tại các trào lưu cực đoan và nhân tố không ổn định về chống nhập cư, chống thương mại, chống toàn cầu hóa, điều này không có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, châu Âu nên tăng cường hợp tác với Trung Quốc.

Vai trò của “vòng tuần hoàn kép”

Môi trường quốc tế hiện nay chứa đựng những nhân tố không ổn định, Trung Quốc muốn duy trì tăng trưởng kinh tế thì cần phải tăng cường vòng tuần hoàn bên trong. Nói một cách cụ thể, chính là cần phải thiết lập một thị trường thống nhất mang tính toàn quốc, xóa bỏ các rào cản của chủ nghĩa bảo hộ địa phương, chính quyền trung ương phải đưa ra phương châm chính sách lớn, chính quyền địa phương phải phối hợp thực hiện, thúc đẩy xây dựng vòng tuần hoàn bên trong của nền kinh tế.

Về phương diện vòng tuần hoàn bên ngoài của nền kinh tế, môi trường quốc tế bên ngoài hiện nay không ổn định. Tuy nhiên, xét về dài hạn vòng tuần hoàn bên ngoài của nền kinh tế vẫn có hiệu quả.

Một điểm rất quan trọng để thúc đẩy vòng tuần hoàn bên ngoài của nền kinh tế chính là khơi thông giao thông, kết nối các nước không thù địch với Trung Quốc, tiếp cận thêm nhiều thị trường, chẳng hạn việc xây dựng và vận hành các tuyến giao thông bao gồm tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan là rất quan trọng.

Trung Quốc đã đề ra chiến lược về đảm bảo an ninh năng lượng. (Nguồn: Fica)

Trung Quốc đã đề ra chiến lược về đảm bảo an ninh năng lượng. (Nguồn: Fica)

Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng

Sắp tới, thế giới có thể sẽ hình thành hai thị trường năng lượng khác nhau, một thị trường chấp nhận năng lượng của Nga và một thị trường không chấp nhận năng lượng của Nga, hơn nữa một “ông lớn” năng lượng khác là Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã đưa ra quyết định giảm sản lượng lớn trên thị trường năng lượng thế giới, tìm cách ổn định giá dầu mỏ và lợi nhuận cao.

Thị trường không thông suốt khiến cho giá cả năng lượng của châu Âu tăng cao, cuộc xung đột Nga-Ukraine lại làm trầm trọng thêm sự chia rẽ của thị trường năng lượng toàn cầu. Những vấn đề năng lượng kìm hãm huyết mạch phát triển công nghiệp toàn cầu, chắc chắn điều này đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai.

Các nước đang ở thời kỳ chuyển tiếp năng lượng, từng bước tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Hiện nay đã xảy ra cuộc khủng hoảng ngắn hạn, nhưng trong 20-30 năm nữa, ngành công nghiệp sẽ ít phụ thuộc vào dầu khí hơn, điều này sẽ kéo giá dầu khí suy giảm.

Ngoài ra, còn có mục tiêu thống nhất dài hạn trung hòa carbon và kiểm soát sự nóng lên của toàn cầu. Nếu thế giới có thể tăng cường đầu tư đối với năng lượng tái tạo, thì cũng có thể làm giảm sự gia tăng của giá năng lượng.

Do công nghệ sản xuất quang điện của Trung Quốc rất tiên tiến, chi phí sản xuất điện khá thấp, nên Trung Quốc có ưu thế rất rõ ràng. Chỉ cần tiếp tục tăng cường đầu tư ở phương diện này, mức độ phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch của Trung Quốc sẽ giảm dần trong tương lai. Đồng thời, Trung Quốc cũng có thể đi trước nắm bắt cơ hội trên thị trường năng lượng thế giới.

Ngược lại, láng giềng của Trung Quốc là Nga vẫn dựa vào tài nguyên dầu khí làm nguồn thu chủ yếu, vì vậy trong kỷ nguyên năng lượng mới của tương lai, lợi thế của năng lượng hóa thạch sẽ bị suy yếu, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của nước này.

Hơn nữa, các quốc gia dầu mỏ Trung Đông cũng đã bắt đầu học tập công nghệ tiên tiến của Trung Quốc và mua sắm thiết bị phát điện quang điện để quản trị sa mạc, đây là một xu hướng phát triển phối hợp giữa năng lượng và môi trường.

Hai ví dụ trên là cảnh báo đồng thời là lời nhắc nhở đối với phương hướng phát triển năng lượng tương lai của Trung Quốc.

(theo Tuần san châu Á)

Ngọc Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dau-la-chia-khoa-hoi-sinh-suc-song-kinh-te-trung-quoc-205972.html