Đâu là động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp thủy điện thời gian tới?

Dự kiến kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp thủy điện đã tạo đáy trong nửa đầu năm 2024, dự kiến dần hồi phục trong những tháng cuối năm, và bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2025.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện đã tạo đáy trong nửa đầu năm nay sau khi pha El Nino chuyển sang giai đoạn trung tính.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện đã tạo đáy trong nửa đầu năm nay sau khi pha El Nino chuyển sang giai đoạn trung tính.

Dữ liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, sản lượng thủy điện toàn hệ thống giảm 24% còn 19,1 tỷ kWh và tỷ lệ huy động từ nguồn thủy điện cũng giảm so với giai đoạn 2020 - 2022. Nguyên nhân chủ yếu do pha El Nino tác động tiêu cực đến tình hình thủy văn của các nhà máy thủy điện trên cả nước.

Tuy nhiên, với việc pha La Nina dự kiến có xác suất cao quay trở lại kể từ tháng 8/2024, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện được kỳ vọng sẽ dần hồi phục và tăng trưởng mạnh trong năm 2025.

Dữ liệu lịch sử của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Khí hậu (IRI) cho thấy, pha La Nina thường kéo dài từ 9 - 12 tháng, hoặc thậm chí lên đến 2 năm, do đó pha La Nina xác suất cao sẽ kéo dài trong cả năm sau.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện trong giai đoạn 5 tháng đầu năm qua các năm. (Nguồn: EVN, VDSC)

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện trong giai đoạn 5 tháng đầu năm qua các năm. (Nguồn: EVN, VDSC)

Bên cạnh yếu tố thời tiết, theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sự hồi phục của các doanh nghiệp thủy điện còn đến từ việc giá bán điện bình quân trong năm 2025 của nhóm thủy điện sẽ khó có khả năng giảm so với năm 2024 và tình hình tài chính của EVN được cải thiện sẽ thúc đẩy việc thanh toán các hợp đồng mua điện.

Dữ liệu lịch sử của Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, sản lượng điện thương phẩm của các doanh nghiệp thủy điện trong chu kỳ La Nina cao hơn chu kỳ El Nino khoảng 10-20%. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp thủy điện là thấp nhất trong các nguồn điện, đa phần chỉ ở mức 400 - 600 đồng/kWh, so với mức 1.100 - 1.300 đồng/kWh của các doanh nghiệp nhiệt điện than.

Tỷ lệ alpha (Qc/Q) của các nhà máy điện qua các năm. (Nguồn: EVN, VDSC)

Tỷ lệ alpha (Qc/Q) của các nhà máy điện qua các năm. (Nguồn: EVN, VDSC)

Ngoài ra, do áp lực khi chi phí sản xuất điện luôn cao hơn giá bán lẻ điện trong giai đoạn 2021 - 2023, EVN đã kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí sản xuất điện bình quân trong năm 2024, thông qua việc điều tiết tỷ lệ alpha (sản lượng hợp đồng/sản lượng thực phát) giữa các loại hình phát điện.

Theo đó, tỷ lệ alpha của các nhà máy thủy điện được điều chỉnh lên mức 98%, là tỷ lệ cao nhất kể từ khi thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu vận hành, theo dữ liệu của Chứng khoán Rồng Việt.

Ở mức alpha cao như trên, các nhà máy thủy điện khó có khả năng tăng hiệu quả vận hành ở những thời điểm giá điện thị trường cao, điển hình là giai đoạn nắng nóng trong 5 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, Chứng khoán Rồng Việt nhận định, tỷ lệ alpha 98% là tỷ lệ đỉnh mà EVN có thể áp cho nhóm thủy điện. Do đó, trong thời gian tới, khi EVN có khả năng chủ động hơn trong việc điều chỉnh giá bán lẻ điện theo biến động của giá nhiên liệu và các nguồn điện đầu vào thì tỷ lệ alpha sẽ được điều chỉnh giảm, giúp thúc đẩy kết quả kinh doanh của nhóm thủy điện .

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dau-la-dong-luc-tang-truong-cho-doanh-nghiep-thuy-dien-thoi-gian-toi-123565.htm